Thủ tục rối rắm gây khó hội nhập

(SGGPO) - Sáng 16-6, hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” đã diễn ra tại TPHCM. Nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành đã chỉ ra những tồn tại…

91% doanh nghiệp trả phí tiêu cực
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá nước ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, nhưng đến nay kết quả mang lại không như kỳ vọng. Nguyên nhân là những tồn tại chưa được giải quyết. Ông Thành chỉ rõ, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn, lãi suất ở Việt Nam luôn cao hơn các nước, vượt quá khả năng sinh lợi của DN. Chi phí vận chuyển cũng cao hơn các nước, lên đến 22%. Một khi thủ tục thông quan mất nhiều thời gian thì giá thành sản phẩm không thể rẻ được. Đã vậy, DN còn phải chịu thuế cao và “gánh” quá nhiều chi phí chính thức lẫn không chính thức.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói thêm, theo quy định hiện nay, DN phải nộp đến 39% lợi nhuận cho thuế, phí. Đó là chưa kể chi phí… tiêu cực. Theo khảo sát của VCCI thì có 70% DN thừa nhận phải hối lộ, còn theo khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB) thì đến 91% DN thừa nhận phải trả chi phí không chính thức - tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, chính các khoản chi không chính thức đã cản trở con đường hội nhập của Việt Nam.


 
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.


Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của WB, nhận định mục tiêu tăng GDP lên 7% của Việt Nam là rất khó. Nếu hiện nay Việt Nam tích cực giải quyết các tồn tại thì sau 20 năm nữa mới có thể trở thành Hàn Quốc ngày nay! Những tồn tại được các chuyên gia đề cập nhiều nhất chính là tính liên kết của DN Việt Nam kém, cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, không thúc đẩy ngành hàng. Ngay việc làm ăn cũng không uy tín, hội chứng “container đầu thì hàng tốt nhưng container sau có vấn đề” thường xuyên diễn ra gây mất niềm tin.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng muốn nền kinh tế phát triển thì phải tập trung hỗ trợ cho khu vực tư nhân. Trong đó, năng suất lao động là yếu tố lâu dài giúp tăng trưởng ổn định, nhưng hiện nay năng suất lao động của Việt Nam phát triển giảm, thời gian qua có nhiều ngành tăng trưởng năng suất lao động âm. Bà Lan cũng phân tích rõ, năng suất thấp là do đầu tư của Nhà nước kém hiệu quả; năng suất khu vực FDI cao nhưng lại không có sức lan tỏa; còn trong DN nhỏ và vừa thì đến 30% là DN “bé tí ti”. Do vậy, phải tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân, tái cơ cấu nông nghiệp, tận dụng cơ hội hội nhập. Ông Sandeep Mahajan cho rằng, cần phải có “đột phá” về tốc độ tăng trưởng năng suất lao động, nhất là khu vực nhà nước khi sử dụng thiếu hiệu quả nguồn lực của mình.
Cải cách thể chế phải gắn với con người
Trong khi đề án bàn sâu vấn đề làm sao cải cách thể chế để kinh tế phát triển thì TS Trần Du Lịch khẳng định cải cách thể chế hiện nay là quá tốt rồi. Ông ví dụ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư của Việt Nam còn thoáng hơn ở Mỹ. Thế nhưng, vì sao DN ở Mỹ không ai kêu, ở Việt Nam lại kêu, đó là vì ở con người. Vì các quy định dưới luật không minh bạch, không rõ ràng nên dễ nảy sinh tiêu cực. Do vậy, TS Trần Du Lịch cho rằng cải cách thể chế phải đi kèm với cải cách con người, đồng thời nâng cao tính minh bạch trong công vụ. Các đại biểu khác cũng đồng tình và cho rằng chính việc thân quen trong xử lý hành chính đã làm méo mó hoạt động bộ máy Nhà nước. Luật ban hành là công bằng nhưng khi thực thi thì không đồng nhất.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thanh Liêm nói rằng, TPHCM đã tạo lập được môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN; đã và đang tập trung xây dựng hạ tầng, cải cách hành chính, đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác quốc tế để tập trung cho phát triển kinh tế. Thế nhưng, ông Võ Tân Thành cũng cho rằng, hiện nay DN phải gánh nặng rủi ro về chính sách, nặng thủ tục xin cho, phiền hà. Các DN nước ngoài ngại nhất ở Việt Nam là thủ tục hành chính. Mỗi bộ, ngành áp dụng luật mỗi kiểu nên nảy sinh… phong bì. Do vậy, cải cách hành chính, giảm thủ tục, bớt phiền hà, giảm “chi phí ngoài” sẽ có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển của DN.
Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia WB, bổ sung: Cải cách thể chế thì phải cho dân kiểm soát tham nhũng. Bà nhận định rằng bộ máy hành chính hiện nay chưa chuyên nghiệp, cơ chế kiểm soát chưa hiệu quả, chưa minh bạch, trách nhiệm chưa rõ ràng. Theo khảo sát của VCCI thì có 10% DN cho rằng chính sách không được thực hiện nhất quán ở địa phương. Còn khảo sát của WB thì hiện có một nửa nhóm lợi ích cục bộ, họ có thể tiếp cận với đất đai, tài chính, chính sách, còn những DN khác thì không. Do vậy, đã tạo ra sự bất bình đẳng. Theo bà Phạm Chi Lan, một bất cập hiện nay là DN không muốn “lớn”, vì càng lớn càng bị dòm ngó, thanh kiểm tra, tăng chi phí tiêu cực. Do vậy, nhiều DN gầy dựng được xong thì bán, sau đó ra nước ngoài đầu tư.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị, cải cách con người phải cải cách ngay “đầu vào”. Hiện nay, người muốn vào làm ở cơ quan nhà nước phần nhiều phải hối lộ; hoạt động tuyển dụng, bổ nhiệm dựa vào quan hệ chứ không chỉ dựa vào năng lực trình độ. Chính cán bộ yếu kém ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của bộ máy Nhà nước.
 Tại Hội thảo, các DN cũng phản ánh hiện nay bị kiểm tra quá nhiều. Bà Vũ Kim Hạnh, đại diện cho DN kể, vừa qua bà tiếp cận phản ánh của một DN trên đường Kinh Dương Vương về việc tuyến đường đang nâng nên nước bị xả ra đường, DN chưa biết kiện ai thì bị chính quyền địa phương phạt 240 triệu đồng. Bà định đứng ra bảo vệ cho DN thì DN lại không muốn kiện vì… “chưa muốn đóng cửa”!
Một DN khác thì phản ánh, DN đi mở tài khoản ngân hàng nhưng ngân hàng buộc phải đóng dấu, trong khi Luật Doanh nghiệp đã cho phép DN bỏ con dấu!


 Hàn Ni; Thứ sáu, 17/6/2016, 09:13 (GMT+7)


Phần mềm giao nhận logistic