Khi người thân xâm hại chính con cháu mình

TTO - Xã hội còn thờ ơ, việc giáo dục cho trẻ các kỹ năng chống bị xâm hại tình dục chưa được chú trọng dẫn đến hàng trăm trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn TP.HCM những năm qua.

Tìm giải pháp nào cho thực trạng đó là những gì mà các đại biểu nêu ra trong buổi Hội thảo “Phòng chống các tội xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn TP.HCM” do Viện KSND TP.HCM tổ chức ngày 14-6.

Khi trẻ quan hệ tình dục từ 10 tuổi

Theo bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - phó phòng 2 phòng hình sự, Viện KSND TP.HCM, cho biết từ năm 2012 đến 2015, Viện KSND TP đã thụ lý 966 vụ án và 826 bị can liên quan đến tội xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn TP. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng về những vụ xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn TP.

“Nhiều vụ xâm phạm tình dục trẻ em không được trình báo, và số bị can thấp hơn số vụ án là một thực tế đau lòng bởi nhiều vụ chưa xác định được đối tượng hoặc do đối tượng bỏ trốn”, bà Nhuệ nói.

Đồng thời, với số vụ việc ngày càng nhiều lên thì độ tuổi của trẻ bị xâm hại tình dục cũng ngày càng giảm. Có những trẻ dưới 6 tuổi đã bị người thân, người quen xâm hại tình dục, trong đó nhiều vụ có sự đồng thuận của bị hại còn rất nhỏ tuổi.

“Quá trình điều tra cho thấy một số trẻ em quan hệ tình dục từ độ tuổi 10 đến 11. Điển hình là hồi tháng 9-2013, một nhân viên khách sạn ở Q.Bình Tân đã đưa 2 em học sinh mới 11 và 12 tuổi vào khách sạn để quan hệ tình dục. Kết quả giám định pháp y về màng trinh cho thấy cả 2 trẻ này đều quan hệ tình dục từ trước. Tuy nhiên, cả 2 trẻ đều không khai ra ai là người mà các trẻ này đã quan hệ trước đó", bà Nhuệ cho biết.

Hậu quả của những vụ việc đau xót này là các cháu mang thai. Lúc đầu, các cháu khai cho ông ngoại lạm dụng tình dục, rồi khai bạn trai.... Nhưng kết quả giám định ADN thai thì lại của người khác, mà nạn nhân nhất quyết không khai đó là ai.

Trung tá Nguyễn Văn Dũng (phòng PC45, Công an TP.HCM) còn chia sẻ những câu chuyện điều tra trong những vụ án xâm hại tình dục trẻ em do người thân thực hiện rất đau lòng, mà bắt nguồn là sự thiếu hiểu biết của trẻ lẫn khả năng chưa thể tự vệ.

Ông Nguyễn Đức Sáu, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, tại Hội thảo - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP.

Khi người thân của nạn nhân là bị cáo

Theo số liệu từ cơ quan điều tra, trong số 139 vụ xâm hại tình dục trẻ em thì có 4 vụ cha hiếp dâm con ruột; 8 vụ cha dượng khống chế hiếp dâm con riêng của vợ; 10 vụ là người thân có quan hệ họ hàng xâm hại tình dục các bé gái; 1 vụ là thầy giáo; 17 vụ là đối tượng quen biết với gia đình…

“Thậm chí mẹ trở thành bị cáo cho tội hiếp dâm con mình”, ông Nguyễn Đức Sáu (vừa trúng cử ĐBQH khóa XIV), nguyên chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, thốt lên.

Ông Sáu kể làm thẩm phán tại tòa hình sự TAND TP, ông thấy nhiều vụ án mà bị cáo chính là người thân của bị hại, trong đó có vụ mẹ là bị cáo trong vụ hiếp dâm con. Trong vụ này, bị cáo đã mang con gái ruột của mình đi “bán” cho người đàn ông khác trong khi đứa trẻ chưa đủ 13 tuổi.

Do đó, theo ông Sáu, các hình phạt của luật hiện nay đôi khi chưa phải là tối ưu đối với những nạn nhân của tội xâm hại tình dục trẻ em. Ví dụ những vụ trẻ thương yêu nhau, hai bên gia đình đồng thuận để đôi trẻ sống chung, nhưng khi cơm không lành canh không ngọt thì lộ ra chuyện người vợ có con khi chưa đến tuổi thành niên. Và khi đó người chồng bị khởi tố tội hiếp dâm trẻ em.

Vụ ấy, hoàn cảnh bị cáo, bị hại đều rất khó khăn, nếu xét xử đúng pháp luật thì bị hại còn khổ hơn bởi phải 1 mình nuôi 2 đứa con, vậy nên sau khi bàn bạc kỹ đã miễn trách nhiệm cho bị cáo.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật từ gia đình, nhà trường, xã hội với sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành thành phố là mục tiêu mà đại diện các cơ quan chức năng đưa ra sau buổi hội thảo.

Đặc biệt, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết vấn đề giáo dục giới tính và chống xâm hại tình dục trẻ em đã được đưa vào giáo dục trong trường.

Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển về cơ thể của trẻ quá sớm cộng với sự tò mò của trẻ, tác động của mạng xã hội hay sự thiếu quan tâm của gia đình dẫn đến hậu quả số vụ trẻ bị xâm hại tình dục tăng nhiều.

Đại diện Sở GD-DT kiến nghị cần có sự phối hợp tuyên truyền giữa Viện KSND và Công an TP trong việc giáo dục về giới tính và phòng chống xâm hại tình dục trong môi trường nhà trường.

“Trước đây, có quan điểm cho rằng giáo dục về giới tính là vẽ đường cho hươu chạy. Nhưng bây giờ thì việc giáo dục này là cần thiết bởi các em chỉ tự bảo vệ được mình khi hiểu rõ về bản thân mình cũng như cách phòng tránh”, ông Nguyễn Văn Gia Thụy, đại diện Sở GD-ĐT, nói.

Ông Đoàn Tạ Cửu Long phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP.

Ngoài ra, ông Đoàn Tạ Cửu Long, Phó viện trưởng Viện KSND TP, cũng cho rằng việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần phải có sự phối hợp với Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ cũng như nhiều ban ngành đoàn thể khác.

“Việc xử lý bằng pháp luật đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chỉ là khâu xử lý cuối cùng, vấn đề quan trọng vẫn là giữ gìn và phòng chống để giảm bớt và không còn những vụ án đau lòng như thế này nữa”, ông Long nói.

 Hoàng Điệp; 14/6/2016 21:23 GMT+7

 

 

 


Phần mềm giao nhận logistic