TUYỂN TẬP GIỚI VÀ XÃ HỘI 3

TUYỂN TẬP GIỚI VÀ XÃ HỘI số 3 trình bày chín bài nghiên cứu được đúc kết từ hội thảo báo cáo các kết quả nghiên cứu về giới do Trung tâm Nghiên cứu Giới và Xã hội (GAS) - Trường Đại học Hoa Sen tổ chức vào tháng 8 năm 2015 và từ các bản tin điện tử Giới và Xã hội năm 2015.

Về tiếp cận lý thuyết, tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa trong bài “Giới, giới tính từ góc độ lý thuyết kiến tạo xã hội” đã đưa ra quan điểm mới mẻ là trong thời đại ngày nay, dưới tác động đan xen của kỹ thuật và nhận thức căn tính giới của cá nhân, thì giới tính cũng là một kiến tạo xã hội.

Trong nỗ lực phân tích sâu hơn các khía cạnh lý thuyết của vấn đề giới và lãnh đạo, một chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, hai tác giả Lâm Thị Ánh Quyên và Đỗ Hồng Quân đã tập hợp các tài liệu lý thuyết về lĩnh vực này và nhấn mạnh đến vai trò tác nhân của phụ nữ trong bài “Giới và quyền lãnh đạo trong tổ chức”.

Chủ đề giới và lãnh đạo và những vấn đề của nữ giới trong nghề nghiệp được trình bày trong ba bài tiếp theo, là kết quả của những nghiên cứu thực nghiệm trong và ngoài nước:
- “Nữ doanh nhân và nữ quản lý – Một sự phát triển nhanh chóng” do Tổ chức Lao động quốc tế ILO thực hiện;
- “Thực trạng năng lực chuyên môn và quản lý của nữ trí thức trong độ tuổi từ 56 đến 60 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh” do nhóm nghiên cứu Đại học Hoa Sen thực hiện;
- “Nam giới là tương lai của bình đẳng giới trong nghề nghiệp” do tổ chức ORSE thực hiện.

Điểm đáng chú ý là các nghiên cứu ứng dụng trong doanh nghiệp ở nước ngoài đã nêu lên những nguyên tắc và kinh nghiệm thu hút nam giới tham gia vào việc thực hiện bình đẳng giới trong nghề nghiệp. Một lần nữa, những nghiên cứu trên khẳng định tầm quan trọng của ý chí của phụ nữ và của chính sách ủng hộ bình đẳng giới của nhà nước và của doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, qui mô di cư của lao động từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển gia tăng mạnh mẽ. Lao động từ các vùng nghèo của Việt Nam cũng tìm đường tha phương cầu thực ở trên 40 nước trên thế giới. Nghiên cứu của tiến sĩ Trần Thị Bích Ngọc “Hy vọng và nguy cơ xuyên biên giới: Ba tộc người (Kinh, Chăm và Khmer) trong việc di cư lao động giữa Việt Nam và Malaysia” nêu lên thực trạng của lao động Việt Nam ở Malaysia, cùng những hy vọng và nguy cơ mà lao động Việt Nam phải đối mặt, và từ đó có những đề nghị về chính sách hỗ trợ và bảo vệ lao động Việt Nam được gửi đi làm việc ở nước ngoài. Có một điều thú vị là tôn giáo đóng

một vai trò quan trọng, trong đó có sự khác biệt giữa các khuôn mẫu của người Chăm theo Hồi giáo với người Kinh và người Khmer.
Bổ sung cho nghiên cứu thực nghiệm này là một bài nghiên cứu ở tầm vĩ mô “Di cư, giới và công bằng xã hội”, trong đó các tác giả Thanh-Dam Truong, Des Gasper và Jeff Handmaker nhấn mạnh đến khía cạnh quyền con người khi xem xét vấn đề di cư.

Những vấn đề thời sự như phụ nữ nghèo nông thôn đối mặt với quá trình đô thị hóa, hay những nỗi khổ của người phụ nữ bị nhiễm HIV được đề cập đến trong bài “Năng lực thích ứng sinh kế của phụ nữ Khmer trong quá trình đô thị hóa vùng ven tại quận Ô Môn, TP. Cần Thơ” của tác giả Hồ Kim Thi và bài “Khó khăn tâm lý của phụ nữ nhiễm HIV có chồng âm tính, liên quan đến môi trường sống, văn hóa xã hội” của tác giả Nguyễn Thị Minh Phương. Ở địa bàn vùng ven đô của Thành phố Cần Thơ, quá trình chuyển đổi từ sinh kế thuần nông sang phi nông đã gây nên những thách thức cho phụ nữ Khmer trong việc thích nghi với điều kiện làm việc mới. Điều này dẫn đến hệ quả là tỷ lệ hộ nghèo mới và nghèo trở lại cao trong thời gian qua. Bài viết đã phân tích năng lực thích ứng sinh kế của phụ nữ Khmer trong quá trình đô thị hóa ở vùng ven đô với cách tiếp cận sinh kế bền vững. Về vấn đề nhiễm HIV, tác giả Nguyễn Thị Minh Phương cho rằng vai trò của người chồng góp phần quan trọng trong việc làm giảm nhẹ hay gia tăng khó khăn tâm lý cho người phụ nữ nhiễm HIV.

Bên cạnh các bài nghiên cứu, tác giả Lê Thị Hạnh trình bày bài điểm sách “Bí ẩn nữ tính”, một tác phẩm thuộc hàng kinh điển trong nghiên cứu giới của nhà nữ quyền Mỹ Betty Friedan. Các bài phỏng vấn và ý kiến chung quanh các vấn đề giới và bình đẳng giới góp phần cung cấp cho bạn đọc những suy nghĩ và nhận định của những người đang hoạt động trong lĩnh vực giới.

Mong rằng Tuyển tập Giới và Xã hội số 3 sẽ được bạn đọc gần xa đón nhận và chia sẻ những nỗ lực tìm kiếm và khám phá vì mục tiêu bình đẳng giới của tập thể các tác giả." 

Nguồn: Website Đại học Hoa Sen; cập nhật  thứ 2 ngày 18/7/2016 - 09:57


Phần mềm giao nhận logistic