Một người Nhật với tình yêu Hội An

Phố cổ Hội An là một trong những điểm đến thú vị của khách du lịch, không những thế nơi đây còn là quê hương thứ hai của những cư dân quốc tế. Họ chọn Hội An để gắn bó đời mình không chỉ vì tình yêu phố cổ, mà hơn thế là để thể hiện tình yêu đó bằng những việc làm thiết thực hơn. Cụ bà người Nhật Reiko Usuda là một người như thế.

“Tôi yêu Thành phố nhỏ này, nó bình yên, đáng yêu, con người thì thân thiện và nồng ấm. Vì thế tôi quyết định gắn bó phần đời còn lại của mình với Hội An và muốn làm một điều gì đó cho nó”. Đó là lời tâm sự của bà Reiko, một người phụ nữ Nhật Bản về lý do bà chọn nơi đây làm quê hương thứ hai và gắn bó cuộc đời còn lại của mình với Thành phố bên dòng sông Hoài này.

Từng là Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt – Nhật của Thành phố Kawasaki trong 20 năm nên bà Reiko có nhiều cơ hội đến mới mảnh đất miền Trung, và chính con người, mảnh đất nơi đây đã giữ chân bà ở lại để cống hiến tuổi hưu của mình cho những dự án mang tính nhân văn sâu sắc.

Bà Reiko chia sẻ: “Hiện tôi có 5 dự án tại Việt Nam. Như bạn thấy đấy, việc mở cà phê là cũng là một dự án mà tôi rất tâm đắc. Qua dự án này tôi muốn tạo cơ hội việc làm, học tập cho những bạn trẻ nghèo, và giúp họ trở thành người có ích cho xã hội sau này”.

Cà phê không chỉ là điểm đến lý thú cho du khách mà ở đó còn mở ra cơ hội việc làm cho nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Tại đây họ được thực tập ngôn ngữ, trải nghiệm kỹ năng sống và nhất là mang lại lợi nhuận để chia sẻ cho những hoàn cảnh bất hạnh hơn mình.

Chị Nguyễn Thị Tâm, nhân viên U Cà phê: “Đến đây làm việc em được học hỏi rất nhiều từ Cô, đó là từ tính cách cho đến công việc, là làm việc như thế nào, cách đối xử với mọi người, cách nói chuyện giữa người những nhỏ với người lớn và các bạn bè là như thế nào”.

Tại U Cà phê, bà Rei ko còn thử nghiệm một mô hình xử lý nước thải gia đình mà theo bà thì rất đơn giản tiện ích, có thể giúp cho những con sông trong lòng phố như sông Hoài không còn bị ô nhiễm như hiện nay.

Bà Reiko cho biết: “Đó là một hệ thống rất đơn giản, nước thải từ phòng tắm và từ bếp được chảy qua một hệ thống gồm năm thùng chứa với những chức năng xử lý khác nhau, sau quy trình này nước được bơm ngược lên bồn chứa để cấp cho hệ thống hồ nuôi cá và trồng rong rêu thực vật trước khi cho ra sông”.

Tuy tuổi đã gần bảy mươi, nhưng những ý tưởng và hoạt động thiện nguyện của bà Reiko tại Việt Nam luôn làm cho những người đối diện phải suy nghĩ. Phải có một tình yêu lớn với mảnh đất và con người nơi đây, một người Nhật như bà mới quyết cống hiến những kinh nghiệm sống quý giá của mình cho mảnh đất xa xôi như Việt Nam.

 Nguồn: VTV.vn; Minh Đức - Văn Phát (Ban Truyền hình Đối ngoại); Cập nhật 10:00 ngày 02/7/2016


Phần mềm giao nhận logistic