Đề xuất thí điểm sinh hoạt Đảng trực tuyến

Phát biểu ý kiến tại hội thảo chuyên đề về xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước do Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức tại TPHCM ngày 6-12 với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy 9 tỉnh - thành khu vực phía Nam, Bí thư Đảng ủy các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM Phạm Huy Thông đề xuất cần nghiên cứu thực hiện thí điểm hình thức sinh hoạt Đảng trực tuyến vì hiện nay tình trạng đảng viên bỏ, vắng sinh hoạt đảng diễn ra khá nhiều, nhất là tại các doanh nghiệp có chi nhánh trải rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Công nhân, đảng viên trên các công trình trải dài khắp cả nước rất khó duy trì được nề nếp sinh hoạt (Ảnh: Công nhân ngành điện sửa chữa hệ thống điện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Là hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trung tâm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các loại hình doanh nghiệp phát triển rất nhanh và đa dạng. TPHCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu có 108 khu công nghiệp đang hoạt động với 2,4 triệu lao động làm việc trong hơn 59.000 doanh nghiệp. Trong số đó có trên 58.400 doanh nghiệp ngoài nhà nước xây dựng được 276 tổ chức cơ sở đảng gồm 5.500 đảng viên (trong đó có 4.377 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự hội thảo, qua 6 năm thực hiện Kết luận 80-KL/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X (tiếp tục thực hiện Chỉ thị 07-CT/TƯ của Bộ Chính trị khoá VIII về tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam nổi lên nhiều vấn đề cần quan tâm, tháo gỡ. Trong đó đáng chú ý là việc xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể chính trị xã hội và phát triển đảng viên mới trong doanh nghiệp ngoài nhà nước phần lớn chưa tạo được nhận thức tự giác và hợp tác, ủng hộ từ phía chủ doanh nghiệp. Một số chủ doanh nghiệp né tránh, chưa ủng hộ việc thành lập cũng như tạo điều kiện cho các tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động do sợ ảnh hưởng đến công việc, thời gian của người lao động, lo ngại các tổ chức sẽ can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới rất hạn chế; một số chi bộ nhiều năm liền chưa kết nạp được đảng viên. Nội dung, chất lượng sinh hoạt chi bộ còn hình thức, tẻ nhạt... Tính đến nay, số tổ chức đảng chỉ chiếm 0,47% trên tổng số doanh nghiệp, đảng viên trong doanh nghiệp chỉ chiếm 0,2% trên tổng số lao động.

Đáng quan tâm là quần chúng vẫn còn thờ ơ, không thiết tha tham gia vào các đoàn thể, không có động cơ phấn đấu vào Đảng do chưa thấy được vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Hầu hết người lao động chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, lo ngại vào Đảng và tham gia các tổ chức sẽ bị ràng buộc, bị giảm thu nhập.

Để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, các đại biểu đề xuất cần kiến nghị Ban Bí thư chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, ràng buộc chủ doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp và hỗ trợ hoạt động, nhất là về thời gian, kinh phí. Nghiên cứu, quy định bắt buộc các khu công nghiệp phải bố trí địa điểm, trang bị cơ sở vật chất cho các tổ chức này hoạt động và xem đây như các thiết chế văn hoá. Quy định rõ hơn về việc doanh nghiệp tạo điều kiên về kinh phí, thời gian để công nhân, người lao động học tập, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước. Có chế độ phụ cấp phù hợp với cán bộ kiêm nhiệm công tác đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp, biên soạn tinh gọn các tài liệu tuyên truyền về tổ chức đảng, đoàn thể bằng nhiều thứ tiếng để vận động, thuyết phục doanh nghiệp nước ngoài...

Hồng Hiệp; Thứ tư, 07/12/2016, 08:35 (GMT+7); Nguồn: SGGP Online

 


Phần mềm giao nhận logistic