Từ năm 2018 Thụy Điển sẽ là quốc gia đầu tiên không sử dụng tiền mặt

"Tiền mặt vẫn là thứ vô cùng quan trọng trong thành toán ở nhiều quốc gia khác, nhưng nó sẽ biến mất tại Thụy Điển", Niklas Arvidsson tới từ Tổ chức Công nghệ Hoàng gia Stockholm cho biết." Tỉ lệ sử dụng tiền mặt còn rất ít và nó đang nhanh chóng giảm thêm".

Có nhiều yếu tố đang tác động đến xu hướng này, không chỉ có các doanh nghiệp từ bỏ quy tắc "chi tiêu tối thiểu" khi giao dịch bằng thẻ tín dụng và hệ thống giao dịch điện tử. Với ứng dụng Swish trên di động, và sự hợp tác của nhiều ngân hàng lớn với nhau, cả các ngân hàng Đan Mạch, xu hướng mới đang được đón nhận bởi nhiều người dân Thụy Điển.

Hiểu rõ hơn về "chi tiêu tối thiểu", ở nhiều quốc gia, việc thanh toán điện tử chỉ được thực hiện với ngưỡng thấp nhất do ngân hàng hay doanh nghiệp đưa ra. Điều này giúp các ngân hàng và các công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có lợi nhuận từ các giao dịch đó, nhưng lại phần nào ngăn cản sự phát triển của thanh toán điện tử, khi mà còn có rất nhiều những mặt hàng và dịch vụ có giá thành thấp hơn ngưỡng nói trên.

Ứng dụng Swish cho phép người dùng thanh toán và giao dịch với thời gian thực. Bạn có thể sử dụng trực tiếp tiền từ tài khoản ngân hàng của mình tới một tài khoản ngân hàng khác, thanh toán taxi hay kể cả là một phiên chợ nhỏ, tất cả được thực hiện tức thì và không hề có bất cứ giới hạn nào. Theo Arvidsson, người Thụy Điển rất thích sử dụng Swish, nó là một cuộc cách mạng trong hệ thống ngân hàng. Một số ngân hàng lớn đã dừng nhận tiền mặt, từ cuối năm 2014, ước tính cứ 5 giao dịch thì có 4 giao dịch điện tử.

"Người dân Thụy Điển đang đặt nhiều niềm tin vào sự thay đổi này, và chúng tôi đang sử dụng những công nghệ mới để mang lại giải pháp hoàn hảo cho họ", Pia Stolt từ Situation Stockholm cho biết. Situation là một báo giấy ở thủ đô Thụy Điển, thường được bán dạo trên đường và cũng sử dụng hệ thống Swish trong thanh toán. Pia từng trao đổi với tờ The Guardian: "Các chiến dịch hướng tới xã hội không dùng tiền mặt đang diễn ra khắp nơi tại Thụy Điển, và đó là những động thái tốt, không gì có thể ngăn cản được chúng tôi hoàn thành mục tiêu đã đặt ra".

Bjorn Ulvaeus, cựu thành viên ban nhạc Abba lừng danh một thời của Thụy Điển cho biết: "Tại Nhà Bảo tàng Abba của chúng tôi không sử dụng tiền mặt vì loại giao dịch này đang chết dần". Bjorn Ulvaeus hiện sử dụng di sản của nhóm để lập nên đế chế kinh doanh, trong đó có Nhà Bảo tàng Abba. Ulvaeus đã chuyển sang dùng thẻ và thanh toán điện tử sau khi căn hộ của ông ở Stockholm bị bọn trộm bẻ khóa 2 lần cách đây vài năm. Ông lập luận: "Điều đó khiến tôi suy nghĩ: Chuyện gì sẽ xảy ra khi mà xã hội không còn sử dụng tiền mặt, và bọn trộm cắp không bán được những gì mà chúng cuỗm được?".

Tại Đại học Gothenburg, các sinh viên cho biết họ ưu tiên sử dụng thẻ và thanh toán điện tử. Hannah Ek, nữ sinh viên 23 tuổi, phát biểu: "Không ai còn sử dụng tiền mặt. Tôi nghĩ thế hệ chúng tôi có thể sống mà không cần đến tiền mặt".

Linh mục Soren Eskilsson cho biết tại nhà thờ Filadelfia Stockholm, chỉ một số ít giáo dân còn mang theo tiền mặt. Giáo dân đang sử dụng ứng dụng di động Swish - hệ thống chi trả do các ngân hàng lớn nhất Thụy Điển tạo lập và nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh của các loại thẻ nhựa. Eskilsson tỏ vẻ lạc quan: "Hiện nay, giáo dân ủng hộ tiền cho nhà thờ ngày càng nhiều hơn bởi vì tiền được chuyển qua hình thức điện tử nên dễ dàng hơn nhiều".

Ứng dụng Swish đang thay đổi thói quen thanh toán của người dân quốc gia Bắc Âu này.

Hiện nay, tiền giấy và tiền kim loại chỉ chiếm 2% trong nền kinh tế Thụy Điển, so với 7,7% ở Mỹ và 10% trong khu vực đồng euro. Năm 2015, chỉ khoảng 20% số vụ thanh toán ở Thụy Điển sử dụng tiền mặt, so với trung bình 75% tại phần còn lại của thế giới - theo số liệu từ Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International đặt trụ sở tại thủ đô London nước Anh.

Tiền mặt không còn được sử dụng hay những khoản tiền gửi bằng tiền mặt cũng không được chấp nhận tại hơn một nửa số chi nhánh các ngân hàng lớn nhất ở Thụy Điển - bao gồm SEB, Swedbank, Nordea Bank v.v…

Người ta lập luận rằng những vụ cướp ngân hàng giảm mạnh khi tiền mặt không còn lưu thông. Năm 2014, những vụ cướp ngân hàng ở Thụy Điển lấy đi 3,6 tỉ krona, so với 8,7 tỉ krona năm 2010 - theo số liệu Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đặt trụ sở tại thành phố Basel, Thụy Sĩ. Hàng trăm chiếc máy ATM cũng được dỡ bỏ, nhất là tại những vùng nông thôn.

Bjorn Eriksson - lãnh đạo Hiệp hội Các công ty An ninh Tư nhân Thụy Điển (ASPSC), nhóm vận động hành lang cho các công ty cung cấp an ninh trong giao dịch tiền mặt - cho rằng, hệ thống ngân hàng và công ty phát hành thẻ tín dụng đang muốn hướng tới thanh toán điện tử cũng như thẻ để quản lý thuế một cách hiệu quả hơn. Bởi vì giao dịch điện tử tránh được những nguy cơ truyền thống -thường thấy tại nhiều quốc gia như Hy Lạp và Italia, những nơi còn sử dụng chủ yếu là tiền mặt, trốn thuế còn là vấn đề đau đầu cho chính quyền.

Nhưng không phải ai cũng phấn khởi trước tương lai không sử dụng tiền mặt. Các chuyên gia an ninh cảnh báo: việc thanh toán điện tử trong tương lai của Thụy Điển sẽ không tránh khỏi mối đe dọa quyền riêng tư bị xâm phạm cũng như nguy cơ tiềm ẩn đang tăng từ tội phạm Internet.

Năm 2014, con số những vụ lừa đảo điện tử tăng đến 140.000 - tức gấp đôi số vụ cách đây 1 thập niên, theo Bộ Tư pháp Thụy Điển. Một bộ phận giới trẻ sử dụng ứng dụng di động để thanh toán mọi thứ hay ghi nợ qua smartphone có nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần không trả nổi! Hannah Ek cũng thừa nhận mặt trái của vấn đề là người ta sẽ tiêu xài thoải mái mà không hề suy tính: "Tôi sẽ tiêu xài nhiều hơn. Nhưng nếu cầm trong tay tờ tiền giấy 500 krona (tương đương 58USD), tôi sẽ phải suy nghĩ 2 lần trước khi sử dụng hết".

Bjorn Eriksson, cựu Giám đốc cảnh sát quốc gia Thụy Điển và cựu Chủ tịch Cơ quan Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol, nhận định: "Có lẽ đây là sự thức thời. Song có rất nhiều nguy cơ xảy đến khi mà xã hội bắt đầu tiến tới hình thức thanh toán hoàn toàn bằng điện tử".

Dù rằng vẫn còn một số người nhìn nhận mặt hạn chế của hình thức thanh toán điện tử, nhưng Riksbank - Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đang lên kế hoạch để trở thành ngân hàng đầu tiên trên thế giới phát hành tiền điện tử trong vòng 2 năm tới. Bởi từ lâu người dân Thụy Điển đã không còn thói quen sử dụng tiền mặt. Theo thống kê, tại Thụy Điển hiện chỉ có 1,5% GDP là được giao dịch bằng tiền mặt. Tại đây rất hiếm mới có thể tìm thấy một chiếc máy ATM, trong khi đó nhiều cửa hàng đã ngừng giao dịch tiền mặt hoàn toàn. xã hội không tiền mặt.

Đây là thời điểm ngành ngân hàng với lịch sử 300 năm của Thụy Điển cần thay đổi, đó chính là kế hoạch phát hành tiền điện tử e-krona.

"Đồng e-krona có thể là một chiếc thẻ, hoặc một ứng dụng các bạn sử dụng trên điện thoại, các ý tưởng vẫn đang rất linh hoạt", bà Cecilia Skingsley, Phó thống đốc Riksbank, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển cho biết.

Bà Skingsley cho biết thêm, việc phát hành tiền điện tử sẽ giúp người dân có thể thoải mái giao dịch mà không cần mở tài khoản ngân hàng hay dùng thẻ tín dụng như hiện nay.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại trong việc phát hành tiền điện tử e-krona. Cụ thể, ngoài lí do việc tiền ảo Bitcoin chưa được chấp nhận rộng rãi, giới chuyên gia cho rằng tiền điện tử có thể bị lợi dụng trong hoạt động rửa tiền, buôn lậu và khủng bố.

Riksbank hi vọng có thể giải quyết được các vấn đề trên, để chính thức tung ra tiền điện tử vào năm 2018.

Khánh Tâm tổng hợp

 

 


Phần mềm giao nhận logistic