Tân nữ Thủ tướng Vương quốc Anh

Vậy là sau hơn một phần tư thế kỷ (kể từ khi bà Margaret Hilda Thatcher rời chức vụ Thủ tướng vào ngày 28/11/1990), Vương quốc Anh lại có một nữ thủ tướng thứ hai - bà Theresa May, nguyên Bộ trưởng Nội vụ Anh.

Chiến thắng đến với bà Theresa May sau khi đối thủ cuối cùng của bà là bà Andrea Leadsom tuyên bố rời cuộc đua giành cương vị thủ tướng vào sáng 11/7, với lý do sự ủng hộ trong Đảng Bảo thủ dành cho bà Theresa đã ở mức áp đảo.

Bà Theresa May sinh ngày 1/10/1956 tại Eastbourne, East Sussex, miền đông nam nước Anh, là con gái của một Mục sư. Bà từng theo học tại trường công lập Wheatley Park và sau đó chuyển tới học chuyên ngành địa lý tại trường tư thục St Hugh's College, Oxford. Bà May có niềm đam mê lớn về nấu ăn. Bà tiết lộ có khoảng 100 cuốn sách dạy nấu ăn các loại. Ngoài ra, bà còn có sở thích đi bộ trong thời gian rảnh rỗi. Giày cao gót mũi nhọn là một trong những món đồ thời trang yêu thích nhất của bà May.

Năm 1976, bà gặp ông Philip May. Cặp đôi đã được ông Benazir Bhutto, người sau này trở thành Thủ tướng Pakistan “mai mối”. Năm 1980, họ kết hôn. Ông Philip May, phu quân của bà Theresa là một nhân vật nổi tiếng trong giới ngân hàng Anh. Ông từng đảm nhiệm cương vị quản lý tại các ngân hàng và quỹ đầu tư De Zoete & Bevan, Deutsche Bank, Capital Group...

Từ năm 1977, bà May làm việc tại ngân hàng trung ương Anh. Sau khi thất bại trong cuộc chạy đua vào Quốc hội năm 1992 và 1994, bà May đã được bầu làm Nghị sỹ Đảng Bảo thủ tại Maidenhead vào năm 1997. Tháng 5 năm 2010, bà May được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ Anh. Trong thời gian giữ cương vị này, bà đã có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo an ninh biên giới, giải quyết các vấn đề nhập cư, chống chủ nghĩa khủng bố, phòng chống tội phạm...

Là một nhà nữ quyền nhưng quyết liệt chống người nhập cư

Kể từ khi được bầu vào Quốc hội năm 1997, bà May luôn giữ quan điểm khá tự do, cởi mở với các vấn đề xã hội. Bà đích thực là một nhà hoạt động nữ quyền sôi nổi. Năm 2008 bà từng lãnh đạo phong trào đấu tranh nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa hai giới tại Vương quốc Anh và cũng thường xuyên phản bác những bình phẩm khiếm nhã về sở thích các đôi giày điệu đà kiểu cách của bà.

Trên nhiều phương diện, bà thể hiện rõ ràng là người ủng hộ bình đẳng giới, ủng hộ nữ giới tham gia chính trường và tán thành tính hợp pháp của hôn nhân đồng giới. Khi hai ông Lord Saatchi và Liam Fox thay bà May đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Đảng Bảo thủ năm 2003, bà nói: "Vâng, vậy là phải cần tới hai người đàn ông để đảm nhiệm vị trí công việc của một người phụ nữ".

Tuy nhiên riêng với vấn đề nhập cư, bà May có quan điểm rất gay gắt. Kể từ năm 2010, bà giữ cương vị bộ trưởng nội vụ, và suốt thời gian tại nhiệm bà liên tục tỏ thái độ bất bình với tình trạng người nhập cư đạt mốc cao nhất trong lịch sử Vương quốc Anh.

Chính sách tai tiếng nhất là bà đã dùng quyền Bộ trưởng Nội vụ để áp quy định nhằm ngăn cản bớt dòng người nhập cư có kỹ năng lao động được định cư lâu dài tại Anh. Theo đó, nếu không kiếm được khoảng 53.000 USD/năm trở lên, họ sẽ bị trục xuất. Chính Văn phòng của bà May ước tính rằng quy định này có thể sẽ gây tổn thất cho nền kinh tế Anh hơn 200 triệu USD, nhưng bà vẫn thực hiện điều đó.

Tiến thoái lưỡng nan

Kết quả trưng cầu ý dân không phải là quyết định ràng buộc về pháp luật. Để chính thức rời EU, Chính phủ Anh phải nộp văn bản đề nghị việc này theo điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu. Ông Cameron từ chối làm việc này và nói để người kế nhiệm ông thực hiện. Điều này mở ra khả năng người kế nhiệm ông Cameron có thể chọn việc không kích hoạt điều 50 và hủy bỏ kết quả trưng cầu.

Tuy nhiên bà May đã khẳng định lại quan điểm không ủng hộ điều đó. Bà nói “Brexit là Brexit” và tuyên bố “là thủ tướng, tôi sẽ đảm bảo việc chúng ta sẽ rời EU”. Bà cũng cam kết không cố tìm cách ở lại EU cũng như không cố gắng quay trở lại khối theo “cửa sau”.

Nhưng bà cũng cam kết sẽ không kích hoạt điều 50 ngay khi nhậm chức và muốn nước Anh chờ đợi ít nhất tới cuối năm nay để có thời gian thương thảo một thỏa thuận hợp lý, đảm bảo quyền lợi kinh tế của Anh trong EU sao cho không thiệt thòi nếu rời khối.

Nhưng cái khó ở đây là các nhà lãnh đạo EU không muốn chấp nhận thỏa thuận mà bà May hi vọng sẽ đàm phán được. Họ không muốn trao cho Anh những lợi thế như vậy sau kết quả cuộc trưng cầu ý dân vì sợ rằng cử tri của các nước khác như Hi Lạp, Pháp hay Hà Lan sẽ xem như đó là tiền lệ hấp dẫn và có thể... bắt chước. Cho tới nay các lãnh đạo EU vẫn tỏ ra hết sức cứng rắn, họ cho rằng bà May sẽ không thể đưa ra một “thỏa thuận hợp lý” rồi mới kích hoạt điều 50 như bà muốn.

Theo đó, trừ khi bà May có thể lung lạc được quan điểm cứng rắn này của lãnh đạo EU, còn không bà sẽ rơi vào tình thế cực kỳ éo le, đi cũng dở mà ở không xong.

Hoặc bà phải chấp nhận đưa nước Anh rời EU trước mà không có bất cứ thỏa thuận nào đạt được, điều này sẽ gây tổn thất nặng cho nền kinh tế Anh; hoặc bà phải đi ngược lại cam kết “Brexit là Brexit” của mình, điều này có thể xem như một cuộc tự sát chính trị.

Chiến lược có tính toán

Với quan điểm chống nhập cư quyết liệt, có lẽ không ai thích hợp hơn bà May để trở thành ứng cử viên cho vị trí kế nhiệm ông Cameron. Ai cũng biết luận điểm chính trong chiến dịch vận động của phe "ra đi" là muốn chống lại xu hướng người nhập cư ồ ạt đổ vào Anh.

Các kết quả thăm dò dư luận cũng cho thấy mong muốn ngăn cản người nhập cư là nhân tố quyết định để người Anh bỏ phiếu rời EU.

Về lý, với quan điểm chống nhập cư quyết liệt, bà May cũng sẽ phải là người ủng hộ chiến dịch rời EU. Nhưng bà phản đối việc ra đi một cách yếu ớt. Trên thực tế, bà May còn là gương mặt đáng kể duy nhất trong Đảng Bảo thủ ủng hộ chuyện nước Anh ở lại.

Giới quan sát ở Anh cho rằng đây là một chiến lược có tính toán của bà May. Một mặt bà công khai đứng cùng phía với lãnh đạo Đảng Bảo thủ phản đối Brexit, nhưng mặt khác giữ một lập trường yếu ớt để đảm bảo sinh mệnh chính trị của mình trong trường hợp phe "ra đi" chiến thắng.

Trở thành nữ Thủ tướng thứ hai của lịch sử Vương quốc Anh trong bối cảnh Anh đang ở tình thế có quá nhiều rắc rối phải giải quyết. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân và chiến thắng của phe “ra đi” đã đẩy Vương quốc Anh rơi vào tình thế mà chuyên gia Matthias Matthijs của Washington Post mô tả là “cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ tháng 5-1940”. Nhưng có vẻ như bà Theresa May đã lường hết những khó khăn và chấp nhận đối mặt với một tinh thần hết sức lạc quan, tin tưởng: “Brexit nghĩa là Brexit, và chúng ta sẽ phải thực hiện thành công điều đó. Chúng ta cần một tầm nhìn mạnh mẽ, mới mẻ, tích cực để cùng nhau xây dựng một nước Anh tốt đẹp hơn”. Có được sự khẳng định mạnh mẽ này, bởi lẽ trong thời gian là một thành viên trong Nội các của Thủ tướng Anh David Cameron, bà được mô tả là người vô cùng say mê công việc và được so sánh với “bà đầm thép” Margaret Thatcher – Nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Anh.

Khánh Tâm tổng hợp


Phần mềm giao nhận logistic