Chọn 300 HTX nông nghiệp tại ĐBSCL tập trung sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản

(SGGPO) - Sáng ngày 14-7, trong khuôn khổ diễn đàn MDEC – Hậu Giang 2016 đã diễn ra Hội nghị triển khai thực hiện quyết định số 445/QĐ - TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020”.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, hiện ĐBSCL có 1.242 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chiếm 11,2% của cả nước; trong đó, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang là 3 địa phương dẫn đầu về số lượng HTX nông nghiệp.  

Tham quan, học hỏi kinh nghiệm trên cánh đồng khoai mỡ luân canh trên đất lúa theo theo mô hình HTX kiểu mới tại huyện Măng Thít, Vĩnh Long. Ảnh: TIẾN SƠN.

“Tập trung phát triển, mở rộng các HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả trong ba lĩnh vực lúa gạo, trái cây, thủy sản thành HTX kiểu mới quy mô lớn cấp tỉnh, cấp vùng”, Bộ NN - PTNT xác định. Khoảng 300 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả được tập trung củng cố và phát triển sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản. Đồng thời, đẩy mạnh, mở rộng HTX liên kết theo chuỗi giá trị bền vững, gắn kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra có thế mạnh về tiêu thụ nông sản.
 
“Hiện nay không ít HTX nông nghiệp có nhiều các “không” nhất: Không trụ sở, không vốn, không có phương án kinh doanh, không hạch toán…”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang chỉ ra điểm yếu của HTX hiện nay. Chính vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng, để kiện toàn và đưa HTX nông nghiệp hoạt động đích thực, hiệu quả, Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh cho cán bộ quản lý HTX nông nghiệp; củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; mở rộng các hình thức cho vay hoặc bảo lãnh tín dụng cho các HTX. Trong đó, cần nghiên cứu tạo quỹ đất để các HTX có trụ sở hoạt động chứ không phải vay mượn nhà giám đốc HTX, trụ sở ấp đặt làm trụ sở HXT như một số nơi.

Thực tế, Liên hiệp HTX Mua bán TPHCM (Saigon Co.op) là đơn vị đã hợp tác chặt với nhiều địa phương vùng ĐBSCL trong tiêu thụ nông sản, như tiêu thụ xoài cát Hòa Lộc, vú sữa, dưa hấu, gạo, bưởi, thanh long, xoài cát, cam soàn, chôm chôm, nhãn, dừa, khóm, cá thác lác… Qua định hướng phát triển trên, Saigon Co.op cam kết đồng hành với các mắt xích khác trong phát triển chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản khu vực Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần nhanh chóng giải quyết do quy mô các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp đa số còn nhỏ lẻ nên việc cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp còn hạn chế dẫn đến số lượng sản phẩm chưa đa dạng, sản lượng ít, không tập trung, không đồng đều, công đoạn bảo quản, chế biến chưa được đầu tư đúng mức nên hao hụt cao, giá trị gia tăng thấp, chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Bộ NN-PTNT cho rằng, cần hỗ trợ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp cho các HTX. Tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa HTX với các doanh nghiệp, HTX khác có tiềm năng về tiêu thụ nông sản. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu và thương mại xây dựng dự án phát triển vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn gắn liên kết với các HTX.

Cao Phong; Thứ năm, 14/7/2016, 12:15 (GMT+7)


Phần mềm giao nhận logistic