Chống hạn hán nhìn từ công nghệ tưới tiết kiệm của Israel

Việt Nam với hệ thống sông ngòi chằng chịt, với trên 2700 con sông lớn nhỏ dài trên 10 km nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia đang thiếu nước theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế. Từ năm 1960 đến nay, nghĩa là trong vòng 55 năm qua thì Việt Nam đã có 36 năm bị hạn hán, có thể thấy mỗi năm số lượng các địa phương chịu hạn lại nhiều hơn, diện tích hạn hán lại rộng hơn. Những ngày qua hạn hán vẫn tiếp tục trên diện rộng và tác động rất lớn đến cuộc sống của hàng triệu hộ dân trên cả nước, trong khi mưa thì rất ít, các nguồn nước thì suy giảm khiến hàng chục nghìn ha ruộng bị bỏ hoang, gia súc và gia cầm bắt đầu yếu và chết, ngay như là giống cừu ở Ninh Thuận có thể chịu được nhiệt độ lên đến 90 độ C cũng sắp kiệt sức và chúng chết không phải vì nhiệt độ ở đây quá nóng, chúng đang chết dần chết mòn vì thiếu thức ăn, nước uống. Ninh Thuận là một trong những trọng điểm của hạn hán năm nay và chưa có dấu hiệu cho thấy tình trạng này suy giảm hay chấm dứt trong vài tháng tới. Về khách quan thì biến đổi khí hậu toàn cầu là một trong những nguyên nhân khiến khô hạn gia tăng nhưng về nguyên nhân chủ quan thì chúng ta chưa có những biện pháp đối phó hiệu quả và dài lâu mang tính chiến lược; những cảnh báo sớm về tình hình khô hạn, thiếu nước và sinh ngập mặn đã được đưa ra nhưng dường như là khả năng ứng phó của nhiều địa phương còn rất hạn chế và bằng nhiều cách chúng ta đang sử dụng rất lãng phí nguồn tài nguyên nước ở ngay chính nơi khô hạn nhất. Bị động và buông lỏng quản lý tài nguyên thiên nhiên vẫn đang là một thách thức nghiêm trọng. Đối phó với hạn hán chắc chắn là cần những giải pháp đồng bộ, từ lâu thì chúng ta đã có chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, TW đã có kinh phí để các địa phương đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến từng lĩnh vực, từng khu vực nhưng có lẽ chúng ta cần nhiều hơn nữa những những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết khoa học công nghệ, kỹ năng, thói quen,… của chính người dân trong việc trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước một cách bền vững.

Israel là đất nước khô hạn nhất thế giới, với 60% diện tích  là sa mạc, có vùng lượng  mưa hàng năm chỉ là 25 mm. Vì vậy nước là thứ quý như vàng, người dân Israel phải khoan sâu hàng km mới lấy được một lượng nước ít ỏi; hình ảnh chú vịt của Israel có thể nói lên tất cả, khác với vịt Việt Nam luôn được tung tăng bơi lội, vịt Israel cho đến khi bị làm thịt cũng không bao giờ được diễm phúc nhúng chân xuống nước, thậm chí, để làm thịt vịt, họ cũng chỉ dám dùng một lượng hơi nước nóng vừa đủ để lông vịt có thể rụng ra.

Thế nhưng tại sao chưa khi nào người dân ở đây lại thiếu nước sinh hoạt, chưa khi nào đồng ruộng lại hạn hán, hơn thế Israel còn là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, mỗi năm thu về trên 3 tỷ USD? câu trả lời đó là Chiến lược về nước của Israel, mọi hoạt động nông nghiệp của Israel xoay quanh 3 chữ: Tiết kiệm nước. Họ luôn tính toán để không dùng dư một giọt nước nào, vì vậy Israel là nước có công nghệ tưới tiết kiệm sớm nhất thế giới. Việc sử dụng nước không đơn thuần là công nghệ mà đã trở thành một nghệ thuật. Khi tưới nước, họ không cho nước bốc hơi, không cho nước ngấm xuống đất. Tưới tiết kiệm kiểu Israel là tưới nhỏ giọt. Công nghệ và thiết bị hiện đại tưới nhỏ giọt là sử dụng các van điều khiển tự động, lọc nhiều tầng, dùng vòi phun áp lực thấp và phun mưa loại nhỏ. Nhờ tưới nhỏ giọt, nông dân tiết kiệm được 60% lượng nước.Các cánh đồng của Israel được trang bị mạng lưới đường ống dẫn nước, có các ống nhỏ như mao mạch dẫn tới từng gốc cây. Hệ thống này được điều khiển bằng máy tính, tự động đóng mở van tưới khi độ ẩm của rễ cây đạt tới mức nhất định. Hệ thống tưới nhỏ giọt này còn kiêm luôn nhiệm vụ bón phân. Người ta pha phân bón vào bể chứa nước và phân bón theo mạng lưới tới từng bộ rễ cây khi tưới. Với những loại cây cần tưới cả trên mặt lá, người ta lại dùng hệ thống phun sương. Ngoài sử dụng công nghệ Tưới nhỏ giọt, Israel còn trồng cấy trong nhà kính để ngăn không cho nước bốc hơi lên trời. Ngoài ra, nhà kính còn ngăn chặn sâu bệnh, giúp tăng sản lượng và chất lượng của cây trồng. Israel nhận được rất nhiều đơn đặt hàng mua giống, từ các loại hạt cho tới gen, trứng và tinh trùng của động vật.

Cty Naan Dan Jain là một trong những doanh nghiệp đầu tiên nghiên cứu và kinh doanh công nghệ Tưới tiết kiệm. Ông Amnon Ofen, Giám đốc Cty Tưới nhỏ giọt Naan Dan Jain đã đưa ra những dẫn chứng về tưới không hiệu quả, trong đó có cây lúa của Việt Nam: “Nếu tưới như VN thì cây trồng chỉ hấp thụ được một nửa, còn một nửa là thấm vào đất gây lãng phí, tôi không nói VN áp dụng như Israel nhưng các bạn cần có ý thức về tiết kiệm nước”. Để đảm bảo nước tưới cho nông nghiệp, tất cả nước sinh hoạt thải ra lại theo một hệ thống tái chế thành nước sạch và đưa về những hồ chứa. 90% nước bẩn được tái chế, tỷ lệ này cao nhất thế giới. Bên cạnh đó nguồn nước mưa ít ỏi cũng được tìm cách thu lại để bổ sung vào hồ. Ông Cotien Samuel, Quản lý nước tưới phía Tây sa mạc Negev, Israel cho biết: “Nước mưa chỉ có vào mùa đông, để tận dụng nguồn nước này chúng tôi đã phải xây những con đập để ngăn không cho nước mưa ra diện, hiện một vấn đề là do nắng nóng nên 10% nước bị bốc hơi, chúng tôi đang tính là sẽ có những tấm che”. Hiện tại chỉ riêng sa mạc Negev đang có khoảng 7 hồ chứa nước, và hồ chứa The Besor Reservoi là một trong những hồ chứa có nhiệm vụ duy nhất là cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, với cách này thì Israel đã mang lại những giá trị rất lớn cho vùng sa mạc Negev, đó là hiện nay vùng sa mạc này đang cung cấp khoảng 60% sản lượng củ quả và 70% sản lượng rau phục vụ cho tiêu dùng nội địa cũng như là xuất khẩu của Israel.

Từ công nghệ Tưới nhỏ giọt của Israel cho chúng ta bài học lớn trong việc xây dựng ý thức và trách nhiệm cộng đồng về tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên nước nước.

Khánh Tâm - Tổng hợp  


Phần mềm giao nhận logistic