Sẽ có đề án chính sách cạnh tranh toàn diện

(SGGPO) - Đó là thông tin được TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cung cấp tại hội thảo “Xây dựng chính sách cạnh tranh toàn diện: Kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm với Việt Nam ” được CIEM tổ chức ngày 3-8 tại Hà Nội.

 

TS. Nguyễn Đình Cung; Nguồn: CIEM

“Chúng ta cải cách nền kinh tế đã 30 năm, dư địa cải cách đã chạm trần. Muốn tăng trưởng, chúng ta phải “dỡ trần” để tạo ra tăng trường mới. Cốt lõi của cải cách kinh tế lần 2 là tập trung xây dựng chính sách cạnh tranh. Nghị quyết 19 của Chính phủ đã giao cho CIEM đến năm 2017 phải trình đề án chính sách cạnh tranh toàn diện. Đề án này có thể xem như một kịch bản cải cách mới”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định.

Đóng góp ý kiến cho nghiên cứu của CIEM, bà Lanchlan Rosalie, Ủy ban Năng suất của Australia, người có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về thị trường cạnh tranh cho rằng, yếu tố đầu tiên của cạnh tranh là loại bỏ kiểm soát hạn ngạch nhập khẩu; chống độc quyền; loại bỏ ưu đãi bất hợp lý của doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy cạnh tranh giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân… Chuyên gia Australia nhấn mạnh: “Cần thực hiện nguyên tắc cạnh tranh trung lập với các nội dung về thuế, nợ… bảo đảm ngân sách nhà nước cũng được sử dụng để tạo môi trường kinh doanh tốt cho tất cả mọi doanh nghiệp”.

TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, Việt Nam có nền kinh tế thị trường, nhưng hiện nay cơ quan Nhà nước đang tham gia quá nhiều vào kiểm soát thị trường bằng mệnh lệnh hành chính mà không tuân thủ các quy luật tự nhiên. “Điều đó làm lệch lạc cả xu hướng thị trường lẫn ứng xử của nhiều doanh nghiệp, người dân”.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vào đầu năm nay, trong bảng xếp hạng 140 nền kinh tế về cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 71 về cạnh tranh trên thị trường nội địa; xếp thứ 77 về hiệu quả chống độc quyền và xếp thứ 64 về mức độ phân phối thị trường của một số tập đoàn.

Anh Phương; Thứ tư, 03/8/2016, 18:18 (GMT+7)

 


Phần mềm giao nhận logistic