Hội thảo khoa học: Việc hình thành các tổ chức công đoàn trong khuôn khổ TPP và các vấn đề pháp lý liên quan đến điều chỉnh hoạt động của các tổ chức đó

Hội thảo do Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN tổ chức ngày 24 tháng 8 năm 2016, tại trụ sở Viện Hàn lâm số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội; nhằm trao đổi, bàn luận về những khía cạnh, tác động khác nhau của TPP đến chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và giải pháp triển khai thực hiện sau khi Hiệp định có hiệu lực. 

GS-TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo vinh dự được đón tiếp GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đến dự và chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương như: đại diện các Ban chức năng, Văn phòng Hàn lâm, Văn phòng Đảng Đoàn thể Viện Hàn lâm, đại diện các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm; Viện Nhà nước và Pháp luật; đại biểu đến từ: Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Lao động xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương…

Hội thảo chia làm hai phiên, phiên thứ nhất: Dự báo tác động của việc thực thi quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động hình thành theo quy định của TPP. Phiên thứ hai: Những vấn đề lớn đặt ra và giải pháp pháp lý thực thi TPP về quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư Chủ tịch Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh: Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã hội nhập sâu và rộng vào khu vực và thế giới. Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do song phương thế hệ mới. Hiệp định TPP mà Việt Nam ký kết tháng 2/2016 là một trong những hiệp định rất có ý nghĩa và khi đi vào triển khai sẽ tác động mạnh không chỉ đến các quốc gia tham gia Hiệp định này, mà cả khu vực và thế giới. Việc tham gia TPP vừa tạo ra cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Chủ đề hội thảo bàn tới là việc thành lập các tổ chức công đoàn trong khuôn khổ TPP và các vấn đề pháp lý liên quan đến điều chỉnh hoạt động của các tổ chức đó. Tự do thành lập tổ chức của người lao động trong doanh nghiệp là một nội dung mới đối với Việt Nam. Điều này tác động không nhỏ tới hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó có các tổ chức công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoạt động của bộ máy nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là quyền lợi của người lao động.

Giáo sư Chủ tịch Nguyễn Quang Thuấn mong muốn Hội thảo làm rõ: Yêu cầu của TPP về quyền tự do liên kết của người lao động; Xác định những vấn đề pháp lý đặt ra liên quan đến quyền tự do liên kết của người lao động; Phân tích, dự báo tác động của việc thực hiện TPP đến pháp luật và việc thực hiện pháp luật về quyền gia nhập, thành lập, hoạt động của các tổ chức đại diện cho người lao động; Gợi mở những giải pháp pháp lý để thực hiện TPP về quyền tự do liên kết của người lao động.

Phiên thứ nhất hội thảo do Giáo sư Chủ tịch Nguyễn Quang Thuấn và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật đồng chủ trì. Phiên này có 8 báo cáo tham luận. Các báo cáo tập trung làm rõ một số nội dung sau: (1) Quyền tự do lập hội của người lao động, quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động trong pháp luật quốc tế; (2) Nội dung và yêu cầu của TPP đối với các nước thành viên về bảo đảm quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động; (3) Hình dung về địa vị pháp lý và thủ tục thành lập tổ chức đại diện của người lao động từ yêu cầu của TPP; (4) Dự báo tác động của việc thực thi quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động.

Phiên thứ hai có 11 báo cáo tham luận, với 6 nội dung chính: (1) Quyền tự do thành lập tổ chức đại diện người lao động theo TPP/quyền tự do công đoàn theo TPP; (2) Thực trạng pháp luật Việt Nam về quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động/quyền tự do công đoàn; (3) Thực trạng pháp luật về tổ chức đại diện người lao động ở các nước thành viên TPP và gợi mở đối với Việt Nam; (4) Các điều kiện bảo đảm thực thi cam kết TPP về tự do thành lập tố chức đại diện người lao động; các nguyên tắc, các yêu cầu về hoàn thiện pháp luật Việt Nam nhằm bảo đảm thực thi các cam kết TPP; (5) Tác động của việc thực hiện quyền tự do thành lập tổ chức đại diện người lao động theo TPP đến hoạt động quản lý nhà nước về lao động và hoạt động của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; (6) Cơ sở pháp lý quốc tế và trong nước để giải quyết tranh chấp về quyền tự do liên kết của người lao động theo TPP.

Ở mỗi phiên, thay vì mời từng báo cáo viên tham luận, Ban Tổ chức Hội thảo đã phân công một nhà khoa học tổng hợp, tổng quan và trình bày tóm tắt nội dung của các báo cáo và các ý kiến, quan điểm chính của các báo cáo viên trong phiên hội thảo. Các quan điểm được thể hiện trong các báo cáo tham luận là của riêng các tác giả. Sau báo cáo tổng quan đó, các báo cáo viên phát biểu, bổ sung, giải thích, làm rõ hoặc mở rộng những nội dung chưa được đại diện của Ban Tổ chức hội thảo tổng hợp, tổng thuật hoặc chưa được đề cập trong báo cáo của mình, cũng như thảo luận, bình luận, nhận xét, góp ý đối với báo cáo của các nhà khoa học khác.

Hội thảo diễn ra trong không khí học thuật sôi nổi. Ban Tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sâu sắc, có giá trị khoa học của các đại biểu tham dự .

Nguyễn Thu Hà; 25/8/2016; Nguồn: Website Viện Hàn lâm KHXHVN

 

 


Phần mềm giao nhận logistic