Đạo luật gây tranh cãi

(SGGPO) - Đến cuối tháng 9, đạo luật nghiêm cấm hành vi yêu cầu hối lộ của công chức nhà nước Hàn Quốc, hay còn được gọi là “Luật Kim Young-ran” mới có hiệu lực nhưng tranh cãi đã liên tục nổ ra trong thời gian qua. Đại diện Ủy ban Chống tham nhũng và Dân quyền Hàn Quốc cho biết, luật phòng chống tham nhũng nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến 40.919 tổ chức và cơ quan chức năng.

Khi luật mới được thực thi, khoảng 4 triệu lao động gồm nhân viên chính phủ, giáo viên, nhà báo sẽ bị trừng phạt nếu chấp nhận những bữa chiêu đãi có giá trị hơn 30.000 won (27 USD) và quà cáp có giá trị hơn 50.000 won (45,2 USD), hoặc tiền mừng và chia buồn trên 100.000 won (90,4 USD). Ngoài nhân viên tại các cơ quan trung ương, chính quyền tại các tỉnh, cùng với 21.201 trường học địa phương cũng phải thực hiện nghiêm luật này. Đại diện Ủy ban Chống tham nhũng và Dân quyền khẳng định sẽ thực hiện kế hoạch trên bất chấp sự phản đối từ các tổ chức chính quyền.

Theo Korea Times, luật phòng chống tham nhũng mới sẽ có thay đổi lớn trong việc chấm dứt thực trạng hối lộ công chức, viên chức thông qua các bữa chiêu đãi, quà đắt tiền. Luật mới được đưa ra với mục tiêu mang lại sự minh bạch và công bằng cho người lao động và ngăn thực trạng dùng tiền để đổi lấy sự nương tay trong vấn đề giám sát hoặc những ưu ái trái pháp luật. Theo một cuộc khảo sát của Ủy ban Chống tham nhũng và Dân quyền Hàn Quốc năm 2014, 63% trong tổng số 1.400 người được hỏi cho rằng tham nhũng tồn tại trong xã hội Hàn Quốc. 

Đây là đạo luật được cho là  phù hợp với yêu cầu của người dân nhưng không phải ai cũng đồng tình. Trong bối cảnh nền kinh tế đang rơi vào trì trệ, nhiều ý kiến quan ngại rằng việc thực thi luật này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hồi phục kinh tế, tác động tiêu cực lên thị trường nội địa. Nguyên nhân là bởi hiện nay việc tặng quà hay thết đãi các công chức nhà nước chiếm một phần tương đối lớn trong tiêu thụ nội địa của Hàn Quốc, phần vì việc trao quà tặng vào mỗi dịp lễ, tết, vốn nằm trong văn hóa truyền thống của người dân. Sụt giảm nhu cầu về các mặt hàng quà tặng kéo theo nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất lẫn phân phối. Theo Hiệp hội ngành công nghiệp thủy sản Hàn Quốc, vào năm ngoái, một lượng hải sản trị giá 8.900 tỷ won được bán tại nước này, trong đó 21% được tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán và Tết Trung thu. Vì thế, ước tính doanh thu sẽ giảm khoảng 1.100 tỷ won nếu những sản phẩm đắt tiền, như bào ngư, không còn được lựa chọn làm quà tặng. Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc cho rằng nên nâng mức hạn chế về giá trị bữa ăn lên 70.000 won nhằm ngăn sự suy giảm của ngành công nghiệp thực phẩm. Luật mới hạn chế những bữa tiệc xa xỉ cũng gây ảnh hưởng đến đến các quán bar, nhà hàng vốn để phục vụ cho văn hóa kinh doanh của Hàn Quốc. Ước tính, khoảng 1.000 tỷ won cho các hoạt động vui chơi tại các quán bar đã được chi vào dịp cuối tuần trong năm ngoái.  

Chính phủ Hàn Quốc khẳng định, việc đẩy mạnh các nỗ lực nhằm xử lý nạn tham nhũng trong công chức sẽ lấy lại niềm tin của người dân trong chính quyền. Ông Kim Sang-jo, Giáo sư tại Trường Đại học Hansung cho rằng, đạo luật không thể một sớm một chiều ngăn chặn triệt để nạn tham nhũng tại Hàn Quốc nhưng đây là động lực để công chức nhà nước hướng tới hình ảnh trong sạch hơn trong mắt người dân.

Thanh Hằng; Thứ tư, 07/9/2016, 09:03 (GMT+7) 

 


Phần mềm giao nhận logistic