G7 ra Tuyên bố chung, trong đó phản đối mạnh mẽ chương trình xây đảo nhân tạo bất hợp pháp trên biển Đông

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Schloss Elmau (Đức), các nhà lãnh đạo G-7 đã lên tiếng phản đối hành vi lấn biển, xây đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang thực hiện trái phép trên biển Đông.

Hôm qua, Hãng tin Kyodo dẫn lời phó chánh văn phòng nội các Nhật Hiroshige Seko tiết lộ tại Schloss Elmau, các nhà lãnh đạo nhóm các nước phát triển G-7 bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” đối với chương trình xây đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc. G-7 mô tả đây là “hành vi đơn phương, nhằm thay đổi hiện trạng biển Đông”.

Ông Seko cho biết tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chỉ trích các hành động gây hấn của Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng trên biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Abe cho rằng các nhà lãnh đạo G-7 “không thể để yên cho những hành vi đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.

Tháng 4 vừa qua, ngoại trưởng các nước G-7 cũng từng bày tỏ lo ngại về căng thẳng trên biển Đông và biển Hoa Đông, đặc biệt là “các hành vi đơn phương như lấn biển quy mô lớn”.

Theo ông Seko, tại Schloss Elmau các lãnh đạo G-7 kêu gọi Trung Quốc giải thích rõ đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay bắt nạt các nước láng giềng.

Khi gặp gỡ bên lề hội nghị G-7, Thủ tướng Abe và Tổng thống Pháp François Hollande cũng chia sẻ mối lo ngại về hoạt động lấn biển, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc.

Ông Abe thông báo với ông Hollande rằng Trung Quốc đang tăng tốc lấn biển, xây đảo nhân tạo trên biển Đông, đồng thời xây nhiều cơ sở trên các đảo này. Thủ tướng Nhật cho rằng đây là hành vi khiêu khích của Trung Quốc.

Phản ứng của G-7 phản ánh rõ tâm lý lo ngại chung của cộng đồng quốc tế đối với việc làm này của Trung Quốc trên biển Đông, tuyến hàng hải thương mại quan trọng bậc nhất thế giới.

Trước hội nghị G-7, cũng đã có hàng loạt quốc gia cùng giới học giả quốc tế lên tiếng chỉ trích chương trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc. Mới đây, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel và học giả Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Tổ chức Heritage Foundation, đều kêu gọi Hàn Quốc lên tiếng phản đối các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông một cách mạnh mẽ hơn.

Ông Russel, chuyên trách về Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng Hàn Quốc là một thành viên quan trọng giúp duy trì trật tự quốc tế, đồng thời cũng là một quốc gia thương mại lớn, do đó cần lên tiếng chỉ rõ những sai trái của Trung Quốc.

Từ Seoul, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định cần phải bảo vệ tự do hàng hải, hòa bình và ổn định trên biển Đông. Phía Hàn Quốc cũng bày tỏ hi vọng các nước trong khu vực tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Ngày 8/6/2015 các nhà lãnh đạo G-7 đã ra Tuyên bố chung kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G-7 kéo dài 2 ngày tại lâu đài Schloss Elmau ở Bavaria, miền Nam nước Đức, đặc biệt đã bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Hoa Đông và Biển Đông khi đề cập tới hoạt động xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp.

Bảo Khánh – tổng hợp


Phần mềm giao nhận logistic