Tìm giải pháp giảm nghèo đa chiều bền vững cho các tỉnh Tây Bắc

Nhằm đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra trong công tác xóa đói, giảm nghèo nói chung và ở Tây Bắc nói riêng, sáng 19-8, tại Sơn La, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Sơn La phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học-thực tiễn với chủ đề: “Giảm nghèo đa chiều bền vững: Thực tiễn và định hướng, giải pháp cho các tỉnh Tây Bắc”.

Các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc; Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, đồng chủ trì tọa đàm.

Tại Hội thảo, đồng chí Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, đối với vùng Tây Bắc, tuy có xuất phát điểm thấp, khó khăn hơn nhiều vùng trong cả nước, nhưng nhờ tích cực thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo nên các tỉnh khu vực Tây Bắc đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo trong 5 năm (2011-2015) ở vùng Tây Bắc đã giảm rõ rệt, từ 34,41% xuống còn 18,26% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015). Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ trong vùng Tây Bắc đã giảm xuống còn 31,94% vào cuối năm 2014, bình quân giảm trên 6%/năm, vượt so với mục tiêu giảm bình quân 4%/năm theo Nghị quyết. Tuy vậy, hiện Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước, 6 tỉnh Tây Bắc vẫn được coi là “lõi nghèo”. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 vẫn ở mức cao nhất nước. Người nghèo Tây Bắc chủ yếu tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số và khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa (95%). Những vấn đề đặt ra đối với công tác xóa đói, giảm nghèo ở khu vực Tây Bắc trong thời gian tới, như: Trình độ dân trí còn thấp, phong tục, tập quán canh tác còn lạc hậu, kinh tế thị trường chưa phát triển mạnh so với các vùng khác, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tỷ lệ nghèo và nguy cơ tái nghèo cao (theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2016 còn cao).

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết, vùng Tây Bắc có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ, song do điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, đồi núi hiểm trở, gặp nhiều khó khăn về giao thông, thường xuyên chịu nhiều tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, như lũ, sạt lở, hạn hán,... nên Tây Bắc hiện nay là vùng có tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao nhất trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị các tỉnh vùng Tây Bắc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất thực sự trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về mục tiêu, vai trò và trách nhiệm của từng chủ thể trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; khắc phục tâm lý ỷ lại, tạo ý chí vươn lên thoát nghèo và làm giàu hợp pháp của người dân. Các cấp ủy Đảng cần tiếp tục tổ chức thực hiện có kết quả các chủ trương và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo vùng Tây Bắc của Đảng; các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các chính sách giảm nghèo dựa vào đặc thù văn hóa, kinh tế, xã hội của các nhóm dân tộc khác nhau, các địa phương khác nhau thuộc vùng Tây Bắc; phân loại các đối tượng thụ hưởng để có các hình thức hỗ trợ phù hợp; bổ sung các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng tái định cư; bãi bỏ các chính sách hỗ trợ nhỏ lẻ, manh mún... Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình việc làm và giảm nghèo gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng đầu tư cho các địa bàn khó khăn nhất, vùng có nhiều hộ nghèo dân tộc ít người; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng ở các địa bàn này và coi đây là khâu đột phá để nâng cao khả năng kết nối các địa phương này với thị trường. Thí điểm chủ trương xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương có nhiều hộ nghèo bằng cách đầu tư qua những hộ gia đình khá giả, những hộ có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có khả năng tổ chức sản xuất làm đầu kéo, tác động lan tỏa, tạo việc làm...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn về các nhóm vấn đề chính như: Làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo; làm rõ những khía cạnh xung quanh khái niệm giảm nghèo đa chiều bền vững; những điểm mới, những vấn đề đặt ra trong khái niệm giảm nghèo đa chiều bền vững; đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra của công tác xóa đói, giảm nghèo nói chung và ở Tây Bắc nói riêng những năm qua. Ngoài ra là các kiến nghị, chủ trương, các giải pháp cơ bản cho công tác xóa đói, giảm nghèo đa chiều bảo đảm tính bền vững cho Sơn La nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Thu Hương; 19/8/2016 10:33 - Nguồn: QĐND Online.


Phần mềm giao nhận logistic