Nâng cao vị thế của nữ giới hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ: Rất cần sự kết nối

Ngày 3/8/2016, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo bàn tròn giữa đại diện các nhà khoa học nữ Việt Nam và Hàn Quốc. Không chỉ là cuộc gặp gỡ chia sẻ giữa các nhà khoa học nữ của hai nước, những người tham gia Hội thảo còn mong muốn tìm kiếm các biện pháp để nâng cao vị thế của nữ giới hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đồng thời xây dựng, củng cố sự kết nối giữa các nhà khoa học nữ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.

Ảnh 1: Thứ tự từ trái sang: GS-TSKH. Phạm Thị Trân Châu, chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; TS.Jung Sun Kim; bà Kong-Ju-Block Lee thuộc ĐH Ewha Woman; TS. Haryong Poo, Chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ nghiên cứu khoa học và kỹ thuật Hàn Quốc.

Khi kết nối là một loại vốn xã hội

Mạng lưới Phụ nữ trong lĩnh vực Kỹ thuật và khoa học (INWES) là một mạng lưới toàn cầu, kết nối các tổ chức phụ nữ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM), với mục đích chung là hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn. Là sáng kiến của Liên hợp quốc, được hình thành năm 2002, Mạng lưới này là đối tác phi chính phủ chính thức của UNESCO, với 250.000 thành viên từ khoảng 60 nước.

Ngày nay, mỗi thành quả trong lĩnh vực khoa học công nghệ đều là kết quả của quá trình làm việc nhóm, trong đó số lượng phụ nữ tham gia lĩnh vực này ngày càng đông đảo. Tuy nhiên, phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này vẫn có xu hướng bị gạt ra ngoài lề các mạng lưới xã hội, thậm chí được đặt vào những vị trí không thuận lợi so với nam giới về thông tin và cơ hội (theo báo cáo của UNESCO năm 2007). Những người phụ nữ có con nhỏ cũng thường bị gạt ra khỏi mạng lưới (theo kết luận của OECD năm 2006). Chính vì vậy, sự kết nối giữa những người phụ nữ làm công tác khoa học kỹ thuật trên toàn cầu là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong thế giới hiện nay, khi sự kết nối được nhìn nhận như một loại vốn xã hội; kết nối giúp tăng cường các hỗ trợ nghiên cứu, chia sẻ thông tin, sự minh bạch, uy tính… đồng thời cũng là giúp tăng nguồn thu nhập.

Chính vì những lý do này, Mạng lưới các nhà nữ khoa học thuộc các nước châu Á - Thái Bình Dương (APNN) đã được thành lập năm 2008, với vai trò là nhà tổ chức cho các cuộc hội thảo của INWES ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thu hút thêm thành viên cũng như nâng cao vị thế của nữ giới hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật ở khu vực này. APNN hướng tới việc trao đổi các dữ liệu nghiên cứu, tổ chức các dự án hợp tác, kết nối giữa các nước châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức các hội thảo để tạo nên sự tương tác giữa các thành viên, thực hiện các báo cáo và nghiên cứu, tổ chức tập huấn cho giới trẻ… Hiện nay, APNN có 13 thành viên, trong đó có Việt Nam.

Một số gợi ý nhằm nâng cao vị thế các nhà khoa học nữ ở Việt Nam

Theo một nghiên cứu của APNN, hiện nay ở châu Á - Thái Bình Dương có nhiều nhóm nữ giới hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ đang đóng vai trò hàng đầu trong các đề xuất chính sách và trong việc điều hành các chương trình có liên quan. Tuy nhiên, đâu đó vẫn hiện diện sự thiếu hụt các chính sách về công bằng giới và thay đổi nhận thức xã hội. Ở Việt Nam, các chương trình công bằng giới nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, cũng đang được tiến hành, chẳng hạn như chương trình “đưa trẻ em gái đến trường” đang được phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn rất cần các chính sách hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nữ lãnh đạo trong các vị trí then chốt. Nghiên cứu này cũng đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao vị thế của nữ giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Việt Nam, như thực hiện các thống kê về chỉ số phát triển con người của nam và nữ; thành lập một tổ chức cấp chính phủ của các nhà khoa học nữ hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ; gắn kết phụ nữ trong lĩnh vực này; tài trợ cho các nghiên cứu khoa học do nữ giới thực hiện; cung cấp học bổng cho nữ học giả; thành lập trung tâm chăm sóc trẻ dành cho chị em hoạt động trong lĩnh vực khoa học; thành lập hệ thống cố vấn, hướng dẫn đối với những người trẻ… Tất nhiên, để biến những ý tưởng này thành hiện thực còn là chặng đường dài, nhưng chắc chắn đây là những gợi ý tốt cho việc nâng cao vị thế của người phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Kiều Trinh; Nguồn: Website Hội Nữ trí thức Việt Nam.


Phần mềm giao nhận logistic