Dân tộc đứng trên sắc tộc

(SGGPO) - Nước Anh mới đây đã bầu một người Hồi giáo làm thị trưởng London, nay đến lượt nước Đức. Bà Muhterem Aras, 50 tuổi, người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ, một chính trị gia đảng Xanh, hôm 11-5 vừa được bầu làm Chủ tịch Nghị viện bang Baden-Württemberg, bang lớn thứ ba về diện tích và dân số của Đức. Đây là phụ nữ Hồi giáo ở Đức nắm cương vị cao nhất từ trước tới nay. Đây cũng là lần đầu tiên đảng Xanh giữ chức chủ tịch Nghị viện bang ở Đức. 

Sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, năm 1978, khi được 12 tuổi, bà Aras theo cha mẹ đến sống tại thị trấn gần thành phố Stuttgart. Cũng giống như người cha của tân Thị trưởng Hồi giáo đầu tiên tại London, cha của bà Aras cũng thuộc tầng lớp lao động, ông làm công nhân trong công ty thang máy ở Đức. Mẹ của bà làm vệ sinh theo thời vụ cho công ty này. Nhờ công lao động cật lực của cha mẹ, bà được ăn học thành tài. Tốt nghiệp đại học khoa kinh tế trước khi thành lập công ty riêng về tư vấn thuế, sự nghiệp chính trị của bà bắt đầu vào năm 1992 khi bà ra tranh cử cho đảng Xanh tại hội đồng địa phương. Từ đó, con đường chính trị của bà liên tục thăng tiến, trở thành nhà lãnh đạo của đảng Xanh tại bang Baden-Württemberg.

Câu chuyện của bà Aras diễn ra trong bối cảnh xã hội Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang rất căng thẳng trước vấn đề tôn giáo, di cư và chủ nghĩa cực đoan. Không chỉ nước Đức, làn sóng khủng bố xuất thân từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trà trộn vào dòng người nhập cư đến châu Âu đã gây ra những vụ khủng bố lớn tại Pháp và Bỉ. Chỉ một ngày trước khi bà Aras được bầu, tại nhà ga xe điện ngầm ở Munich, một người đàn ông tấn công 4 người bằng dao và la lớn “Allahu Akbar” (Thượng đế vĩ đại). Một cuộc thăm dò công bố hôm 12-5 cho thấy, gần 2/3 số người Đức nghĩ rằng đạo Hồi không thuộc về đất nước của họ.

Theo tờ Süddeutsche Zeitung, các thành viên của đảng Alternative theo xu hướng chống nhập cư (AfD) đã từ chối vỗ tay trong phiên đầu tiên khi bà Aras nhậm chức. Hồi đầu tháng này, AfD đã giành nhiều ghế kỷ lục trong các cuộc bầu cử địa phương khi tuyên bố chống người Hồi giáo. Tuy nhiên, lần này, AfD mất vị trí Chủ tịch Nghị viện bang về tay chính người Hồi giáo.

Vượt qua tất cả mọi định kiến, bà Aras đã chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng, bà là điển hình cho sự hòa nhập thành công của một người nhập cư, đặc biệt là phụ nữ Hồi giáo tại các nước phương Tây. “Chúng ta đã viết nên trang lịch sử ngày hôm nay”, bà Aras tuyên bố sau khi được bầu. Theo bà, chiến thắng này đã gửi một thông điệp về sự cởi mở, khoan dung và hội nhập thành công của những người sắc tộc ít người trong xã hội Đức, vốn được xem là thuần chất bản địa. Chủ tịch nhóm nghị sĩ của AfD tại Nghị viện bang Baden-Württemberg, ông Jörg Meuth đã vượt qua chính mình khi cùng siết chặt bàn tay với bà Aras và chúc bà thành công. 

Nhận định về việc bà Aras được bầu làm Chủ tịch Nghị viện bang Baden-Württemberg, CNN cho rằng, bang này đã “viết nên lịch sử” của cả nước Đức. Các chính khách bang Baden-Württemberg khẳng định, hàng triệu người Hồi giáo sống trong hòa bình tại Đức và là một khối thống nhất trong xã hội. Xét từ lăng kính này, mọi người dù cho sắc tộc gì khi trở thành nhà lãnh đạo của Đức thì đều phục vụ cho nhân dân.

Khánh Minh; Thứ bảy, 14/5/2016, 08:23 (GMT+7)

 

 

 


Phần mềm giao nhận logistic