Lớp học không bao giờ điểm danh

TTO - Trong lớp học ấy, đứng lớp là các thầy thuốc tương lai. Học trò là các bệnh nhi mắc bệnh mãn tính hiện đang được điều trị tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM.

 

Lớp học không bao giờ điểm danh
Lớp học chăm sóc bệnh nhi bên hành lang bệnh viện không chỉ có các bệnh nhi mà còn có cả phụ huynh cùng học - Ảnh: Q.L.

“Bệnh viện đánh giá cao các hoạt động của câu lạc bộ vì góp phần cùng chăm sóc tinh thần cho bệnh nhi song song với quá trình chữa trị dài ngày nơi đây. Những ngày hội tuổi thơ do các bạn tổ chức đem đến nhiều tiếng cười, bệnh viện rất ủng hộ

Bác sĩ 
NGUYỄN LÊ HỮU KHOA 
(bí thư Đoàn Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Lớp học ngay bên hành lang, trong phòng bệnh viện, không dạy chữ mà tìm mọi cách để bệnh nhi cười nhiều hơn. Ba năm qua, nhiều lứa thành viên Câu lạc bộ Bé khỏe bé ngoan (ĐH Y dược TP.HCM) vẫn đều đặn giúp các bé kiến thức cơ bản nhất để chăm sóc mình tốt hơn khi thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.

Tiếng cười bên hành lang bệnh viện

Thấp thoáng thấy bóng mấy anh chị tình nguyện viên, nhóm bệnh nhi khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1 chạy ùa ra ôm lấy rồi đu lên người các anh chị. Những chiếc chiếu được trải ra, đám học trò trật tự ngồi vào hàng. Vậy là lớp học dã chiến ngay hành lang cầu thang khoa sốt xuất huyết bắt đầu.

Gần cả năm qua, 18g thứ năm hằng tuần, lớp học ấy lại họp với sĩ số luôn biến động.

Hai cô bạn cùng lớp hộ sinh ĐH Y dược TP.HCM Ngọc Thẩm và Ly Ly bắt đầu dạy. Bài học hôm ấy về đôi mắt với nội dung về cấu tạo của mắt, tác dụng của lông mi, nước mắt và cả cách bảo vệ, chăm sóc mắt mà lần đầu tiên nhiều bé được nghe.

Những đứa học trò ngồi bên dưới phần lớn bị máu loãng hoặc thiếu máu, đến lớp khi trên tay vẫn còn nguyên đầu kim tiêm được băng keo gắn cố định để truyền máu, truyền thuốc.

Ngoài lớp học ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, câu lạc bộ còn có ba lớp khác tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, Trung tâm Xương thủy tinh (Q.12) và một mái ấm tại Q.Thủ Đức. Những lớp học cố định, có giáo án lên lớp được một số thầy cô trường y thẩm định nội dung.

“Ngoài kiến thức y khoa, tụi mình chia sẻ với các em những điều cơ bản, dễ nhớ để tự chăm sóc sức khỏe, cả kỹ năng sống và lồng ghép vào đó bài học về đạo đức nữa” - Ly Ly chia sẻ.

Có hôm lớp học về đôi bàn tay, khi xem hình ảnh đôi bàn tay, bé nào cũng chê xấu. Rồi cô giáo Ly giải thích ấy chính là đôi tay của mẹ mà nhiều vết chai sần, da nhăn nheo bởi những tháng ngày chăm con khôn lớn. Bất ngờ, nhiều bé chạy đi tìm và nắm lấy đôi tay mẹ mình. Các tình nguyện viên nhìn nhau, có người rưng rưng!

“Em không nhớ hết nhưng nhớ các chị dạy giữ sạch đôi tay, vệ sinh mắt và vẫn làm hằng ngày” - bệnh nhi Phương Bình (Nhà Bè) khoe. Cô bé Bích Vân (TP Vũng Tàu) kể: “Dù phải ra vô bệnh viện thường xuyên nhưng trước đây em sợ lắm, giờ thì hết rồi, vô đây em có bạn, có các anh chị vừa học vừa chơi”.

Bà Ngọc Hạnh (Đồng Tháp) - mẹ bệnh nhi Anh Đức - bày tỏ: “Con học nhưng mình cũng biết thêm được nhiều điều. Quan trọng là lớp học giúp con mình vui, quên đi bệnh, những lúc khỏe được về nhà cháu lại nhắc đến lớp học”.

Mong có nhiều lớp học như thế

Bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) được xem là người có ý tưởng đầu tiên về lớp học này. Ý tưởng đến với Linh khi đi thực tập, gặp cảnh bệnh nhi không cho bác sĩ chích thuốc, sợ kim tiêm.

Lân la nói chuyện, Phương Linh đã nói cho các bé nghe lý do vì sao phải chích thuốc, uống thuốc và thật bất ngờ hôm sau các bé bất hợp tác hôm trước đều phối hợp tốt với bác sĩ. Tháng 8-2013, câu lạc bộ hình thành và sau ba năm hoạt động, đến nay trong 250 thành viên của câu lạc bộ ngoài sinh viên y dược còn có sinh viên nhiều trường khác, cả những học sinh THPT.

Nhờ sự hỗ trợ của một hãng vận tải, các bạn còn tổ chức được chuyến xe yêu thương (chỉ trả tiền xăng, không tính công) hai tháng qua. Cách ngày trong tuần, xe sẽ đến mái ấm tại Thủ Đức đón các bệnh nhi đưa đến bệnh viện chạy thận xong rồi lại đưa về.

Ngay khi việc hợp tác với đơn vị này chưa kết thúc, các bạn đã chia nhau tìm và được một đơn vị khác nhận hỗ trợ chuyến xe yêu thương ba tháng tiếp theo hoàn toàn miễn phí.

Bạn Nguyễn Phúc Huy, hiện quản lý mô hình lớp học, kỳ vọng cách làm này nếu có thể được sinh viên các trường y nhân rộng nhiều nơi thì số bệnh nhi được hỗ trợ sẽ còn nhiều hơn nữa. Cũng như nếu nhận được sự tiếp sức nhiều hơn từ xã hội cả tinh thần lẫn tài chính, quy mô hoạt động của câu lạc bộ sẽ rộng hơn.

“Những lớp học ấy không bao giờ tụi mình dám điểm danh mà chỉ cố giúp các bé lạc quan hơn trong quá trình điều trị” - Huy bộc bạch.

Giải thưởng “Bồ câu trắng”

“Lớp học chăm sóc bệnh nhi” là một trong bốn mô hình vừa nhận giải thưởng “Bồ câu trắng” của Hội Sinh viên VN TP.HCM dành cho mô hình, giải pháp hiệu quả trong công tác hội và phong trào sinh viên lần đầu tiên được trao.

Trước đó, câu lạc bộ cũng chiến thắng ở hai cuộc thi dành cho các dự án hoạt động vì cộng đồng tại nước ngoài và giành về số tiền thưởng hơn 120 triệu đồng làm quỹ cho câu lạc bộ hoạt động.

Chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM Lâm Đình Thắng đánh giá cao tính nhân văn trong nội dung hoạt động, sự kiên trì, tâm huyết của các thành viên câu lạc bộ.

“Theo cách cũ, người ta tìm nguồn lực đem đến tặng cho một nơi nào đó rồi về nhưng Câu lạc bộ Bé khỏe bé ngoan chọn cách đeo bám, thực hiện dự án lâu dài tại cùng một nơi. Đây không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà chính là cách tiếp cận khéo léo của các bạn về hướng đi mới trong các hoạt động công tác xã hội của tương lai” - anh Thắng nhận định.

 

Quốc Linh; 02/7/2016 14:51 GMT+7


Phần mềm giao nhận logistic