Một số thông tin cơ bản về đất nước Phần Lan

 

                 Chợ Kauppatori – chợ trời truyền thống của Phần Lan

Tòa nhà Eduskuntatalo, tòa nhà chính của Quốc hội Phần Lan tại Helsinki.

Một số thông tin cơ bản về đất nước Phần Lan

-     Tên nước: Cộng hòa Phần Lan (The Republic of Finland)

-     Thủ đô: Hen-sin-ki (Helsinki)

-     Ngày Quốc khánh: 06/12/1917 (Ngày tuyên bố độc lập)

-     Vị trí địa lý: Nằm trong khu vực Bắc Âu, phía Đông và Đông Nam giáp Nga, phía Bắc giáp Na Uy, phía Tây giáp Thuỵ Điển, phía Nam và Tây Nam là vịnh Phần Lan, biển Ban-tích (Baltic) và vịnh Bốt-ni-a (Bothnia).

-     Diện tích: 338.145 km2, rừng chiếm 69%, đất canh tác 8%. Phần Lan có khoảng 188.000 hồ (với diện tích từ 500 m2 trở lên, tổng cộng chiếm gần 10% diện tích); gần 180.000 hòn đảo (trong đó gần 100.000 hòn đảo ở trong đất liền).

-     Khí hậu: Tuy gần Bắc cực, nhưng nhờ có dòng hải lưu nóng Gulf Stream, nên nhiệt độ trung bình cao hơn các nước khác trên cùng vĩ tuyến, trung bình mùa hè từ 13-17 oC, mùa đông từ -3 oC đến -14 oC.

-     Dân số: trên 5,4 triệu người (16 người/km2).

-     Ngôn ngữ: 91,6% số dân sử dụng tiếng Phần Lan là tiếng mẹ đẻ; 5,5% sử dụng tiếng Thuỵ Điển; tiếng Sami là tiếng mẹ đẻ của khoảng 1.700 người.

-     Tôn giáo: 83% theo đạo Tin lành dòng Lu-thơ và khoảng hơn 1% theo đạo Cơ đốc chính thống (Orthodox).

-     Đơn vị tiền tệ: 1 Euro = 1,2 USD

-     GDP 183,095 tỷ USD. Trong đó nông nghiệp 2,6%, công nghiệp 29,1% và dịch vụ 68,2%. 

-     Thu nhập bình quân đầu người 34.044 USD

I. Khái quát lịch sử

Phần Lan hình thành quốc gia rất muộn. Trong hơn 650 năm (từ 1155-1809) Phần Lan bị Thuỵ Điển đô hộ. Năm 1809, Thuỵ Điển bị thua trong cuộc chiến tranh với Nga hoàng và Phần Lan trở thành công quốc tự trị thuộc Nga suốt hơn 100 năm. Sau cách mạng Tháng Mười Nga, Liên Xô trao độc lập cho Phần Lan. Ngày 06/12/1917, Phần Lan tuyên bố độc lập. Theo hiến pháp được thông qua năm 1919, Phần Lan trở thành một nước Cộng hòa. Năm 1939, cuộc chiến tranh "Mùa Đông" nổ ra giữa Liên Xô và Phần Lan. Năm 1940, Phần Lan thất bại và phải ký hoà ước với Liên Xô, chấp nhận nhượng cho Liên Xô 10% lãnh thổ phía Đông. Khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, Phần Lan liên minh với Đức tấn công Liên Xô nhằm lấy lại phần đất bị mất. Năm 1944, Phần Lan rút khỏi cuộc chiến tranh và theo “Thoả ước đình chiến” phải bồi thường 300 triệu USD (theo tỉ giá thời đó) bằng hàng hoá trong vòng 6 năm và phải nhượng thêm cho Liên Xô phần đất Petsamo trên bờ biển Bắc cực. Năm 1948, Phần Lan ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Giúp đỡ lẫn nhau với Liên Xô đồng thời thực hiện chính sách trung lập, đứng ngoài vòng tranh chấp của các siêu cường.

II. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị, Lãnh đạo chủ chốt

1. Thể chế

            - Hiến pháp Phần Lan ban hành ngày 17/7/1917, thông qua năm 1919 và được sửa đổi năm 2000 quy định Phần Lan theo chế độ Cộng hoà. Quyền lập pháp thuộc về Quốc hội và Tổng thống. Quyền hành pháp thuộc về Tổng thống và Chính phủ.

- Người đứng đầu nhà nước là Tổng thống, được bầu theo chế độ phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 6 năm.

- Quốc hội Phần Lan có một Viện với 200 nghị sĩ, nhiệm kỳ 4 năm, được bầu theo phổ thông đầu phiếu.            

 2. Các đảng phái chính trị lớn nhất

- Đảng XHDC (SPD): thành lập năm 1899, là đảng lớn nhất đại diện cho tầng lớp công nhân, trí thức, tiểu chủ. Chủ tịch đảng là bà Jút-ta Pau-li-na U-pi-lai-nen  (Jutta Pauliina Urpilainen).

- Đảng Trung tâm: thành lập năm 1906, đại diện quyền lợi cho giai cấp nông dân và phái chính trị cánh trung tâm. Chủ tịch đảng là bà Ma-ri Ki-vi-ni-e-mi

            - Đảng Liên minh dân tộc hay còn gọi là Đảng Bảo thủ: thành lập 1918, đại diện cho giới công nghiệp, tài chính ủng hộ kinh tế thị trường tự do. Chủ tịch đảng là ông Gi-ki Ta-pa-ni Ka-tai-nen (Jyrki Tapani Katainen).

III.  Về kinh tế

Từ một nước bị tàn phá sau chiến tranh và phải trả một khoản bồi thường chiến tranh lớn giữa những năm 1940, Phần Lan đã tập trung vào xây dựng đất nước và đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế có sức cạnh tranh và tiềm năng phát triển hàng đầu thế giới với nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn truyền thống, có chuyên môn hoá cao như Công nghiệp gỗ giấy; Luyện kim; Đóng tàu và vận tải; Cơ khí; Điện tử, viễn thông; Công nghiệp hoá chất, dược phẩm. Về nông nghiệp, Phần Lan có 2.504 ngàn héc-ta đất trồng trọt (chiếm 8% diện tích), tự túc 85% lương thực.          

            Chính phủ Phần Lan luôn chú trọng gắn giáo dục với nghiên cứu và sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế, trong đó hiện nay tập trung vào công nghệ thông tin. Theo xếp hạng của Ủy ban Sáng tạo Châu Âu (EIS), Phần Lan được xếp là nền kinh tế sáng tạo thứ ba thế giới, vượt xa mức trung bình của châu Âu và Mỹ, được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2004) đánh giá là đất nước có “văn hóa sáng tạo”, trong đó NOKIA là một điển hình. 

Tình hình kinh tế của Phần Lan hiện nay nhìn chung ổn định. Kinh tế Phần Lan đã chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu (thu nhập từ xuất khẩu, chiếm 40% GDP của Phần Lan, đã giảm mạnh). Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của EU, về trung và dài hạn, Phần Lan có nền kinh tế ổn định và vững chắc. Năm 2011, dự kiến tăng trưởng GDP ở mức 3,9% (2010 là 3,2%), tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 7,8% (2010 là 8,4%).

1. Thương mại

Thương mại đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Phần Lan, trong đó xuất khẩu chiếm tỷ trọng GDP cao. Ba ngành xuất khẩu quan trọng trong nền kinh tế Phần Lan là: Các sản phẩm thép, máy móc và thiết bị vận tải (chiếm 31,1% xuất khẩu); Thiết bị quang học và điện tử (chiếm 28% xuất khẩu); và sản phẩm giấy và gỗ (chiếm 20,3 % xuất khẩu). Công nghiệp Phần Lan phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô, máy móc và phụ kiện cần thiết cho sản xuất các sản phẩm tiêu thụ trong nước cũng như cho xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu chính của Phần Lan là Đức, Thuỵ Điển, Nga và Mỹ. Các đối tác nhập khẩu chính là Đức (15,8%), Nga (14%), Thụy Điển (13,7%) và Hà Lan (6,8%).

2. Chính sách ODA

Phần Lan luôn coi trọng chính sách viện trợ và hợp tác phát triển, coi đây là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Thông qua viện trợ phát triển, Phần Lan mong muốn hỗ trợ các nước nghèo cải thiện điều kiện kinh tế xã hội, qua đó tăng cường khả năng thu hút đầu tư và thương mại của các nước này (“aid for trade”), hướng tới xoá bỏ tình trạng nghèo đói trên thế giới. Ngày 18/10/2007, Chính phủ Phần Lan đã thông qua Chương trình chính sách phát triển (Development Policy Programme) mới với chủ đề “Toward a Sustainable and Just World Community”(Hướng tới một cộng đồng thế giới công bằng và bền vững). Mục tiêu chính của chính sách phát triển mới này là xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững phù hợp với các mục tiêu Thiên Niên kỷ.

Năm 2009, viện trợ phát triển của Phần Lan đạt 0,5 % GDI. Phần Lan cam kết tăng viện trợ phát triển lên 0,58% GDI năm 2011 và 0,7% GDI năm 2015. Hiện nay, hợp tác phát triển của Phần Lan tập trung vào 8 nước đối tác dài hạn gồm: Mozambique, Tanzania, Ethiopia, Zambia, Kenia ở châu Phi; Nicaragua ở châu Mỹ La tinh; Việt Nam và Nepal ở châu Á.

IV. Chính sách đối ngoại

 Rút ra được những bài học kinh nghiệm từ quá khứ của lịch sử, trong nhiều thập kỷ qua, Phần Lan luôn theo đuổi đường lối đối ngoại trung lập tích cực; giữ cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, các khối; không tham gia các khối quân sự; ủng hộ và thúc đẩy cho các hoạt động vì hoà bình, giải trừ quân bị, làm giảm căng thẳng tình hình quốc tế; ủng hộ đối thoại giữa các nước và khu vực.

            Năm 2008, Phần Lan là Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE). Phần Lan là thành viên tích cực của EU, ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng như các nước Bắc Âu, Nga và các nước ở vùng biển Ban-tích. Mới đây, Phần Lan đã thông qua Hiệp ước Lis-bon. Hiện nay, Phần Lan đang tham gia vào chương trình Đối tác vì Hoà bình (Partnership for Peace) với NATO và vẫn để ngỏ cửa cho việc tham gia NATO (tuy nhiên phần lớn dân Phần Lan muốn tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại trung lập). Chính phủ Phần Lan cũng chú trọng phát triển quan hệ với châu Á, nhất là với các nền kinh tế đang nổi lên để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Phần Lan thâm nhập thị trường, phát triển hoạt động đầu tư kinh doanh.

Phần Lan trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1950; Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bắc Âu năm 1955; Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) năm 1969; liên kết với Khối mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA) năm 1961 và trở thành thành viên đầy đủ năm 1986; ký Hiệp định Tự do thương mại với Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC) năm 1973. Phần Lan gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU) từ 01/01/1995 và EMU từ 01/01/1999. Ngoài ra, Phần Lan cũng là thành viên của Tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều ngân hàng phát triển trên thế giới như ADB…

V. Quan hệ với Việt Nam

            Phần Lan lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 25/01/1973, từ đó đến nay Phần Lan luôn duy trì chính sách hợp tác, hữu nghị với Việt Nam. Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội được thành lập năm 1974. Việt Nam mở Đại sứ quán tại Helsinki vào cuối năm 2005.

1. Quan hệ chính trị

Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Phần Lan đang phát triển tích cực. Thời gian qua, hai bên đã thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, gần đây nhất là:

Đoàn Phần Lan thăm Việt Nam: Tổng thống Phần Lan (tháng 2/2008); Thủ tướng Phần Lan Matti Vanhanen (tháng 11/2009), Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Sauli Niinisto (tháng 1/2010), Bộ trưởng Bộ Việc làm và Kinh tế Bà Anni Sinnemaki (9/2010). Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Bà Anne Holmlund (8-10/9/2010). 

Đoàn Việt Nam thăm Phần Lan: Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (tháng 6/2008); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (tháng 2/2009); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (tháng 4/2010); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 5/2010). 

2. Quan hệ hợp tác kinh tế

2.1. Thương mại

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Phần Lan từ năm 2005 - 2010:                                                                                           

 

2005

2006

2007

 2008

2009

2010

Xuất khẩu

57,2

68,9

92,5

134

149,2

150

Nhập khẩu

42,7

82,3

78,5

105

79,5

85

Tổng kim ngạch

99,9

151,2

171

239

228,7

235

                                                (Đơn vị triệu USD; Nguồn: Hải quan Việt Nam)

            Quan hệ thương mại Việt Nam – Phần Lan ngày càng phát triển, tuy nhiên kim ngạch thương mại hai chiều còn ở mức khiêm tốn. Hai bên đang tích cực phấn đấu tăng dần kim ngạch buôn bán, ước đạt 1 tỷ USD trong những năm tới.

            Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Phần Lan gồm: cà phê, cao su, giầy dép các loại, hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, xe đạp và phụ tùng xe đạp... Việt Nam nhập khẩu từ Phần Lan máy móc thiết bị, phương tiện thông tin truyền thông (chiếm từ 80 – 85% kim ngạch), nguyên phụ liệu dệt may da, chất dẻo nguyên liệu, thiết bị điện và phụ tùng, sắt thép các loại...

            Trong quan hệ giữa Việt Nam với EU, Phần Lan ủng hộ việc EU trao cho ta Quy chế Kinh tế thị trường.

2.2. Đầu tư

Hiện nay, Phần Lan đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn trên 60 triệu USD, đứng thứ 50 trong tổng số 88 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Các dự án của Phần Lan thuộc loại nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu trong ngành công nghiệp như sản xuất keo công nghiệp, hàng may mặc, sản xuất gỗ và chế tạo ngư nghiệp, cụ thể:

Từ năm 2003, Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội quản lý 1 quỹ địa phương trị giá 500.000 Euro/năm do Đại sứ quyết định cho từng dự án nhỏ và vừa với quy mô khoảng từ 30.000 Euro đến 50.000 Euro cho mỗi dự án.

Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư hiện là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Phần Lan trong quan hệ với Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Phần Lan tháng 2/2008, hai bên đã ký kết Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư, là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư song phương trong thời gian tới. Phần Lan đã lập Tổng lãnh sự quán tại Tp. Hồ Chí Minh (5/2008), mở Văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại Finpro tại Tp. Hồ Chí Minh (đầu năm 2009) và Lãnh sự danh sự tại Đà Nẵng (tháng 2/2010) để áp ứng nhu cầu của các công ty Phần Lan đang ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam. Theo kết quả khảo sát gần đây của Hiệp hội doanh nghiệp Phần Lan, Việt Nam là thị trường châu Á đứng thứ hai (sau Trung Quốc và trên Ấn Độ) được doanh nghiệp Phần Lan quan tâm.

Tính đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa đầu tư sang Phần Lan.

3. Hợp tác phát triển

3.1. Viện trợ không hoàn lại

   Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1973, Phần Lan luôn ủng hộ ta trong thời kỳ khó khăn, bị bao vây, cấm vận trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay và “không áp đặt các điều kiện về chính trị trong chính sách viện trợ”. Phần Lan đã xoá nợ trên 40 triệu USD cho Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là một trong tám nước (một trong hai nước ở châu Á) được chọn là đối tác lâu dài về hợp tác phát triển của Phần Lan.

            - Từ 1974 đến 2006: Các dự án viện trợ không hoàn lại điển hình như Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng tại Hải Phòng (từ năm 1985 với tổng số vốn là 46 triệu USD). Xây dựng và cải tạo hệ thống cấp nước Hà Nội. Cải tạo, mở rộng hệ thống cấp nước ở Hải Phòng. Ngoài ra, Phần Lan còn mở rộng sự giúp đỡ sang nhiều lĩnh vực khác như lâm nghiệp, phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo, văn hoá, năng lượng.

- Trong giai đoạn 2007-2010, định hướng ưu tiên về hợp tác giữa hai nước hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo và gồm ba lĩnh vực: (i) Phát triển nông thôn tổng hợp bao gồm cả lâm nghiệp, (ii) Cấp thoát nước và xử lý chất thải, (iii) Nâng cao năng lực và hỗ trợ cải cách. Tính đến 2010, ODA  Phần Lan cho Việt Nam đạt gần 400 triệu USD. Các dự án do Phần Lan hỗ trợ nói chung đều mang lại hiệu quả cao, điển hình là Chương trình Phát triển nông thôn tổng hợp Quảng Trị và Thừa Thiên Huế và Chương trình cấp nước tại thành phố Hải Phòng.

            Tại hội nghị CG tháng 12/2010, Phần Lan cam kết hỗ trợ 33,92 triệu USD giảm 31,59% so với năm 2009. Theo kế hoạch, Phần Lan sẽ cung cấp ODA cho Việt Nam ở mức cao nhất trong khoảng 3 năm tới, sau đó sẽ giảm dần. Trong giai đoạn 2009-2012, Phần Lan tiếp tục hỗ trợ ta trong các lĩnh vực: xóa đói giảm nghèo, lâm nghiệp, nước sạch và vệ sinh, khoa học công nghệ (Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan, gọi tắt là IPP). Phần Lan cũng đang xem xét điều chỉnh định hướng ODA cho phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, chuyển dần sang các lĩnh vực hợp tác mới như: chính sách lao động và công nghiệp, chính sách thương mại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, năng lượng và công nghệ sạch. Ngoài ra, Phần Lan sẽ tập trung hỗ trợ hợp tác khu vực sông Mê-kông.   

Trong bối cảnh kinh tế Phần Lan phục hồi chậm trong năm 2009 và tiếp tục đà phục hồi vào năm 2010, Phần Lan phải cắt giảm chi tiêu của Chính phủ (47 triệu Euro) và cắt giảm tiền viện trợ cho các nước nghèo (80 triệu Euro), nhưng đối với Việt Nam, Phần Lan vẫn thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết về vấn đề này.

            Ngoài kênh hợp tác song phương, Phần Lan cũng trợ giúp cho Việt Nam thông qua các tổ chức đa phương như EC, LHQ; các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB; các tổ chức phi chính phủ và các chương trình hợp tác khu vực của Ủy ban sông Mê-kông, AITCV, ILO…

3.2. Vốn vay tín dụng ưu đãi

            Bên cạnh nguồn viện trợ không hoàn lại, Phần Lan cũng cung cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam. Việc cấp tín dụng sẽ được thực hiện thông qua các hiệp định tín dụng khung ký giữa Bộ Tài chính và các ngân hàng Phần Lan. 

            Đến nay, tín dụng ưu đãi của Phần Lan đã sử dụng được cho 14 dự án (02 dự án mua trạm biến thế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Cấp nước Tam Kỳ; Cấp nước Thái Bình; 02 trạm bơm nước mưa Hải Phòng; Cầu Rào 2; Điện khí hóa nông thôn; Nâng cấp hệ thống cung cấp và điều khiển lưới điện Miniscada; Trang thiết bị bệnh viện đa khoa Thanh Hóa, Cao Bằng, Việt Tiệp Hải Phòng; Trang thiết bị Phòng cháy chữa cháy; Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi; Cấp nước Hưng Yên,...). Tổng số các dự án được Chính phủ hai nước đưa vào danh sách ưu tiên về tín dụng ưu đãi hiện nay là khoảng 20 dự án với số vốn ODA khoảng hơn 100 triệu USD, trong đó 06 dự án đang triển khai thực hiện, đã giải ngân, các dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện.

4. Giáo dục, đào tạo, văn hóa

4.1. Hợp tác giáo dục

Hiện nay có khoảng 500 học sinh, sinh viên từ Việt Nam sang Phần Lan du học, chủ yếu dưới dạng tự túc. Riêng năm 2010 có 160 em sang học. Đại đa số sinh viên theo học các ngành công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh.

Tháng 11/2006, Bộ Ngoại giao Phần Lan đã quyết định đưa Việt Nam (là nước duy nhất ở Châu Á) vào danh sách nước được nhận tài trợ giai đoạn 2 của Chương trình trao đổi giáo dục Bắc-Nam-Nam (North-South-South Higher Education Institution Network Programme). Tổng số vốn cho giai đoạn này là 4,5 triệu Euro. Theo chương trình này, Chính phủ Phần Lan sẽ tài trợ trao đổi sinh viên và giáo viên giữa các trường đại học của Phần Lan và các đối tác Việt Nam ở bậc đại học, cao học và có thể mở ra cho cả tiến sĩ với thời gian từ 3-6 tháng, dài nhất là một năm trong toàn bộ chương trình học đại học. Chương trình cũng tài trợ cho các khóa học tập trung (intensive courses) từ 1-10 tuần do các trường đại học của cả hai bên đồng tổ chức. Việc trao đổi giảng viên, sinh viên giữa các trường đại học phát triển tốt, như giữa các Đại học Hải Phòng và Y huế với các Đại học ở Tampere và Lahti của Phần Lan. Tuy nhiên hiện nay mới có một số ít trường ở Việt Nam thiết lập được quan hệ với các đối tác Phần Lan.

Trong chuyến thăm Phần Lan của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân tháng 2/2009, hai bên đã ký Thỏa thuận khung về hợp tác giáo dục-đào tạo, theo đó, Phần Lan sẽ giúp ta đào tạo tiến sỹ trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế, môi trường, lâm ngư nghiệp...

4.2. Hợp tác văn hóa

 Mặc dù hai nước chưa ký thỏa thuận, chương trình hợp tác về văn hóa nghệ thuật nhưng trong những năm trở lại đây, tình hình hợp tác trao đổi văn hóa – nghệ thuật giữa Việt Nam và Phần Lan đã được tăng cường và thúc đẩy. 

5. Các lĩnh vực khác

5.1. An ninh - Quốc phòng   

Trong nhiều năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có những bước tiến tích cực, nhất là trong việc trao đổi tình hình, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhân chuyến thăm và làm việc của mình tại Việt Nam tháng 9/2010, Bà Bộ trưởng An-nê Hôm-lun (Anne Holmlund) thay mặt Bộ Nội vụ Phần Lan và Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khánh Toàn thay mặt Bộ Công an Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ giữa hai Bộ về hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh PCTP.                                                                                                                   

5.2. Lao động   

Hợp tác lao động giữa Việt Nam-Phần Lan là một lĩnh vực hợp tác có triển vọng. Việt Nam là nước đầu tiên và đến nay là duy nhất ngoài khu vực châu Âu được Phần Lan lựa chọn thực hiện mô hình hợp tác thí điểm "lao động di cư" năm 2008. Hiện có khoảng 4.000 lao động và 500 sinh viên Việt Nam đang làm việc, học tập và hòa nhập rất tốt tại Phần Lan.

Ngày 26-28/03/2008, Bộ trưởng Lao động Phần Lan Ta-gia Cờ-rôn-bua (Tarja Cronberg) đã thăm và làm việc với Bộ LĐTBXH nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực lao động trong bối cảnh Phần Lan có kế hoạch nới lỏng việc tiếp nhận lao động từ bên ngoài để giải quyết vấn đề thiếu lao động trong nước.

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 13-22/04/2008, đoàn Lãnh đạo và doanh nghiệp vùng Nam Ô-xờ-tờ-rô-bốt-ni-a (Ostrobothnia) đã phối hợp với trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội tuyển chọn trực tiếp 18 lao động có tay nghề (thợ hàn, thợ điện và thợ mộc) sang làm việc tại Phần Lan. Tháng 12/2009, phía Phần Lan đã tiến hành đánh giá kết quả sơ bộ chương trình thí điểm trên. Theo báo cáo tổng kết, tuy còn một số khiếm khuyết vì những lý do khách quan và chủ quan, chương trình này đã thành công đối với cả hai bên và có thể được nhân rộng ra ở các địa phương và trong lĩnh vực khác của Phần Lan. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2009 của Thủ tướng Phần Lan Mát-ti Van-ha-nen (Matti Vanhanen), Thủ tướng chính phủ 2 nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực chính sách lao động và công nghiệp.

5.3. Khoa học công nghệ

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Phần Lan tháng 2/2008, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác KH&CN Việt Nam - Phần Lan thay thế cho Bản ghi nhớ đã ký năm 1995. Trên tinh thần của Bản ghi nhớ, hai bên đã xây dựng "Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan" (IPP) với sự hỗ trợ không hoàn lại của Phần Lan trị giá 3 triệu USD.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, hiện nay công ty Viễn thông Nokia đã và đang hoạt động kinh doanh hiệu quả trên thị trường Việt Nam. Tháng 3/2011, Nokia đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại tại Bắc Ninh với tổng giá trị đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD.

6.  Cộng đồng người Việt tại Phần Lan

Cộng đồng người Việt Nam tại Phần Lan hiện có khoảng 5.000 người, trong đó có 1.657 người vẫn mang quốc tịch Việt Nam; đa số sang Phần Lan trong những năm 1980 dưới hình thức vượt biên và nhận quy chế tị nạn, số còn lại đi theo đường đoàn tụ gia đình, kết hôn. Nhìn chung, đa số người Việt tại Phần Lan đều chăm chỉ tập trung làm ăn và luôn hướng về Tổ quốc, một số ít vẫn sống nhờ trợ cấp xã hội. Chính giới Phần Lan đánh giá cao tính cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo của người Việt Nam và những đóng góp hiệu quả đối với nước sở tại. Người Việt Nam ở Phần Lan sống rải rác ở hầu khắp các tỉnh, không tập trung ở một số khu vực như những nơi khác. Hội Người Việt Nam tại Phần Lan đã được thành lập vào tháng 6/2007 và tổ chức nhiều hoạt động như sinh hoạt văn hoá, văn nghệ cộng đồng, dạy tiếng Việt cho thanh thiếu niên, hỗ trợ tư vấn pháp lý trong cộng đồng, hoạt động từ thiện, hướng về nguồn… Ngày 01/11/2008, Hội sinh viên, thanh niên Việt Nam tại Phần Lan đã được thành lập, quy tụ cả sinh viên du học và thanh niên, sinh viên Việt kiều tại Phần Lan.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam - tháng 3/2011


Phần mềm giao nhận logistic