Hội thảo: Giải pháp phát huy hiệu quả vai trò của nữ trí thức trong tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến giáo dục pháp luật cho cộng đồng

Hội thảo diễn ra vào sáng ngày 14/6/2016 do Hội Nữ trí thức TP.HCM phối hợp cùng Hội LH Phụ nữ TP.HCM tổ chức. Đồng chủ trì Hội thảo có: PGS-TS. Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP; Luật gia Võ Thị Hồng, Chủ tịch Hội Luật gia TP; Ths. Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LH Phụ nữ TP.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS-TS. Trương Thị Hiền khẳng định: Trong thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong cộng đồng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, biện pháp, tạo được những chuyển biến tích cực trong việc làm cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, phát huy tinh thần cảnh giác, ý thức tự giác tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật. Có thể khẳng định các hoạt động PBGDPL đã góp phần nâng cao hiệu lực của pháp luật, hiệu quả quản lý của Nhà nước, từng bước xây dựng công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật vẫn có những diễn biến phức tạp và gia tăng trong một số cộng đồng dân cư, lĩnh vực hoạt động xã hội và sản xuất, nuôi trồng... Đáng báo động là tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, vi phạm luật giao thông, trật tự an toàn xã hội, tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa trong thanh, thiếu niên, tình trang bạo lực học đường, bạo lực gia đình,v.v...không chỉ đang làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng, sự xuống cấp về đạo đức xã hội, mà còn làm nguy hại đến sự tồn vong của giống nòi dân tộc. Nguyên nhân dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật trong một bộ phận không nhỏ cộng đồng dân cư là do nhận thức chung của xã hội về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mặc dù đã được áp dụng khá đa dạng, phong phú, song nhìn chung hiệu quả còn chưa cao, có một số hình thức chưa phù hợp với đối tượng tuyên truyền, phổ biến và tình hình thực tiễn, nhất là những đối tượng đặc thù còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp nhận thông tin, học tập tìm hiểu luật pháp như quy định từ Điều 17 đến Điều 22 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn có mặt hạn chế và chưa đồng đều, đặc biệt là ở cơ sở; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và tổ chức xã hội trong công tác tuyên truyền, PBGDPL còn chưa đồng bộ, đôi khi dẫn đến sự chồng chéo,v.v... 

Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế như trên, đề xuất những giải pháp mang tính định hướng để Hội LH Phụ nữ Thành phố tiếp tục nghiên cứu tổ chức thực hiện công tác tham gia PBGDPL trong nhiệm kỳ Đại hội 2016-2021, đặc biệt là tích cực góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Hội Nữ trí thức TP và Hội LH Phụ nữ TP phối hợp tổ chức Hội thảo nhằm đánh giá khả năng, ưu thế của nữ trí thức trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức nói chung và phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng; định hướng biên soạn tài liệu tuyên truyền và đúc kết những giải pháp khả thi trong công tác tuyên truyền phù hợp cho từng nhóm đối tượng trong cộng đồng. Vấn đề quan tâm của Hội thảo là xây dựng độị ngũ tuyên truyền trong giới nữ trí thức với những hình thức truyền thông hiệu quả, phù hợp nhằm giúp cho từng nhóm đối tượng, mà ưu tiên là nhóm đối tượng phụ nữ đặc thù nâng cao kiến thức, hiểu biết, chấp hành luật pháp; tạo điều kiện cho phụ nữ làm tốt hơn vai trò giáo dục con, em chấp hành pháp luật, không sa vào con đường tệ nạn xã hội vì thiếu hiểu biết; đồng thời trang bị những kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ biết cách tự bảo vệ bản thân khi bị bạo lực, bị buôn bán, bị xâm hại nhân phẩm, bị phân biệt đối xử.... Vì vậy, các phát biểu, tham luận cần đi sâu trao đổi, thảo luận các vấn đề:

1. Nguyên nhân đạt được những hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cộng đồng. Trong đó đi sâu đánh giá sự hiểu biết về pháp luật, ý thức chấp hành luật pháp nói chung và Luật Bình đẳng giới nói riêng trong từng nhóm thành phần dân cư, đặc biệt là các nhóm phụ nữ đặc thù; đánh giá những giải pháp mang tính đột phá, những hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả trong cộng đồng hiện nay, những bài học kinh nghiệm, v.v...

2. Những khó khăn, hạn chế, thách thức của hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng trong xu thế đất nước ngày càng hội nhập sâu  với khu vực và thế giới.

3. Vai trò của nữ trí thức trong tham gia cùng cộng đồng tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức nói chung và phổ biến giáo dục pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng. Trong đó, tập trung đánh giá bộ phận nữ trí thức đang công tác trong các tổ chức Đảng, chính quyền, UB Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các trường Đại học, Học viện, Trung tâm nghiên cứu, Trung tâm tư vấn, các tổ chức tập hợp nữ trí thức của Hội LH Phụ nữ...

4. Những đề xuất kiến nghị nhằm đẩy mạnh hoạt động TTPBGDPL đi sâu vào các nhóm dân cư trong cộng đồng; những cơ chế phát huy vai trò nữ trí thức trong TTPBGDPL.

Hội thảo đã nhận được 19 báo cáo tham luận của các cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy, cán bộ Hội LH Phụ nữ, luật sư, luật gia, báo cáo viên,...Các báo cáo tham luận đã đi sâu đánh giá các vấn đề sau:

Những hình thức, cách thức tuyên truyền hiệu quả tại cộng đồng dân cư

- Tổ chức “Ngày Phụ nữ và Pháp luật”,  Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 09 tháng 11 hàng năm).

- Tuyên truyền thông qua các hoạt động của Tổ tư vấn cộng đồng tại các chi Hội Phụ nữ.

- Tuyên truyền miệng, tư vấn trực tiếp bằng nhiều hình thức, tuyên truyền bằng hình thức tọa đàm trao đổi trực tiếp theo nhóm nhỏ, tuyên truyền bằng phương pháp xử lý tình huống.

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các chuyên mục truyền hình,....

- Lồng ghép việc PBGDPL với vận động người dân chấp hành pháp luật và nâng cao nhận thức, đồng thời giáo dục đạo đức, văn hoá truyền thống của dân tộc, của cộng đồng; tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ VN thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Biểu dương các nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến trong thi hành, chấp hành pháp luật, đồng thời phê phán những hành vi vi phạm pháp luật.

- Lựa chọn nội dung  tuyên truyền pháp luật thiết thực, gần gũi với cuộc sống hằng ngày và phù hợp với từng nhóm dân cư. Đồng thời chú trọng nội dung tuyên truyền các chính sách đặc thù của Thành phố và các văn bản thi hành luật có liên quan đến những vấn đề về quyền lợi người tiêu dùng như an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động...

Một số nội dung, hình thức tuyên truyền trong trường học

- Xây dựng hệ thống chuyên đề giáo dục pháp luật, lồng ghép các nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật vào chương trình dạy kỹ năng sống, giáo dục ngoại khóa.

- Tổ chức các hoạt động “Ngày Phụ nữ và Pháp luật” tại các trường trung học phổ thông với sự tham gia tư vấn của các luật sư, luật gia.

- Nữ trí thức có thể tham gia tuyên truyền pháp luật chống quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc và tại trường học, như  tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự nghiêm trọng, về tính chất vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức của những hành vi QRTD, giúp các cơ quan xây dựng quy tắc ứng xử chống QRTD, hướng dẫn trình tự điều tra, xử lý các trường hợp QRTD, tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân, giúp nạn nhân lên tiếng tố cáo thủ phạm QRTD, vận động xây dựng chính sách,...

Những giải pháp, biện pháp cần phát huy hoặc nghiên cứu tổ chức xây dựng mô hình

1. Kiện toàn, nâng chất mô hình Câu lạc bộ Nữ thẩm phán, CLB Nữ luật gia, CLB Nữ hội thẩm nhân dân, Câu lạc bộ Nữ làm công tác pháp luật, Câu lạc bộ Nữ trí thức, Câu lạc bộ “Nữ hòa giải viên.

2. Nâng cao năng lực theo hướng chuyên môn hóa đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyên viên pháp luật bằng các biện pháp như:

- Khơi dậy tính tích cực, chủ động của nữ trí thức tham gia là tình nguyện viên PBGDPL; phân nhóm BCV theo năng lực chuyên môn của nữ trí thức; trang bị kiến thức pháp luật, phương tiện TT cho nữ trí thức.

- Đẩy mạnh công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tuyên truyền miệng cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, chú ý các nhân tố mới thông qua các cuộc thi tuyên truyền viên, thi tìm hiểu pháp luật do các đoàn thể  tổ chức nhằm xây dựng hạt nhân tuyên truyền tại từng gia đình và cộng đồng.

- Thành lập các tổ tư vấn cộng đồng, câu lạc bộ nữ trí thức tình nguyện...

3. Xây dựng các mô hình, cơ chế phối hợp trong hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động chấp hành pháp luật có hiệu quả phù hợp với từng quận, huyện.

4. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng công cụ tuyên truyền PBGDPL, thành lập cổng thông tin điện tử tuyên truyền phổ biến, tư vấn pháp luật.

5. Tổ chức những hình thức tuyên truyền, biên soạn tài liệu tuyên truyền mang tính chuyên biệt, đi sâu vào từng nhóm đối tượng thành phần dân cư. Trong đó cần quan tâm nhóm phụ nữ đặc thù.

6. Biên soạn và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền mang tính phổ thông, kết hợp hỏi đáp về những vấn đề pháp luật cụ thể gắn liền với đời sống hàng ngày (tờ rơi, tờ gấp, sách bỏ túi …).

7. Xây dựng, quản lý, khai thác tốt tủ sách pháp luật.

8. Tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật; giao lưu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ có lồng ghép nội dung pháp luật thiết thực, phù hợp với từng đối tượng.

9. Kêu gọi sự tham gia của đội ngũ giảng viên luật và báo cáo viên là các cán bộ chủ chốt đã được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm thực tiễn hoặc là những cán bộ đang công tác ở cơ quan bảo vệ pháp luật và luật gia, luật sư tham gia báo cáo để gắn lý luận với thực tiễn.

10. Mời gọi sáng tác những tác phẩm văn học có giá trị nhằm góp phần vào cuộc đấu tranh thực hiện Luật Bình đẳng giới.

Một số đề xuất, kiến nghị

1. Cần xây dựng tiêu chuẩn báo cáo viên thật cụ thể, về chuyên môn ít nhất phải có bằng cử nhân luật hoặc cử nhân hành chính. Đồng thời chú ý xây dựng phong cách tiếp cận, gần gũi, biết lắng nghe để tạo được thiện cảm và sự đồng hành của những người  tham dự.

2. Hội Nữ trí thức TP.HCM nghiên cứu Thành lập Ban chuyên trách về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hoặc nhóm nữ trí thức tình nguyện làm TTV-BCV pháp luật, có kế hoạch phân công TTV-BCV bám sát địa bàn, nhóm đối tượng phụ nữ đặc thù để đi sâu tuyên truyền những nội dung điều khoản luật cần thiết đối với từng nhóm thành phần xã hội, đối tượng dân cư; nghiên cứu xây dựng các công cụ PBGDPL, tư vấn pháp luật miễn phí cho nhóm phụ nữ đặc thù; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các chi hội trực thuộc Hội Nữ trí thức trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật,v.v...

3. Các tổ chức Hội Nữ trí thức thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh...  cần phối trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để tập hợp đông đảo số lượng tham dự, tránh tình trạng trùng lặp đối tượng tuyên truyền, gây lãng phí, mất thời gian.

4. Hội Nữ trí thức thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cần nghiên cứu phương thức để huy động lực lượng nữ trí thức tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, song song với việc cung cấp thêm tài liệu, phương tiện tuyên truyền bổ trợ.

5. Hội Luật gia TP, Hội LH Phụ nữ TP, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TP, Sở Tư pháp và các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ công tác tập huấn cho BCV-TTV; quan tâm nhiều cho cơ sở, nhất là trong các loại hình tập hợp có nữ trí thức tham gia để cập nhật kiến thức luật mới, các văn bản dưới luật; bồi dưỡng các kiến thức bổ trợ, kỹ năng tuyên truyền...

6. Cơ quan bảo vệ pháp luật phải thực hiện xử phạt nghiêm minh các vụ vi phạm luật để không chỉ răn đe người vi phạm mà còn giáo dục ý thức chấp hành luật pháp của người chưa vi phạm hoặc đang có ý định vi phạm. Đồng thời nghiên cứu thực hiện thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm cán bộ thực thi pháp luật, cụ thể:

- Các cơ quan chức năng có thẩm quyền, khi nhận đơn khiếu nại, tố cáo của người dân phải nghiên cứu đầy đủ nội dung vụ việc để giải quyết đúng pháp luật, đúng thời han theo quy định pháp luật.

- Người công chức được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của người dân, phải là người có năng lực, có trình độ chuyên môn và là người biết lắng nghe, thông cảm nỗi bức xúc của người dân.

- Cần có một cơ chế phối hợp làm việc giữa cơ quan, đơn vị trợ giúp  pháp lý miễn phí với các cơ quan chức năng liên quan để nâng cao hiệu quả trong việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân.

7. Tòa án nhân dân các cấp cần tăng cường tổ chức xét xử lưu động tại khu dân cư có đông người lao động nghèo, nhằm tác động mạnh tới nhận thức pháp luật (ý thức tôn trọng, ứng xử và chấp hành pháp luật) của cộng đồng. Thông qua phiên tòa lưu động, nhóm phụ nữ đặc thù cũng có thêm thông tin hữu ích về những thủ đoạn tội phạm mới, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh phòng ngừa tội phạm,...

8. Các cơ quan giám sát việc thi hành pháp luật, lãnh đạo chính quyền các cấp cần giám sát việc thực thi những chỉ thị, điều khoản luật về tăng cường PBGDPL cho nhóm đối tượng đặc thù; quan tâm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người lao động, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất trong tình hình mới; có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hoá mới cho công nhân lao động; xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất theo tinh thần của Chị thị số 52/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất để hạn chế tình trạng công nhân bị kẻ xâu kích động, gây rối, vi phạm pháp luật.

9. Nhà nước, chính quyền, ngành chức năng cần có biện pháp quản lý, bảo vệ thương hiệu và hỗ trợ đầu ra cho nông sản sạch để khuyến khích nông dân thực hiện đúng quy trình sản xuất theo quy chuẩn “nông sản an toàn”, giúp người nông dân chấp hành tốt Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật An toàn thực phẩm,...

10. Thành phố, ngành chức năng cần đầu tư điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực cho các trung tâm học tập cộng đồng (các trung tâm học tập cộng đồng ở ấp, khu phố hiện có nhưng chưa hoạt động hết chức năng) như trang bị máy vi tính, tủ sách đúng nghĩa như một thư viện thu nhỏ mà mọi người có thể đến đọc sách và truy cập thông tin cần thiết, là nơi tổ chức sinh hoạt thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết, nhận thức về luật pháp cho cộng đồng dân cư nông thôn và nữ nông dân một cách thiết thực nhất.

10. Tạo cơ chế cho Hội Nữ trí thức Thành phố cùng phối hợp tham gia thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cụ thể là cơ cấu Hội Nữ trí thức Thành phố vào Hội đồng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Thành phố; tạo điều kiện về kinh phí để Hội phối hợp với các cơ quan chức năng, MTTQ, các đoàn thể, cơ quan truyền thông trong tổ chức tập huấn, tổ chức các loại hình tuyên truyền phong phú đa dạng trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ thành phố đến cơ sở.

Kết luận Hội thảo, PGS-TS. Trương Thị Hiền đánh giá cao các ý kiến tham luận, đặc biệt là các đề xuất về giải pháp. Theo đó, Hội Nữ trí thức sẽ nghiên cứu thành lập nhóm chuyên trách phổ biến giáo dục pháp luật nhằm phát huy năng lực chuyên môn của nữ trí thức trong tuyên truyền PBGDPL; chỉ đạo, hướng dẫn một số chi Hội Nữ trí thức thành lập câu lạc bộ báo cáo viên trẻ; triển khai nhân rộng hình thức tuyên truyền pháp luật bằng xử lý tình huống, tọa đàm theo theo nhóm nhỏ nhằm đi sâu vào từng đối tượng, trong đó quan tâm PBGDPL đối với nhóm phụ nữ đặc thù; tổ chức tuyên truyền, tư vấn trên Website của Hội Nữ trí thức TP; phối hợp với HTV nghiên cứu xây dựng chuyên mục tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; đồng thời tham mưu đề xuất thành lập cổng thông tin điện tử tuyên truyền pháp luật,v.v...PGS-TS. Trương Thị Hiền cũng đề nghị các đại biểu tham dự tiếp tục đóng góp ý kiến sau Hội thảo để giúp Hội Nữ trí thức, Hội LH Phụ nữ xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền PBGDPL đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Khánh Tâm thực hiện.


Phần mềm giao nhận logistic