Đảm bảo quyền tự do lập hội

(SGGPO) - Sáng 13-5, tại TPHCM, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Viện Nhà nước và Pháp luật và Học viện Chính trị khu vực II) phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc Việt Nam (UNDP) tổ chức hội thảo "Pháp luật về tổ chức xã hội của một số nước trên thế giới và góp ý cho dự thảo Luật về Hội ở Việt Nam".

Ông Scott Ciment, Cố vấn về Pháp quyền và Xã hội Dân sự của UNDP Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo

Đây là một trong những hoạt động của dự án "Pháp luật về tổ chức xã hội của một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam" do UNDP tài trợ. Dự Hội thảo có đại diện các cơ quan nhà nước, một số tổ chức quốc tế, hiệp hội, đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức phi lợi nhuận...

Tại Hội thảo, góp ý cho Dự thảo Luật về Hội, TS Phạm Quang Tú (Tổ chức Oxfam) cho rằng luật chỉ điều chỉnh đối với các hội được đăng ký thành lập, nên chia ra các loại hội khác nhau và có những quy định điều chỉnh khác nhau đối vói các loại hình hội.

Ông đề nghị cần đơn giản tối đa thủ tục thành lập hội, theo đó việc thành lập hội chỉ cần "đăng ký" và chịu trách nhiệm trước pháp luật, thay vì phải "xin phép" và "cho phép", đặc biệt là đối với các loại hình về hội tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Ông Trương Công Huy, Giám đốc Trung tâm Hành chính công của tỉnh Bình Dương, nêu ý kiến cần quản lý hội như quản lý doanh nghiệp; đồng thời luật phải cho thấy các hội được quyền gì, lợi ích như thế nào.

Đại biểu góp ý tại Hội thảo

Thành lập hội là một quyền cơ bản được ghi nhận trong các Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị mà Viêt Nam đã phê chuẩn vào năm 1982. Tại nhiều quốc gia, quyền lập hội cũng được quy định trong Hiến pháp và các văn bản khác với ý nghĩa là một quyền cơ bản.

Ở Việt Nam, quyền này được quy định trong Luật về quyền tự do hội họp (ban hành năm 1957) và Nghị định số 45 năm 2010. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định quyền tự do lập hội là một trong những quyền cơ bản của công dân. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều kẽ hở pháp lý liên quan đến các tổ chức xã hội ở Việt Nam vẫn còn tồn tại. Một số tổ chức xã hội không được chính thức công nhận do không có căn cứ pháp lý để cho rằng các tổ chức đó được thành lập hợp pháp hay không.

Luật về Hội nếu được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để đảm bảo cho công dân thực hiện quyền tự do lập hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời đảm bảo việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người.

Từ những ý kiến thảo luận và góp ý tại hội thảo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng bản báo cáo với đầy đủ những luận điểm khoa học, toàn diện, có giá trị lý luận và thực tiễn để phục vụ quá trình xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật về hội tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Ái Chân; Thứ sáu, 13/5/2016, 12:34 (GMT+7)

 


Phần mềm giao nhận logistic