Văn hóa giao thông, trách nhiệm thuộc về ai?
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Chương Linh
Ngày 28-12, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) tổ chức Hội thảo quốc gia “Văn hóa giao thông - Trách nhiệm thuộc về ai?”. Tham dự hội thảo, có các đồng chí: Phan Huy Hiền, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Trưởng Ban Thường trực Ủy ban ATGTQG; Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG cùng đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng văn hóa và an toàn giao thông, trách nhiệm trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan, về môi trường giao thông, công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Phan Huy Hiền, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã nêu bật vai trò văn hóa trong xây dựng môi trường giao thông trật tự, an toàn và văn minh, đáp ứng sự phát triển của một xã hội hiện đại. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Không thể tách rời văn hóa giao thông ra khỏi văn hóa nói chung vì đó là nền tảng để tạo ra môi trường giao thông. Môi trường ấy có an toàn, văn minh, nhân ái hay không, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố văn hóa. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa giao thông ở nước ta đã trở thành định hướng và mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như một giải pháp quan trọng để hạn chế thực trạng tai nạn giao thông hiện nay. Việc xây dựng văn hóa giao thông không chỉ phụ thuộc vào sự nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông mà còn phải đồng bộ với các quy định pháp luật, môi trường giao thông, trách nhiệm của người thực thi công vụ và việc giáo dục, phổ biến kỹ năng tham gia giao thông cho cộng đồng. Mục tiêu của cuộc hội thảo là nêu bật được trách nhiệm của các ngành liên quan và toàn xã hội trong việc xây dựng văn hóa trong quản lý và tham gia hoạt động giao thông, để từ đó tham mưu cho Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban ATGTQG và các cơ quan hữu quan tìm ra những giải pháp đồng bộ, hiệu quả mang tính khả thi cao trong việc xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, bền vững. Đề cập văn hóa giao thông phải nhìn nhận trên cả hai mặt bảo đảm về vật chất kỹ thuật, bao gồm việc xây dựng các kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, hệ thống trang thiết bị điều hành giao thông và về các văn bản quản lý đi kèm, cách thức thực thi pháp luật về giao thông, hành vi ứng xử của người thực thi công vụ, hành vi tham gia giao thông, trách nhiệm và tâm lý tham gia giao thông cũng như các vấn đề khác liên quan văn hóa giao thông. Trên cơ sở này, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề cập trách nhiệm trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT; về môi trường giao thông và công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật TTATGT.
Vai trò quan trọng của quản lý Nhà nước
Để xây dựng và từng bước hình thành văn hóa giao thông, phải có yếu tố nền tảng là hệ thống luật, các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT. Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, chuyên gia Bộ Tư pháp, nguyên Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận định: Hệ thống thể chế, pháp luật của Nhà nước ta về TTATGT hiện tại đã khá hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của việc duy trì TTATGT, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, nhưng vẫn còn một vài điểm khiếm khuyết, thể hiện qua một số quy định gây nên những bức xúc trong dư luận thời gian qua như: Quy định trong Luật Giao thông đường bộ về mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn vàng ngang mức xử phạt với hành vi vượt đèn đỏ; hay quy định của Bộ Công an về việc trang bị bình chữa cháy trên phương tiện giao thông cơ giới từ bốn chỗ ngồi trở lên… Lý giải điều này, đồng chí Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng: Những thiếu sót về luật hiện hành là khó tránh khỏi, bởi Việt Nam có tốc độ đô thị hóa quá nhanh trong khi một bộ phận nhân dân vẫn giữ thói quen tham gia giao thông một cách tùy tiện như trước. Cũng vì vậy mà văn hóa giao thông ở nước ta đã bị nhìn nhận một cách quá tiêu cực, đòi hỏi hệ thống thể chế cần tiếp tục được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hệ thống hạ tầng giao thông cũng là vấn đề lớn. Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam Nguyễn Văn Quyền thẳng thắn chỉ ra: Do nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, hệ thống hạ tầng các công trình giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ của chúng ta chưa phát triển kịp để đáp ứng yêu cầu xã hội. Có thể thấy điều này qua thực trạng như đường quốc lộ chủ yếu phục vụ giao thông đối ngoại, nhưng khi đi qua khu dân cư phải kiêm thêm cả chức năng giao thông đối nội và phục vụ hoạt động dân sinh; hệ thống trạm dừng nghỉ trên đường tuy đã quy hoạch song chưa xây dựng đủ, dẫn đến nhiều phương tiện dừng, đỗ tùy tiện… Luật sư, doanh nhân Phạm Quang Vinh cũng cho rằng: Hệ thống hạ tầng giao thông ở nước ta còn nhiều bất cập, đặc biệt là hệ thống chỉ dẫn như biển báo, cọc tiêu… Ngay như ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vẫn ít và khó thấy biển chỉ dẫn từ trung tâm thành phố ra tới các sân bay. Bên cạnh đó, việc phân làn trên các đường cao tốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm…
Để có hệ thống hạ tầng hoàn thiện, việc quy hoạch và quản lý đô thị để tạo không gian văn hóa giao thông được đánh giá là góp phần quan trọng vào việc hình thành thói quen văn minh cho người tham gia giao thông. Theo TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn, công tác này cần dựa trên các nguyên tắc cơ bản là: Tách biệt giao thông xe và giao thông bộ; khuyến khích phát triển đô thị dành cho người đi bộ; tổ chức quy hoạch đô thị phát triển song hành cùng quy hoạch giao thông, đặc biệt tại các khu vực hạ tầng giao thông huyết mạch. Cùng với đó, phải quản lý tốt việc cấp phép kinh doanh và sử dụng đất tương ứng quy chuẩn, quy hoạch giao thông để giảm các điểm ách tắc; quản lý giao thông bằng giải pháp thông minh, đa chiều; phối hợp đa ngành để bảo đảm hạ tầng giao thông tiện lợi, an toàn.
Trách nhiệm của người tham gia giao thông
Xây dựng văn hóa giao thông nói một cách đơn giản là tham gia hoạt động giao thông một cách có văn hóa cả trong hành vi cũng như ứng xử, bảo đảm tuân thủ luật pháp cùng các quy định liên quan. Làm được điều này phần lớn phải dựa vào ý thức của những người tham gia giao thông. Tuy nhiên, ở nước ta, văn hóa giao thông nhiều khi chưa được coi trọng. TS Nguyễn Xuân Thủy, Nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giao thông vận tải đã nêu các dẫn chứng: Trong tình huống xảy ra ùn tắc giao thông, người tham gia giao thông sẽ xuất hiện tâm lý tự nhiên mong muốn “thoát” khỏi điểm ùn tắc để “về đích” càng nhanh càng tốt. Một bộ phận người tham gia giao thông chấp nhận thực trạng hiện hữu, có ý thức nhường nhịn, kiên nhẫn chờ đợi, tuân thủ sự điều hành của cảnh sát giao thông, trong khi một bộ phận khác lại tìm mọi cách phải vượt qua cho được điểm ùn tắc, bất chấp luật lệ, thậm chí coi thường cả tính mạng của mình và của người chung quanh. Điều đáng buồn, tỷ lệ người thuộc nhóm thứ hai chiếm khá cao, chứng tỏ thực trạng coi thường luật pháp, thói quen đi lại không phù hợp với nếp sống văn hóa đang tồn tại khá nặng nề ở nước ta. Theo đánh giá của cảnh sát giao thông, nguyên nhân đưa đến tai nạn và ùn tắc giao thông rất đa dạng và phức tạp; trong đó có sự tác động tiêu cực của những hành vi thiếu văn hóa của người tham gia giao thông, không tự giác thực hiện những quy định của luật lệ giao thông như: Đi không đúng phần đường, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều, đi xe lên vỉa hè, chở người quá quy định, uống rượu bia, sử dụng ma túy khi lái xe, chen lấn, lạng lách, đi xe máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng lái, đi bộ qua đường tùy tiện, đua xe bất hợp pháp, không đội mũ bảo hiểm, gây gổ khi va chạm trên đường, chống lại người thi hành công vụ, chất lượng phục vụ giao thông công cộng (GTCC) yếu kém như: Chạy ẩu, bỏ chuyến, chở quá tải, thiếu nhã nhặn với hành khách…
Trong bối cảnh đó, vai trò hướng dẫn, điều phối, xử lý của lực lượng chức năng là vô cùng quan trọng. Không thể phủ nhận thời gian qua, nỗ lực của lực lượng chức năng duy trì TTATGT đã khiến tình trạng tai nạn, ùn tắc giao thông giảm hẳn, số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông giảm từ 13 nghìn người năm 2011 xuống còn 8.600 người năm 2016; song vẫn bộc lộ không ít bất cập. Theo TS Lê Hồng Sơn, đang có sự bất lực của nhân viên công quyền trước các hành vi vi phạm pháp luật giao thông mọi lúc, mọi nơi, đủ các mức độ khác nhau, không thể xử lý cho kịp. Mặt khác, hiện tượng tiêu cực đang là một thực tế hằng ngày không hiếm gặp. Có vi phạm là có nài nỉ, có can thiệp, có việc sẵn sàng đưa tiền theo kiểu “cưa đôi”, nhờ cầm để nộp phạt hộ. Cần phải thấy rằng, chính hành vi tuân thủ các quy định pháp luật và sự nghiêm túc thi hành công vụ của các lực lượng công vụ là nhân tố rất quan trọng thúc đẩy việc hình thành, hoàn thiện văn hóa giao thông ở nước ta. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng là cần duy trì sự nghiêm minh, liêm chính ngay trong lực lượng chấp pháp. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến của Báo Hà Nội mới cũng nhấn mạnh: Để thay đổi ý thức của người dân, cần có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông. Những vi phạm cần phải được xử lý nghiêm, đủ sức răn đe. Trong tình hình hiện nay, đây là biện pháp giáo dục tốt nhất.
Cần sự vào cuộc của cả xã hội
Từ việc phân tích thực trạng, chỉ ra nguyên nhân của những bất cập trong thực hiện TTATGT ở nước ta hiện nay, các đại biểu nhất trí cho rằng, xây dựng văn hóa giao thông là trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người, thuộc về xã hội nói chung. TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển kiến trúc Hà Nội nhận định: Văn hóa giao thông là vấn đề đa ngành, đa cấp, có sự tham gia của nhiều đối tượng. Do đó, phải căn cứ trên những mặt bất cập để đưa ra các giải pháp đồng bộ. Để giải quyết những bất cập trong văn hóa giao thông về thể chế, cơ chế chính sách; cơ sở hạ tầng; cấu trúc và cơ cấu phương tiện giao thông; năng lực quản lý; ý thức, vai trò của cộng đồng, cần có sự vào cuộc của cả xã hội với lộ trình phù hợp, không thể vội vàng và nhất thiết phải tiếp cận từ góc độ đa ngành. Trên cơ sở đó, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG đã nêu ra các tiêu chí về văn hóa giao thông, trong đó tập trung điều chỉnh hành vi của năm đối tượng có ảnh hưởng chính đến công tác bảo đảm TTATGT, bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông; lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, người tham gia giao thông, chủ phương tiện tham gia giao thông, cư dân sinh sống ven đường giao thông.
Xây dựng văn hóa giao thông là xây dựng thói quen tham gia giao thông một cách có văn hóa. Muốn hình thành thói quen này, vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục là vô cùng quan trọng. Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV giao thông quốc gia khẳng định: Trong tuyên truyền về văn hóa giao thông, đã đến lúc không thể chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu với những tính từ cảm thán. Thay vào đó, cần đề cập một cách cụ thể về “khả năng trả giá” của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông với những thói quen phản văn hóa. Ủy ban ATGTQG cần phối hợp các ngành văn hóa thông tin, các đơn vị báo chí, truyền thông xây dựng một bộ quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông với những tiêu chí cụ thể về hành vi. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Thắng, đại diện Diễn đàn Otofun nhấn mạnh: Việc tuyên truyền về văn hóa giao thông càng cụ thể bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Bên cạnh đó, nhất thiết phải có chế tài đủ mạnh để xử lý những vi phạm. Tuy nhiên, chế tài cũng cần bảo đảm yếu tố nhân văn để nâng cao hiệu quả giáo dục, thay đổi nhận thức của người tham gia. Chẳng hạn, với những lỗi nhỏ do sơ suất, vô tình mắc phải chỉ nên nhắc nhở, hướng dẫn người tham gia giao thông cần chú ý.
Theo thống kê của Ủy ban ATGTQG, dù số vụ tai nạn giao thông, số người thiệt mạng, số người bị thương qua các năm gần đây đều giảm, nhưng số nạn nhân và người gây tai nạn trong độ tuổi thanh, thiếu niên lại gia tăng. Chính vì thế, công tác giáo dục về văn hóa giao thông, đặc biệt là cho đối tượng thanh, thiếu niên cần được coi trọng. Ths Nguyễn Thị Việt Hà - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Những năm qua, công tác giáo dục ATGT đã đạt nhiều kết quả tích cực, song cũng còn một số bất cập như: một số trường chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp xử lý triệt để đối với hành vi vi phạm ATGT của học sinh, việc phối hợp giáo dục với phụ huynh chưa hiệu quả… Nguyên nhân là do hạn hẹp về quỹ thời gian giảng dạy, giáo viên chưa được đào tạo chính thống, gia đình học sinh cũng chưa làm gương và không quản lý con em trong tham gia giao thông… Vì thế, thời gian tới, cần tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục ATGT vào các môn học và các hoạt động ngoại khóa, cung cấp thêm tài liệu; xây dựng cơ chế phối hợp các lực lượng giáo dục quản lý, giám sát việc thực hiện TTATGT của học sinh…
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết: Bộ sẽ tiếp tục cập nhật, rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống quy phạm pháp luật phù hợp thực tế. Vấn đề chiến lược và quy hoạch của ngành giao thông vận tải thời gian tới cũng sẽ được hoàn thiện. Để xây dựng văn hóa giao thông, cần nâng cao vai trò giám sát của người dân trong việc phát hiện tiêu cực, vi phạm… Trước mắt, bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cọc tiêu, biển báo; tăng cường chỉ đạo xử lý các “điểm đen”, “điểm nóng” về ATGT; từng bước nâng cao năng lực quản lý nhà nước…
Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG Khuất Việt Hùng cho biết: Hội thảo là sự kiện khởi động cho Năm ATGTQG 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông cho thanh, thiếu niên”. Từ hội thảo, cần khẳng định xây dựng văn hóa giao thông là trách nhiệm của tất cả các bên, các cơ quan quản lý, chấp pháp, người tham gia giao thông. Nếu mỗi thành phần đều nhận thức và thực hiện đúng trách nhiệm của mình thì sẽ có văn hóa giao thông. Môi trường hiệu quả để các đối tượng có thể tương tác chính là thông qua truyền thông, giáo dục. Hệ thống luật nhiều khi cồng kềnh, khô cứng, khó hiểu nên cần được truyền thông, giáo dục một cách cụ thể, chi tiết bằng nhiều hình thức khác nhau. Các ý kiến từ hội thảo sẽ được tiếp thu, tổng kết, đưa vào kết quả công tác bảo đảm hiệu quả ATGT năm 2016 và phương hướng năm 2017 của Ủy ban ATGTQG để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, trong đó có nội dung xây dựng văn hóa giao thông.
Ban Văn hóa – Văn nghệ; Thứ Năm, 29/12/2016, 04:39:01; Nguồn: Nhân dân Online
- Ra mắt nền tảng số giúp phát hiện sớm rủi ro an toàn thông tin
- Hội thảo Việt Nam: 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy Khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA): Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024