Ẩm thực Việt vào từ điển Pháp

(SGGPO) - Ngày 26-5 tới, ấn bản Le Petit Larousse cho năm 2016-2017 sẽ ra mắt công chúng Pháp. Đáng chú ý, ấn bản mới lần này sẽ có thêm một số từ tiếng Việt lần đầu tiên được xuất hiện trong cuốn từ điển được cho là bán chạy nhất mỗi dịp khai trường.

Nghệ thuật nấu ăn châu Á đang trở thành trào lưu ẩm thực tại Pháp trong những năm gần đây và nhanh chóng được cập nhật trong từ điển. Điển hình là trong ấn bản Le Petit Larousse 2017, từ “phở” của Việt Nam lần đầu tiên có mặt. Phở được giải thích là một từ tiếng Việt, dùng để chỉ một món ăn được chế biến từ nước hầm xương bò với bánh phở. Tuy nhiên, cả hai từ “phô” (phở) và “bo bun” (bún bò) đã được định nghĩa trong từ điển Le Petit Robert từ năm 2014.

Một quán phở tại Anh.

Theo giải thích trong cuốn từ điển Le Petit Robert, “bo bun” là một món ăn được chế biến khéo léo từ thức ăn còn lại, song lại trở thành một món ăn không thể bỏ qua. “Bo bun” gồm bún, thịt bò hay thịt gà xào, ăn kèm với dưa chuột, rau bạc hà, hành phi, giá đỗ, cà rốt, lạc (đậu phộng), mùi (rau ngò). Sau này, “bo bun” trở thành danh từ chung để chỉ các món ăn có cách chế biến tương tự, nhưng có thể thay đổi thành phần theo gu ẩm thực riêng tại từng nước. Điều này giải thích tại sao nhiều nhà hàng tại Pháp phục vụ thêm món “bo bun au poulet” (bo bun thịt gà), không có thịt bò mà thay vào đó là thịt gà xào.

Trước đó, món “nem” cũng được định nghĩa trong Larousse. Theo đó, nem là một đặc sản của Việt Nam, là loại bánh làm từ bột gạo có nhân (gồm giá đỗ, thịt, miến…) được cuộn tròn và chiên giòn. Từ nem sau được biến tấu và được sử dụng để chỉ bất kỳ món ăn nào có cách làm tương tự. Thậm chí, từ một món ăn mặn, nem trở thành một món ngọt để tráng miệng hay món ăn nhẹ với nhân là chocolate, như “nem au Nutella” (nem chocolate Nutella) hay “nem à la banane et au Nutella” (nem chuối chocolate).

Ngoài ra, từ nuoc-mâm (nước mắm) cũng được định nghĩa trong từ điển Le Petit Larousse là “gia vị của Việt Nam, có được từ quá trình ủ cá trong muối”. Hay từ “Têt”, được Le Petit Larousse ghi là “viết tắt của từ Têt Nguyên Dan (ngày đầu tiên của năm). Tại Việt Nam, ngày lễ đầu năm tính theo âm lịch có nguồn gốc Trung Quốc, thường bắt đầu trong khoảng thời gian từ 20-1 đến 19-2 dương lịch”.

Ngoài các từ trên, còn có rất nhiều địa danh, tên riêng đã được đưa vào từ điển Le Petit Larousse như Điện Biên Phủ, Hà Nội, Trương Vĩnh Ký, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp…

Nói về ẩm thực, những món ăn của người Việt giờ không còn xa lạ với người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Như mới nhất, người dân thủ đô Prague, Cộng hòa Czech đã mê mẩn với món bún chả khi hội chợ ẩm thực của người Việt được tổ chức bên dòng sông Vltava. Tại Nhật Bản, ngày 4-4 hàng năm đã được chọn là Ngày của Phở để tôn vinh món ăn truyền thống của người Việt. Cũng tại xứ Phù Tang, món bánh mì thịt của Việt cũng đang làm mưa làm gió. Tờ Japan Times còn gợi ý cho du khách những quán bánh mì Việt ngon nhất trên đất nước mình. Để ẩm thực Việt được biết đến nhiều như ngày nay, có một phần đóng góp không nhỏ những người con đất Việt đang sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Những nhà hàng như Mai Ly, cửa hàng di động Bánh-mì Happy Truck tại Pháp; những quán phở nổi tiếng tại Mỹ, Anh, Australia… chính là những “đại sứ” ẩm thực, đưa những món ăn quen thuộc của người Việt đến với bạn bè năm châu.

Long Hoàng; Chủ nhật, 15/5/2016, 08:44 (GMT+7)


Phần mềm giao nhận logistic