Xây dựng Thành phố khởi nghiệp

(SGGPO) - Sáng 3-7, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng các lãnh đạo TP, sở ngành, quận huyện đã tham dự hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và doanh nghiệp về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Hội nghị  tập trung bàn giải pháp xây dựng TPHCM là “Thành phố khởi nghiệp”, đến năm 2020 có được 500.000 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp đầu tàu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chọn chất hay lượng?

Triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước đạt 1 triệu doanh nghiệp (DN), riêng TPHCM đề ra chỉ tiêu đạt 500.000 DN. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, hiện TPHCM có 270.000 DN đăng ký theo sổ sách, nhưng cơ quan thuế cho biết chỉ có 170.000 DN hoạt động. TPHCM là trung tâm thương mại của cả nước, đến năm 2020 dự báo sẽ có trên 12 triệu dân nên thành phố phấn đấu đến năm 2020 đạt 500.000 DN. Tuy nhiên, vấn đề mà đồng chí Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong băn khoăn là phải xây dựng lộ trình để có nhiều DN lớn khẳng định được thương hiệu trên thương trường quốc tế.

Thế nhưng, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - Cao su, lại cho rằng, đặt ra mục tiêu 500.000 DN là khó thực hiện. Ông lý giải, thành phố có 2 triệu gia đình, mà đòi có 500.000 DN thì có nghĩa là 4 gia đình có 1 gia đình kinh doanh! Không nên đặt chỉ tiêu số lượng mà hãy hỗ trợ DN đang sản xuất lớn mạnh lên để đủ sức cạnh tranh. Đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ DN tiếp cận đất đai, vay vốn với lãi suất hợp lý, làm chuỗi sản xuất, cung ứng... Đồng thời, làm sao tạo an tâm cho nhà sản xuất, chứ không thể cứ lâu lâu ban hành một văn bản mới về xuất nhập khẩu, hoàn thuế gây khó khăn hơn. “Đừng tạo bất an nữa vì chúng tôi đối phó trên thương trường đã mệt lắm rồi...”, ông Nguyễn Quốc Anh nói. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội DN trong khu công nghiệp, cho rằng: DN cần mặt bằng, vốn, công nghệ, nhưng cái cần nhất là môi trường kinh doanh; phải bỏ giấy phép con, bỏ giấy chứng nhận rườm rà. Hiện nay, việc đăng ký kinh doanh rất dễ, nhưng khi vướng vô điều kiện kinh doanh là vô cùng khó.

Trả lời về chỉ tiêu 500.000 DN, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho rằng, số liệu quốc tế, cứ 20 dân có 1 doanh nghiệp nên TPHCM cũng phấn đấu như thế, phấn đấu tạo ra nhiều DN phụ trợ, cá nhân khởi nghiệp. Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhận xét, nghị quyết này tạo sự công khai, minh bạch, môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình kinh tế, giữa các DN. Nếu chúng ta quyết tâm thì con số 500.000 DN là có khả năng thực hiện. Tuy nhiên phải quan tâm nâng cao chất lượng DN. Đồng chí Đinh La Thăng cam kết, lãnh đạo thành phố luôn luôn chia sẻ và đồng hành, phục vụ vô điều kiện để DN phát triển. “Các DN khi hội nhập quốc tế thì nên xem mình có cạnh tranh được trong khu vực và trên thế giới hay không chứ không thể nói mãi là mình to nhất Việt Nam được. Mình phải so sánh rộng hơn, phải vươn xa hơn. Có như vậy TPHCM mới trở thành trung tâm kinh tế - tài chính, giáo dục, khoa học kỹ thuật của Việt Nam và khu vực”, đồng chí Đinh La Thăng nói.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ da cá sấu tại một cơ sở ở quận 12 TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Phục vụ tốt, phải cải cách

Để phục vụ tốt các yêu cầu của DN, TPHCM cũng đặt chỉ tiêu: mức độ hài lòng đạt 80%; 100% quận huyện, sở ngành có đường dây nóng trực và tiếp nhận thông tin; liên thông hành chính giữa các cơ quan nhà nước; cơ quan nhà nước chỉ được yêu cầu người dân, DN bổ sung hồ sơ một lần bằng văn bản; chậm giải quyết hồ sơ thì phải có thư xin lỗi… Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TPHCM đã có đề án xây dựng Trung tâm Hành chính công, liên thông giữa các ngành để người dân và DN chỉ phải đến thực hiện thủ tục hành chính và nhận kết quả tại một địa điểm. Cơ quan nhà nước “gánh” khó khăn, quyết không để người dân phải đi lại nhiều lần.

Để kịp thời giải quyết khó khăn cho DN, lãnh đạo thành phố cũng đề nghị tăng cường tiếp xúc DN, giao các hiệp hội nắm bắt DN nào bức xúc thì báo ngay để thành phố giải quyết. Chỉ cần cả thành phố và DN cùng quyết liệt vào cuộc thì sẽ đạt được. “Về phía chính quyền, chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến của tất cả DN. Nhưng về phía DN, hãy đổi tư duy “ai thắng ai” thành “hai bên cùng thắng” để tạo ra sức mạnh, tạo ra sức cạnh tranh quốc tế”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói và yêu cầu các DN phải tái cơ cấu năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, quản trị, đổi mới nguồn nhân lực để đủ sức tham gia sân chơi toàn cầu. TPHCM sẽ đẩy mạnh phát triển DN, sẽ tập trung phát triển DN đầu đàn. Cụ thể, thành phố sẽ bố trí 1.000 tỷ đồng để hình thành quỹ phát triển DN vừa và nhỏ, hỗ trợ cho DN khởi nghiệp, đổi mới công nghệ. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, hiện thành phố có rất nhiều nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho vay, sẽ mở rộng và giúp DN dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn vốn.

Kể từ 20-7, chấm dứt gửi thư mời họp bằng giấy

“Tiến lên chính quyền điện tử mà đến giờ ngay thư mời họp vẫn phải gửi bằng giấy, 2 - 3 ngày mới nhận được là không thể chấp nhận. Phải bắt đầu bằng việc gởi thư mời điện tử”, do vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo: Từ 20-7, tất cả các sở ngành, quận huyện, phường xã chấm dứt gửi thư mời dự họp bằng giấy; giao Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì cùng các sở ngành xây dựng đề án liên thông điện tử phục vụ người dân và DN, trước hết phục vụ ở các lĩnh vực nhạy cảm, tiếp đến là thẩm định nhân rộng các dịch vụ công trực tuyến đến 24 quận, huyện; giao Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch kiểm tra xử lý cán bộ khi để hồ sơ trễ hạn…

Hàn Ni; Thứ hai, 04/7/2016, 09:19 (GMT+7)

 


Phần mềm giao nhận logistic