Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015: “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập”

(ThanhtraVietnam) - Tiếp nối thành công của những năm trước, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 với chủ đề: “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” được khẩn trương thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa. Quá trình hội nhập quốc tế đã đạt được những thành tựu bước đầu nhưng tiến trình, hiệu quả và những được - mất vẫn cần thời gian để đánh giá. Đồng thời, nền kinh tế vẫn cần có nhiều thay đổi về thể chế và chính sách để thích ứng với bối cảnh mới, giúp Việt Nam hòa nhập và hòa đồng với các nước khác.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, được xây dựng lần đầu tiên từ năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách phù hợp.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam”.

Trong lời giới thiệu Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015, PGS-TS Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội đã một lần nữa khẳng định: “Báo cáo trở thành một thương hiệu không chỉ của VEPR mà của cả Đại học Quốc gia Hà Nội. Chúng tôi tin rằng Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015: “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập”sẽ tiếp tục đưa đến cho độc giả - những người đã quen thuộc với chuỗi báo cáo trong suốt 6 năm qua – những phân tích sâu sắc về các vấn đề căn bản của kinh tế Việt Nam, thông qua cách tiếp cận mang tính hàn lâm và bài bản”.

Báo cáo cũng là một phần trong bộ sản phẩm “Đánh giá độc lập về kinh tế vĩ mô của Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ cho VEPR thực hiện trong giai đoạn 03 năm từ 2014 đến 2016

“Australia rất hân hạnh hỗ trợ việc xuất bản chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng các báo cáo này sẽ đóng góp tích cực cho quá trình hoạch định chính sách và giúp khuyến khích việc tranh luận về các vấn đề phát triển trọng yếu mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt”, ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Australia phát biểu.

Báo cáo là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô tại Việt Nam

Thành phần tham dự buổi Hội thảo gồm nhiều lãnh đạo và đại diện của các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế, lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu, đại diện của nhiều sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam, các nhà tài trợ quốc tế, các Hội và Hiệp hội, các doanh nghiệp, ngân hàng và các cơ quan thông tấn báo chí

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 bao gồm 7 Chương và 2 Phụ lục. Cụ thể:

Chương 1, “Tổng quan kinh tế thế giới 2014” tóm lược những biến động kinh tế trên toàn cầu trong giai đoạn 2014-2015, cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng thể về kinh tế thế giới với những sự kiện lớn như sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế Mỹ, tình trạng khó khăn kéo dài của EU, việc thúc đẩy đàm phán các hiệp định TPP và TIPP, suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc v v Đồng thời nhận định những ảnh hưởng của môi trường toàn cầu lên nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Chương 2, “Tổng quan kinh tế Việt Nam 2014” cung cấp một cái nhìn và đánh giá toàn cảnh về kinh tế Việt Nam trong năm 2014. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng hồi phục không đồng đều, thương mại quốc tế gặp nhiều cản trở, tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Việt Nam vượt mục tiêu và cao hơn hầu hết dự báo Tỉ lệ lạm phát ở mức thấp nhất trong 10 năm...

Chương 3, “Bất ổn đằng sau sự ổn định danh nghĩa của tỷ giá”, áp dụng phương pháp mới đó ước tính mức tỷ giá cân bằng và mức độ sai lệch tỷ giá ở Việt Nam Nhóm tác giả sau đó sử dụng mô hình cân bằng bằng tổng thể để đánh giá tác động của việc điều tiết tỷ giá ở những ngành khác nhau. Nhóm tác giả nhận thấy rằng việc định giá cao tiền đồng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp và những ngành thâm dụng lao động

Chương 4, “Phân tích an toàn vĩ mô cho hệ thống ngân hàng Việt Nam 2015 - Ứng dụng phương pháp kiểm tra sức chịu đựng”, đánh giá khả năng chịu đựng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trước những cú sốc bất lợi có thể xảy ra trong năm 2015. Ứng dụng phương pháp kiểm tra sức chịu đựng (stress test) về khả năng thanh toán, các tác giả xây dựng một khung phân tích đánh giá các ngân hàng trong hệ thống qua hai kịch bản bất lợi khác nhau Từ hai kịch bản này, các tác giả tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng sau năm 2015, đồng thời ước tính chi phí tái cấp vốn cho toàn bộ hệ thống

Chương 5, “Được và mất trong TPP: đánh giá từ mô hình GTAP cho Việt Nam”, sử dụng phương pháp tiếp cận cân bằng tổng thể (mô hình GTAP) đã đánh giá tác động của việc gia nhập TPP cho nền kinh tế Việt Nam. Dựa vào mục tiêu đầy tham vọng của TPP là dỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, nhóm tác giả xây dựng những viễn cảnh khác nhau để xem xét những thay đổi ở quy mô kinh tế vĩ mô, cũng như quy mô ngành, dưới tác động của việc kí kết TPP Trong tất cả các trường hợp, Việt Nam có vẻ như được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 nước tham gia đàm phán kí kết xét trên khía cạnh phúc lợi xã hội và thay đổi về GDP. Dựa trên mô hình, nhóm tác giả đưa ra những gợi ý chính sách để thúc đẩy những ngành có lợi thế và giảm thiểu tác động tiêu cực của nhóm ngành yếu thế

Chương 6, “Hướng tới hội nhập bền vững thị trường lúa gạo – Cách tiếp cận cấu trúc thị trường”, sử dụng khung lý thuyết Cấu trúc-hành vi-hiệu quả (SCP) phân tích đặc điểm cấu trúc thị trường lúa gạo Việt Nam cũng như thế giới từ đó đưa ra những cải cách dựa vào lực lượng thị trường nhằm phát triển bền vững thị trường lúa gạo. Dưới áp lực cạnh tranh ngày càng lớn của thị trường xuất khẩu, nghiên cứu đề xuất thay đổi định hướng ngành lúa gạo tập trung phát triển thị trường nội địa. Thêm vào đó, nghiên cứu cũng có các đề xuất khác như nới lỏng điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nới lỏng quy chế hạn điền,… để làm lành mạnh thị trường lúa gạo Việt Nam.

Thay cho lời kết, Chương 7 của Báo cáo về “Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2015 và khuyến nghị chính sách” đưa ra đánh giá chung về nền kinh tế năm 2014, công bố dự báo về diễn biến kinh tế chính của Việt Nam trong năm 2015 như tăng trưởng, lạm phát và khuynh hướng chung của các biến vĩ mô quan trọng khác

Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12 năm 2014, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết Quý 1 năm 2015. Báo cáo tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 400 trang sẽ được dự kiến xuất bản vào đầu tháng 7 năm 2015. Báo cáo tiếng Anh dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 9, phát hành trên thị trường quốc tế.

 


Phần mềm giao nhận logistic