Ai nói Mỹ dạy con không roi vọt?

“Thương cho roi cho vọt” đã lỗi thời hay vẫn còn giữ nguyên giá trị tại Việt Nam? Riêng tại Mỹ, theo thăm dò năm 2013 của hãng nghiên cứu thị trường Harris Interactive, 80% cho rằng cần roi vọt để dạy dỗ con cái.

50 bang "đánh con là hợp pháp"

Cuối năm 2014, nước Mỹ gặp một trường hợp đình đám đó là cầu thủ bóng đá Mỹ Adrian Anderson bị ra tòa vì đánh con. Trong trường hợp này, Anderson dùng roi đánh con nhưng để lại vết hằn và bầm ở chân, mông đứa con. Adrian Anderson bị khép tội bạo hành. Hầu hết người Mỹ đều đồng ý rằng Anderson vượt qua lằn ranh dạy dỗ thông thường và đã sang “lãnh địa” bạo hành.

Ngay sau trường hợp Adrian Anderson khép lại, tờ báo uy tín Time viết rằng “Adrian Anderson bị bắt tội bạo hành con vì đánh con quá mạnh chứ không phải vì đánh con” và đưa thông tin đánh con được xem là hợp pháp ở tất cả 50 bang của nước Mỹ, dù rằng luật có thay đổi đôi chút từ bang này qua bang khác.

Ví dụ, ở Delaware, phụ huynh không được đánh con bằng bàn tay nắm lại. Tại Oklahoma, cha mẹ được đánh con bằng roi với “lực bình thường”. Bang Arizona và Alabama cho phép đánh con với “lực vừa phải và hợp lý”. Còn Louisiana cho “các hình thức kỷ luật hợp lý” không làm ảnh hưởng sức khỏe đứa trẻ.

Liên hiệp quốc cũng ý kiến khác nhau 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tuyệt đối không được đánh con nít. Deb Sandek, Giám đốc Trung tâm kỷ luật hiệu quả tại Mỹ, đưa ra các bằng chứng và khẳng định bất kỳ hình thức roi vọt nào đều để lại chấn động tâm lý ở đứa trẻ và phải bị cấm hoàn toàn.

Quỹ Trẻ em Liên hiệp quốc (UNICEF) khẳng định mọi hành vi roi vọt đều bị coi là bạo hành. UNICEF lý luận rằng một số trẻ sợ đòn roi nên hình thức phạt này sẽ làm chúng sợ, nhưng điều duy nhất mà hình thức roi vọt mang lại cho trẻ em đó là chúng nghĩ rằng bạo lực là một cách để giải quyết vấn đề.

UNICEF cho biết phạt bằng roi sẽ khiến một số trẻ quen đòn hoặc nổi loạn, chống lại hình thức phạt nghiêm khắc này. Đặc biệt nhiều trẻ bị tổn thương nặng nề về thân thể lẫn tâm lý khi bị ăn đòn. Cuối cùng, UNICEF kết lại rằng những người lớn nghĩ gì nếu họ cũng bị đòn nếu làm sai và hãy đặt mình vào vị thế đứa trẻ.

Trong khi đó, Johanna Eriksson Takyo, giám đốc ban Bảo vệ trẻ em của UNICEF, lại cho rằng roi vọt có thể chấp nhận được. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài phát thanh Úc, bà Takyo từng nói: “Phụ huynh ở khu vực châu Đại Dương cũng như mọi nơi khác trên thế giới đều muốn điều tốt đẹp cho con cái. Họ muốn con cái nhận biết cái nào đúng, cái nào sai và không phải lúc nào roi vọt cũng bị coi là bạo hành nếu như roi vọt hướng tới mục đích kỷ luật con cái, giúp chúng phát triển”.

Tuy nhiên bà Takyo cũng không quên nói thêm: “Chúng ta vẫn còn phải tranh luận nhiều về những ảnh hưởng tâm lý với trẻ nhỏ khi bị đánh đòn hoặc chửi bới”.

Rất nhiều ý kiến ở các trang giáo dục khẳng định hoàn toàn có thể kỷ luật con cái mà không cần dùng roi vọt. UNICEF đưa ra các hình thức thay thế roi vọt để kỷ luật trẻ con như phạt con không được chơi đồ chơi hoặc úp mặt vô tường để suy nghĩ về hành động sai.

Quan trọng nhất, UNICEF khuyên nếu như cha mẹ cảm thấy bất lực trong việc kỷ luật con mình hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý, giáo dục và tuyệt đối không được trút giận vào các trận đòn roi.

Không đòn roi khó khép trẻ vô kỷ luật 

Nghiên cứu của Giáo sư Murray Strauss tại Phòng nghiên cứu gia đình tại Mỹ cho biết nhiều phụ huynh thú nhận không muốn đánh con nhưng không tìm ra được giải pháp kỷ luật khác.

Giáo sư Strauss đưa ra vài phương pháp thay thế trong đó phụ huynh phải rất bình tĩnh vì trong nhiều trường hợp thái độ của đứa trẻ mang tính thách thức và cha mẹ phải nhẹ nhàng nhưng rất nghiêm khắc đồng thời hãy giải thích hậu quả những sai trái của hành động cho đứa trẻ.

Ngược lại, thẩm phán David Batema tại Uganda cho rằng việc không roi vọt con cái là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô kỷ luật và hỗn loạn trong xã hội hiện tại. Ông Batema cho rằng nhiều người lầm lẫn về quyền trẻ em và dùng nó để hạn chế khả năng dạy con của các bậc phụ huynh.

Thẩm phán Batema nói: “Trong nhiều trường hợp tại tòa, nhiều phụ huynh không thể dạy hoặc kỷ luật con vì sợ phạm luật. Họ sợ sẽ bị bắt nếu đánh con”. Ông Batema cũng đính chính rằng các luật hiện thời chỉ ngụ ý cấm bạo hành hoặc tra tấn trẻ em. Thẩm phán Batema cho biết đã khuyên phụ huynh dùng roi thay vì gậy để phạt con và tuyệt đối không được hành hạ trẻ nhỏ.

Nhiều nước cấm đánh trẻ em 

Hiện nay trên thế giới, có tổng cộng 44 quốc gia cấm hoàn toàn dạy con bằng roi vọt tại nhà; 50 nước cấm đánh con nít tại các trường giữ trẻ và 122 nước cấm đánh học sinh. Số liệu của UNICEF lấy từ 62 quốc gia cho biết khoảng 1 tỉ trẻ em trong tuổi 2 đến 14 ít nhất bị roi vọt một tháng một lần. UNICEF cũng cho biết có khoảng 91% trẻ em toàn cầu thiếu các đạo luật bảo vệ khỏi đòn roi.

 Thảo Nguyên; 23/11/2016 12:35 GMT+7; Nguồn: Tuoitre Online

 

 

 

 

 


Phần mềm giao nhận logistic