Vì sao bạo lực gia đình gia tăng?
(SGGPO) - Nếu không có những con số rõ ràng và những sự việc cụ thể, chắc hẳn sẽ chẳng ai tin rằng một thứ xưa cũ, xấu xí như bạo lực gia đình lại có thể tồn tại, thậm chí gia tăng trong đời sống hiện đại.
Nguyên nhân của các tình trạng ly hôn
Có thể thấy, tần suất ly hôn trong gia đình Việt Nam ở các đô thị lớn ngày càng gia tăng theo tỷ lệ kết hôn/ly hôn: 3/1, tức cứ ba cặp kết hôn thì một cặp ly hôn. Các nguyên nhân dẫn đến gia đình tan vỡ có thể kể đến là: bất đồng về lối sống, kinh tế, ngoại tình và bạo lực gia đình. Trong đó yếu tố bạo lực gia đình chiếm 60% các vụ ly hôn ở Việt Nam. Bạo lực gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án thương tâm mà mới đây nhất là chuyện cha vợ chở xác con rể đi đầu thú vì con gái bị bạo hành khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Những tưởng đó chỉ là chuyện hy hữu nhưng một lần nữa những số liệu của Ủy ban các vấn đề về xã hội cho thấy 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần; khoảng 15% vợ bị chồng đánh, gần 80% bị chồng chửi, 70% bị chồng bỏ mặc trong cuộc sống gia đình; 30% cặp vợ chồng có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục gọi là “bạo lực tình dục” hoặc việc buộc phải sinh con trong khi sức khỏe của người phụ nữ không đảm bảo, hoặc buộc phải phá thai cũng được xem như một hình thức của bạo lực tình dục. Hậu quả của bạo lực gia đình gây thương tích thân thể chiếm 12,8%; tổn thương về tinh thần 28,3%; vợ chồng ly thân 5,1%; ly hôn 14,8%; con cái không được chăm lo 13,3%; tử vong 2,8%; tự tử 1,2%; có 2,7% bạo lực về kinh tế (hành vi phá hoại làm hư hỏng về tài sản). Theo Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, người có nhiều kinh nghiệm tham gia tham vấn ở Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM thì bạo lực gia đình đang có xu hướng gia tăng ở các gia đình trí thức, trong đó người phụ nữ không chỉ bị đọa đày về thể xác mà còn cả tinh thần.
Bữa cơm chung của nhà tạm lánh, mở cho các nạn nhân bị bạo hành
Bạo lực gia đình không chỉ xâm phạm đến quyền con người, danh dự nhân phẩm, tâm lý, sức khỏe của người bị bạo hành mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe của những đứa trẻ phải chứng kiến bạo lực gia đình. Đây cũng là nguy cơ khiến bạo lực gia đình luôn là nỗi ám ảnh trong đời sống hiện đại. “Những đứa trẻ có tuổi thơ chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình sẽ có xu hướng lặp lại điều đó với gia đình riêng của mình”. Đó là kết luận của ông Trần Quốc Phúc, Chủ nhiệm dự án Lời vàng cho con, người sáng lập tác phẩm giáo dục Vườn tâm hồn sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục.
Cội nguồn của những hành vi bạo lực
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực, song theo kết quả điều tra của Ủy ban các vấn đề về xã hội chỉ ra rằng, bạo lực trong gia đình thường do người chồng “khởi xướng”, nguyên nhân cơ bản dẫn đến bạo lực gia đình là do lạm dụng rượu bia (63,7%) và các tệ nạn xã hội khác như cờ bạc, nghiện ma túy, ngoại tình, ghen tuông, thiếu hiểu biết pháp luật, kinh tế khó khăn.
Những quan niệm “Chồng chúa, vợ tôi”, “... Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” vẫn còn, khiến quan hệ vợ chồng và việc giáo dục con cái bị hiểu sai mục đích. Thay vì xác lập trật tự trong gia đình, người chồng lại được xã hội ưu tiên trở thành tiếng nói quyền lực duy nhất khiến vợ con phải khiếp sợ khi cần thiết. Bình đẳng giới trở thành chiến lược quốc gia là một vấn đề rất khác so với việc cả xã hội ngó lơ với cảnh tượng người chồng quát mắng vợ mình nơi công cộng. Chồng đánh vợ là “chuyện riêng của gia đình người ta”, sự can thiệp, lên án của cộng đồng, làng xóm, chính quyền địa phương chỉ mang tính chất nhất thời khi sự việc đã trở nên nghiêm trọng. Nguồn cung tiếp theo cho “con sâu” bạo lực vẫn tiếp tục sinh sôi đó chính là bản thân người phụ nữ. Sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước bạo hành gia đình còn hạn chế. Thiếu thẳng thắn, cam chịu; nỗi sợ hãi “vạch áo cho người xem lưng” hay niềm kiêu hãnh về một gia đình hạnh phúc khiến họ có tư tưởng chôn giấu chuyện bạo hành xuống sâu mười lớp đất.
Ông Phan Quang Thịnh, giám đốc dự án khảo sát, cho biết: “Sự thiếu trang bị kiến thức, kỹ năng cho thanh niên trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân là nguyên nhân chính dẫn đến những mâu thuẫn lâu dài, thậm chí có thể phát sinh thành bạo lực. Ngoài ra, sự đảo lộn và thiếu định hướng các giá trị sống tích cực (chung thủy, tự trọng, hy sinh...) cũng tác động mạnh mẽ gây xói mòn hôn nhân. Để chủ động “tự cứu” lấy cuộc hôn nhân của mình, các cặp đối nên điều chỉnh nhận thức - thái độ - hành vi bản thân; củng cố, giữ gìn, bảo vệ nếp nhà; học cách tổ chức cuộc sống cân bằng giữa gia đình - công việc - sức khỏe...”.
|
Như Ý; Thứ bảy, 11/06/2016, 11:04 (GMT+7)
- Lý do chỉ 65 trên 958 giải Nobel được trao cho phụ nữ
- Chưa từng có trong lịch sử, Pháp trở thành nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới sửa Hiến pháp vì chị em phụ nữ nhân dịp lễ 8/3
- Tác giả đoạt giải văn chương Nhật Bản sử dụng AI trong tiểu thuyết, độc giả tranh cãi
- Nhật Bản đóng cửa hơn 8.500 trường học vì dân số già
- Vì sao phụ nữ hiện đại ngày càng ngại kết hôn?
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024