Hội thảo giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về Bình đẳng giới trong lĩnh vực Chính trị, Khoa học, Kỹ thuật & Quản trị doanh nghiệp

Bà Tô Thị Bích Châu, TU Viên - Chủ tịch Hội LH Phụ nữ TP đã tham dự xuyên suốt 3 cuộc Hội thảo.

Thực hiện Kế hoạch số 3824/KH-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016 - 2018”; trong các ngày 28-29-30/9, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới Thành phố và Hội Nữ trí thức Thành phố phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo: “Giải pháp nâng cao chất lượng nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp”, “Doanh nhân với vấn đề Bình đẳng giới”, “Vấn đề giới trong hoạt động khoa học, kỹ thuật & hội nhập quốc tế”.

Các cuộc hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Hội đồng Nhân dân Thành phố, UB Mặt trận Tổ quốc TP, Hội LH Phụ nữ TP, Hội đồng nhân dân quận/huyện, các tổ chức doanh nghiệp, doanh ngiệp liên doanh với nước ngoài, các khoa, trung tâm nghiên cứu các trường đại học,...cùng các nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nữ doanh nhân, chuyên gia tâm lý, cán bộ giảng dạy,v.v... Đặc biệt còn có sự tham dự của các vị nguyên là lãnh đạo bộ ngành, lãnh đạo công tác Đảng của các tổng công ty nhà nước, các trường đại học và nguyên nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Cùng tham gia chủ trì các cuộc Hội thảo có:

1- Bà Trương Thị Ánh, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố;

2- Bà Nguyễn Thị Liên, Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ & Bình đẳng giới TP – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh, Xã hội;

3- GS-TS. Phan Thị Tươi, Phó chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam;

4- Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM – Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận

5- Thạc sĩ Nguyễn Thị Khánh Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nữ trí thức Thành phố.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND Quận 4 phát biểu tại HT “Giải pháp nâng cao chất lượng nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp”.

Nội dung chính trao đổi tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp”

1- Thực trạng chất lượng nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân phường/xã so với nam giới

- Đảm bảo về bằng cấp chính trị, học vấn, có trách nhiệm, nhiệt tình, có thái độ gần dân.

- Tuy nhiên, còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc (nhất là hoạt động giám sát), bản lĩnh của đại biểu Hội đồng Nhân dân, do đó dẫn đến thiếu tự tin, e ngại trong các hoạt động chất vấn và tiếp xúc cử tri; không ít nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân không biết Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ; lề lối làm việc vẫn theo lối mòn, chưa có sự đổi mới mang tính bứt phá; đa số đại biểu HĐND là mới (nhiệm kỳ đầu) lại kiêm nhiệm, với bộn bề công việc chuyên môn, không có thời gian nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu luật pháp, ít đi cơ sở,... nên khó tạo ra hiệu quả mới như cử tri mong đợi.

2- Giải pháp nâng cao chất lượng nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp

- Muốn nâng cao chất lượng nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân thì phải nâng cao chất lượng đầu vào, do vậy bắt buộc phải làm tốt công tác quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ.

- Khi trở thành đại biểu HĐND vẫn phải thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng (nhất là kỹ năng tiếp xúc cử tri, chất vấn),bồi dưỡng  nghiệp vụ (nhất là công tác giám sát), tổ chức tập huấn sâu trong từng nhóm đại biểu HĐND, cập nhật thông tin liên quan, đặc biệt là Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ.

- Nên bố trí nữ đại biểu HĐND tham gia giám sát các vấn đề về phụ nữ.

- Theo đó, cần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ trong vai trò là đại biểu Hội đồng Nhân dân bằng các giải pháp như hình thành mạng lưới kết nối cán bộ Hội LHPN là đại biểu HĐND các cấp; xây dựng mạng lưới cộng tác viên có khả năng làm nhiệm vụ tham mưu cung cấp thông tin, thường xuyên phản ảnh tình hình cơ sở, tâm tư dư luận của cử tri cho đại biểu HĐND; phải biết lựa chọn, xác định thứ tự ưu tiên trong nội dung, vấn đề giám sát; phải phân cấp nội dung, vấn đề giám sát phù hợp cho từng cấp (TP - quận, huyện - phường, xã) để tránh gây áp lực, lúng túng cho cơ sở; phải phân biệt rạch ròi giữa giám sát và kiểm tra; xây dựng hệ thống công cụ quản lý, theo dõi để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát; giám sát phải cho ra kết quả cụ thể, phải theo dõi, kiên trì đeo bám đến cùng những vấn đề đã giám sát,...

3- Đề xuất, kiến nghị

- Song song với công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, Ban Vì sự tiến bô phụ nữ & Bình đẳng giới TP.HCM cần tổ chức các cuộc hội thảo với chủ đề tương tự như thế này xuống các quận, huyện, phường, xã.

- Ban Tổ chức Thành ủy cần phối hợp chặt chẽ với Ban Vì sự tiến bô phụ nữ & Bình đẳng giới TP trong kiểm tra phê duyệt quy hoạch cán bộ nữ không chỉ đủ về số lượng, cơ cấu mà điều quan trọng hơn là phải đảm bảo về chất lượng.

- Hội đồng Nhân dân Thành phố quan tâm nghiên cứu xây dựng mô hình kết nối các nữ đại biểu HĐND theo từng nhóm chuyên đề (Cán bộ Hội LH Phụ nữ, văn hóa, giáo dục, tư pháp, doanh nghiệp,...) để các nữ đại biểu có cơ hội giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, thông tin các vấn đề, nội dung có liên quan bằng các hình thức hội thảo, tọa đàm, đưa ra bài học tình huống,... nhằm tạo điều kiện cho các nữ đại biểu làm quen với cách trình bày, nêu vấn đề, phương pháp lập luận, tư duy khái quát tổng hợp, khả năng thuyết trình,...qua đó rèn luyện cho chị em bản lĩnh vững vàng, tự tin trong các cuộc chất vấn, tiếp xúc cử tri.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ & Bình đẳng giới TP – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh, Xã hội, thành viên chủ trì 3 cuộc hội thảo.

Nội dung chính trao đổi tại Hội thảo “Doanh nhân với vấn đề Bình đẳng giới”

1- Thực trạng nữ doanh nhân hiện nay

- Nữ doanh nhân, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo nghiệp đang có nhiều nỗ lực trong học tập (ngoại ngữ, giao tiếp, kinh doanh,...) để đáp ứng với xu thế hội nhập cùng thế giới. Có thể khẳng định các doanh nghiệp phát triển bền vững đều do nữ làm lãnh đạo, nếu không thì cũng là có những người phụ nữ là vợ, chị em gái hoặc mẹ làm bệ đỡ vững chắc. Thực tế vừa qua cho thấy những doanh nghiệp có biến động lớn, đa phần đều do nam giới lãnh đạo.

- Tuy nhiên, nữ doanh nhân đang đối mặt với những khó khăn như:

1- Phần lớn nữ doanh nhân thành đạt đều cô đơn (bị chồng bỏ, hoặc phải bỏ chồng, hoặc không được chia sẻ những khó khăn từ người chồng,...).

2- Rất nhiều nữ doanh nhân, nhất là chị em tiểu thương không hiểu rõ về bình đẳng giới;

3- Các công ty tư nhân hầu như bỏ ngõ về công tác tập huấn, tuyên truyền về bình đẳng giới. Vì vậy, đang diễn ra một thực tế: Nam quản lý giỏi thì dễ quy tụ những người tài giỏi, nhưng nữ làm quản lý giỏi thì rất khó quy tụ những người tài giỏi là những người khác giới, bởi lẽ ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến còn rất năng nề, không muốn làm việc dưới trướng phụ nữ.

2- Giải pháp

Về phía bản thân nữ doanh nhân:

1- Phải biết cân đối thời gian cho gia đình và công ty.

2- Phải có kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình.

3- Phải thương yêu bản thân, chăm sóc sức khỏe, nhan sắc.

4- Phải điều chỉnh hành vi ứng xử phù hợp với các thành viên trong gia đình, không nên mang cách nói năng mệnh lệnh ở công ty áp đặt lên chồng con.

5- Phải biết tranh những thành viên trong gia đình tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho các ông chồng.

6- Nếu có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp thì phải dũng cảm nắm lấy, đồng thời tìm cách khắc phục những khó khăn, rào cản từ gia đình.

- Về phía các chủ doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể

1-Phải sâu sát hoàn cảnh nữ doanh nhân, kịp thời phát hiện khó khăn về gia đình để tư vấn, giải quyết.

2- Phải tạo điều kiện cho nữ doanh nhân, nhất là doanh nhân trẻ có cơ hội phát triển, vươn lên.

3- Phải tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới không chỉ cho nữ doanh nhân mà cho cả các thành viên nam trong công ty và gia đình nữ doanh nhân.

4- Tổ chức tuyên dương các ông chồng nữ doanh nhân biết chia sẻ công việc gia đình.

3- Đề xuất, kiến nghị

- Lãnh đạo Thành phố nên nghiên cứu mô hình của Singapore để hình thhành  viện đào tạo nữ lãnh đạo trong các ngành nghề.

- Bình đẳng giới là là một cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn vì đó là cuộc đấu tranh thay đổi ý thức hệ, không thể một sớm một chiều mà đạt được, do vậy cần có những chính sách, chủ trương nhằm khuyến khích, phát huy vai trò nữ doanh nhân tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, cộng đồng và đất nước.

TS. Lương Bạch Vân, Phó Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc TP.HCM trao đổi tại HT "Vấn đề giới trong hoạt động khoa học, kỹ thuật & hội nhập quốc tế".

TS. Phan Thu Nga, GĐ Trung tâm Kỹ thuật, Tài nguyên, Môi trường & Biển trình bày tham luận "Nữ trí thức tham gia nghiên cứu khoa học tại TP.HCM".

Nội dung chính trao đổi tại Hội thảo “Vấn đề giới trong hoạt động khoa học, kỹ thuật & hội nhập quốc tế”.

1- Thực trạng nữ làm công tác nghiên cứu khoa học

- Năm 2015, Ủy ban Nobel đã khẳng định một xu hướng ngày càng tăng kể từ đầu những năm 2000, đó là Nữ hóa các giải thưởng. Tại Việt Nam, nữ trí thức nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ 1.4%.

- Tỉ lệ nhà khoa học nữ Việt Nam đạt 40%, trong khi tỉ lệ nhà khoa học nữ trên thế giới là 25% (Việt Nam cao gấp 1.6% so với tỷ lệ chung của nữ toàn thế giới). Theo thống kê năm 2013, tỷ lệ nữ có trình độ đại học chiếm 36,24%; thạc sĩ: 33,9%; tiến sĩ: 25,69%. Tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư tuy còn rất khiêm tốn, song cũng đang tăng lên qua các năm, năm 2015: GS: 5,26% - PGS: 22,57%; năm 2016: GS: 9,23% - PGS: 29,94%.

- Tại TP. HCM trong giai đoạn 2011 đến 2015, có 673 đề tài nghiên cứu khoa được thực hiện và nghiệm thu, có 170 đề tài do các nhà khoa học nữ làm chủ nhiệm (chiếm tỷ lệ trên 25%). Tuy nhiên, số lượng đề tài do các nhà khoa học nữ làm chủ nhiệm ngày càng tăng.

- Nhìn chung nữ trí thức ngày càng có vai trò đáng kể trong các cơ quan nghiên cứu khoa học, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Bên cạnh công tác nghiên cứu, họ còn là những người vợ, người mẹ, vì vậy khó khăn vất vả sẽ thử thách họ nhiều hơn, vẫn còn nhiều rào cản, trở ngại để phụ nữ tham gia theo đuổi sự nghiệp khoa học của mình, bởi hành trình nghiên cứu khoa học là một công việc khó nhọc, vất vả, lấy đi nhiều thời gian, công sức của người nghiên cứu, đặc biệt là đối với phụ nữ. Vì vậy, nữ đặc biệt ít trong các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, toán học. Tính đến năm 2015, phụ nữ mới chỉ chiếm 5,35% những người đoạt giải Nobel, với 48 phụ nữ trên 897 người đoạt Giải kể từ khi giải thưởng ra đời năm 1901, nhưng trong số đó đã có hơn một nửa là Giải thưởng về Văn chương & Hòa bình.

2- Giải pháp tăng tỷ nữ trí thức tham gia nghiên nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật,  toán học (STEM).

- Xây dựng các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao vị thế của nữ giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, như thực hiện các thống kê về chỉ số phát triển con người của nam và nữ; thành lập một tổ chức cấp chính phủ của các nhà khoa học nữ hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ; gắn kết phụ nữ trong lĩnh vực này; tài trợ cho các nghiên cứu khoa học do nữ giới thực hiện, cụ thể là hỗ trợ kinh phí để ứng dụng kết quả nghiên cứu trong sản xuất nhằm thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó; cung cấp học bổng cho nữ học giả; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ công việc nhà để phụ nữ có thời gian nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, hoặc như thành lập trung tâm chăm sóc trẻ dành cho chị em hoạt động trong lĩnh vực khoa học; thành lập hệ thống cố vấn, hướng dẫn đối với những người trẻ; vấn đề việc làm cho các nữ sinh viên được đào tạo trong các ngành kỹ thuật, cơ khí,…

- Tăng cường những cơ hội cho nữ giới trong các lĩnh vực vực STEM để đạt được những thành công lớn hơn về kinh tế và bình đẳng của phụ nữ trên các lĩnh vực. Cụ thể như kết nối, tạo điều kiện cho nhóm nữ làm công tác nghiên cứu khoa học tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng được kết nối với các tổ chức quốc tế như:

1- Nhóm nữ giới hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ ở châu Á - Thái Bình Dương, để học tập, tham khảo cách đề xuất chính sách và điều hành các chương trình có liên quan đến nghiên cứu khoa học;

2- Mạng lưới các phụ nữ trong lĩnh vực Kỹ thuật và Khoa học toàn cầu (INWES). INWES là tổ chức kết nối các tổ chức phụ nữ, phụ nữ làm việc trong lĩnh vực STEM, với mục đích chung là hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn. INWES cũng chính là sáng kiến của Liên hợp quốc, được hình thành năm 2002, Mạng lưới này là đối tác phi chính phủ chính thức của UNESCO, với 250.000 thành viên từ khoảng 60 nước. Theo báo cáo của UNESCO năm 2007, những người phụ nữ có con nhỏ thường bị gạt ra khỏi mạng lưới. Chính vì vậy, sự kết nối giữa những người phụ nữ làm công tác khoa học kỹ thuật trên toàn cầu là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong thế giới hiện nay, khi sự kết nối được nhìn nhận như một loại vốn xã hội; kết nối giúp tăng cường các hỗ trợ nghiên cứu, chia sẻ thông tin, sự minh bạch, uy tín, cơ hội… đồng thời cũng là giúp tăng nguồn thu nhập.

- Nghiên cứu phương thức cải thiện sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, và đổi mới sáng tạo với sự nhấn mạnh thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ thông qua giáo dục và đào tạo.

- Trong bối cảnh khoa học và công nghệ đang có tốc độ phát triển nhanh chóng, cùng với sự ra đời của các thỏa thuận hợp tác TPP Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community), nhiều trường đại học công lập và tư thục tại Việt Nam cần khuyến khích mạnh mẽ phụ nữ lựa chọn những chương trình đào tạo có thể giúp họ chuẩn bị sẵn sàng để làm việc trong lĩnh vực STEM.

3- Đề xuất, kiến nghị

- Cần có chính sách bình đẳng tuổi nghỉ hưu của nữ trí thức ngang bằng nam giới để nữ trí thức có thêm cơ hội cống hiến thành quả nghiên cứu khoa học cho đất nước, cho nhân loại.

- Cần có chính sách thưởng gấp đôi cho các giải thưởng nghiên cứu khoa học xuất sắc do nữ làm chủ đề tài.

- Các đoàn thể, đặc biệt là Hội LH Phụ nữ cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho những người mẹ, người bà là phải tạo điều kiện, cơ hội cho con gái học tập, say mê nghiên cứu khoa học. Đồng thời thành lập quỹ học bổng cho những nữ sinh có thành tích học tập xuất sắc.

- Các cấp lãnh đạo bộ ngành chức năng cần quan tâm cơ cấu bố trí cán bộ nữ trong ban giám hiệu các trường đại học. Vì thực tế cho thấy, những đơn vị có nữ trong ban giám hiệu, đặc biệt là hiệu trưởng thì ở đó vấn đề bình đẳng giới được quan tâm rõ nét.

- Hội nữ trí thức Thành phố:

1- Cần có những hoạt động thúc đẩy & truyền cảm hứng, giáo dục phụ nữ, nữ sinh viên thay đổi nhận thức, tích cực, chủ động tham gia học tập, nghiên cứu khoa học nói chung và các ngành STEM nói riêng. Cụ thể như tổ chức khen thưởng hoặc đề xuất khen thưởng các nữ trí thức có công trình nghiên cứu xuất sắc, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong nước, được phong hàm giáo sư, phó giáo sư; hoặc tìm nguồn tài trợ cho nữ nghiên cứu khoa học từ các mạng lưới nghiên cứu khoa học xuyên quốc gia.

2- Cần đề xuất để tham gia những đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến hiện trạng nữ trí thức tham gia nghiên cứu khoa học, bình đẳng giới trong nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực khác nhằm triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn TP. HCM.

3- Tổ chức hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các nữ nghiên cứu khoa học để ngày càng thu hút nữ trí thức tham gia nghiên cứu thực hiện các đề tài khoa học thiết thực, hiệu quả, ứng dụng trong giảng dạy và đời sống.

Khánh Tâm tóm lược; Ảnh: Phong Nhã


Phần mềm giao nhận logistic