Cải cách thể chế để tạo động lực phát triển doanh nghiệp
(SGGPO) - Đó là khẳng định của các chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo “Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam - Cơ hội nào cho doanh nghiệp?” diễn ra tại TPHCM ngày 17-5. Đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, hai yếu tố tạo nên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian qua là tích lũy vốn và nhân công giá rẻ. Hai yếu tố này sẽ không còn phù hợp trong xu thế phát triển mới hiện nay. Việt Nam muốn phát triển và tăng trưởng bền vững, phải nỗ lực cải thiện thể chế chính sách và năng suất lao động.
Năng suất khu vực tư nhân chưa được cải thiện
Việt Nam hiện có 535.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, mỗi năm bình quân số DN đăng ký mới khoảng 17.000 DN. Mục tiêu Chính phủ đặt ra vào năm 2035, Việt Nam sẽ có 1 triệu DN. Vấn đề khó là bên cạnh việc gia tăng về số lượng thì gia tăng nội lực lại hết sức cấp thiết. Đa số DN Việt có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu và thiếu chiến lược phát triển kinh doanh. Thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, có 51% DN có công nghệ sản xuất từ thập niên 60, hơn 40% DN nội có công nghệ sản xuất thập niên 90. Chỉ gần 9% có công nghệ sản xuất hiện đại. Với tình hình này, nếu không nhanh chóng cải thiện nội lực, DN Việt sẽ khó có khả năng tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại, do không đủ năng lực để trở thành đối tác DN đầu tư nước ngoài (FDI) hay tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư. Những chính sách hỗ trợ vốn của Chính phủ cho DN nội trên thực tế còn nhiều vướng mắc, thiếu khả thi trong áp dụng. Theo đà mở cửa của hàng loạt hiệp định thương mại, dòng chảy FDI cùng với những tên tuổi lớn sẽ đổ bộ đầu tư vào Việt Nam, họ có những lợi thế rất lớn như được ưu đãi đầu tư, có nguồn lực vốn mạnh, có thương hiệu, mạng kinh doanh toàn cầu… Đây sẽ là sức ép lớn cho DN nội. Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhấn mạnh, năng suất khu vực tư nhân Việt Nam bị đánh giá là thấp, một phần do sự phân bổ nguồn lực xã hội thiếu công bằng, theo hướng ưu tiên hơn cho DN nhà nước. Trong khi đó, DN nhà nước sản xuất thiếu hiệu quả. Các khung chính sách về cạnh tranh và hiệu lực thực thi ở Việt Nam còn yếu, nhất là khung pháp lý về bảo vệ quyền tư hữu tài sản. Vai trò nhà nước trong việc kết nối chuỗi cung ứng giữa DN trong nước và DN FDI chưa rõ nét… Tình trạng suy giảm năng suất trên cũng được Ngân hàng Thế giới cảnh báo là thách thức lớn trong chặng đường Việt Nam hướng đến mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 22.000 USD/người/năm vào năm 2035.
5 giải pháp cấp thiết hỗ trợ doanh nghiệp
Tại Hội thảo, nhiều DN bức xúc cho rằng, hiện vẫn còn những khoảng cách không nhỏ giữa chỉ đạo của Chính phủ với các cấp thực hiện, còn nhiều quy định làm khó DN. Đơn cử như Quốc hội đã thông qua quy định 267 ngành nghề là kinh doanh có điều kiện, thậm chí số lượng ngành nghề này sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh theo hướng thu hẹp lại để tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, khâu hậu kiểm chưa kiểm soát tốt nên vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều thủ tục phiền hà, hạn chế sức cạnh tranh của DN nội trên thị trường.
Các doanh nghiệp nhỏ rất cần vay vốn với lãi suất thấp để mở rộng sản xuất. Ảnh: Minh Tâm
Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã thấy rõ vấn đề này. Do vậy, để quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, ngày 16-5, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 35 về các giải pháp hỗ trợ và phát triển DN giai đoạn 2016 - 2020. Nghị quyết tập trung vào 5 giải pháp cụ thể như cải cách hành chính tạo thuận lợi cho DN; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng, quyền tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh cho các DN, nhất là DN tư nhân; giảm chi phí kinh doanh cho DN; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp kinh doanh cho DN.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần có những giải pháp nhằm tăng cường kỹ năng làm việc cho cán bộ quản lý. Những giải pháp chế tài mạnh hơn với những cá nhân cố tình nhũng nhiễu gây khó cho DN cần phải được áp dụng để minh bạch hóa môi trường đầu tư. Ngoài ra, với các DN FDI có ưu thế vốn đầu tư mạnh, công nghệ hiện đại thì Chính phủ Việt Nam cần có chính sách khuyến khích họ hợp tác với DN nội trên cơ sở hợp tác và chia sẻ lợi ích. Đồng thời, nhanh chóng chuẩn hóa đội ngũ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. “Chỉ cần thực hiện tốt những giải pháp trên, Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng kinh tế từ 4% - 6%”, bà Victoria Kwakwa khẳng định.
Ái Vân; Thứ tư, 18/5/2016, 09:33 (GMT+7)
- Ra mắt nền tảng số giúp phát hiện sớm rủi ro an toàn thông tin
- Hội thảo Việt Nam: 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy Khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA): Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/8 đến 14/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 18/7 đến 31/7/2024