Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu

TCCSĐT - Ngày 22-01-2015, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị giới thiệu Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu (VPCC), bao gồm các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về các lĩnh vực đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Hội nghị cũng công bố Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (SREX) Việt Nam. Đây là những phân tích khoa học có sự hợp tác lớn đầu tiên về biến đổi khí hậu của các nhà nghiên cứu Việt Nam.

Chủ trì hội nghị gồm các ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông R. K. Pa-cha-u-ri (R.K. Pachauri), Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc và bà P. Mê-ta (Pratibha Mehta), Điều phối viên thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở thành nguy cơ đối với sự phát triển bền vững đất nước, để có thể trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam được thành lập nhằm tư vấn cho Chính phủ và Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu về chính sách và khoa học nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và hỗ trợ tăng trưởng xanh.

Báo cáo SREX Việt Nam được xây dựng dựa theo khung của Báo cáo đặc biệt về quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Năm 2012, Chủ tịch IPCC, R.K. Pa-cha-u-ri (người nhận giải Nô-ben hòa bình năm 2007), đã đến Việt Nam và giới thiệu báo cáo SREX của IPCC. Trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai này, ông đã trình bày những kết quả chính của Báo cáo đánh giá lần thứ năm của IPCC và ý nghĩa của nó đối với Việt Nam. Theo ông, tất cả các quốc gia phải ứng phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng tăng, cũng như giảm phát thải khí nhà kính của mình để tránh những tình huống xấu nhất do biến đổi khí hậu gây ra.

Báo cáo SREX Việt Nam được biên soạn với sự tham gia của tập thể các tác giả từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia trong và ngoài nước về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng báo cáo về hiện tượng khí hậu cực đoan dựa trên cơ sở báo cáo khí hậu cực đoan toàn cầu của IPCC. Báo cáo phân tích và đánh giá các hiện tượng cực đoan, tác động của chúng đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của Việt Nam; diễn biến của các hiện tượng khí hậu cực đoan trong tương lai do biến đổi khí hậu; sự tương tác giữa các yếu tố khí hậu, môi trường và con người nhằm mục tiêu thúc đẩy các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan ở Việt Nam. Ngoài ra, một bản Tóm tắt cho các nhà hoạch định chính sách cũng được biên soạn để phục vụ các nhà quản lý, hoạch định chính sách, làm cơ sở định hướng cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các kế hoạch ứng phó hiệu quả để quản lý tốt các rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch của VPCC, đồng tác giả chính của Báo cáo SREX Việt Nam giải thích: “Biến đổi khí hậu dẫn đến thay đổi cực đoan khí hậu và tác động mạnh đến Việt Nam. Thích ứng với cực đoan khí hậu cần được đặt là trọng tâm của đất nước và cần được chú trọng đầu tư công”.

Từ các kết quả phân tích, các nhà khoa học đưa ra kết luận: Việt Nam có kinh nghiệm đáng kể trong việc ứng phó với các thiên tai và cũng áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai và hiện tượng cực đoan. Trung bình hằng năm, số người thương vong và thiệt hại về kinh tế do thiên tai và hiện tượng cực đoan ở Việt Nam so với các nước khác là khá cao, trong khi đó, những rủi ro đang ngày càng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, gần đây Việt Nam mới có các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dài hạn. Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu cần được phối hợp tốt hơn ở tất cả các cấp và phải được lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển và đầu tư của từng ngành và địa phương.

Báo cáo cho biết, mức độ phơi bày trước hiểm họa của người dân, cộng đồng, kết cấu hạ tầng, tài sản kinh tế công cộng và tư nhân trước các hiện tượng khí hậu cực đoan có thể được giảm ở các vùng ven biển, đồng bằng, miền núi, các thành phố; theo đó tính dễ bị tổn thương của con người và các hệ sinh thái trước hiện tượng khí hậu cực đoan cũng cần giảm. Báo cáo đánh giá một số biện pháp đã được thực hiện tại Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân tích các hiện tượng khí hậu cực đoan xảy ra trong các thập niên qua. Báo cáo còn đưa ra một loạt hành động để ứng phó với những rủi ro ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, như tăng cường phân tích rủi ro; cải thiện hệ thống cảnh báo sớm; tăng cường quy hoạch không gian đô thị; kết cấu hạ tầng, nhà ở và các công trình khác; hệ thống bảo vệ và trợ giúp xã hội, đặc biệt tập trung vào các đối tượng là người già và trẻ em.

Để giảm thiểu rủi ro do tác động của các hiện tượng cực đoan và biến đổi khí hậu, các chuyên gia quốc tế nêu một số khuyến nghị:

Thứ nhất, Việt Nam có chính sách khí hậu rất tiến bộ và giờ là lúc hành động. Việt Nam có lịch sử lâu dài trong việc đối phó với thiên tai, bão lũ; có cơ cấu và năng lực ở cấp trung ương, tỉnh và cơ sở; biến một vài nguyên tắc thành các hành động hiệu quả và thiết thực, nhất là phương châm “4 tại chỗ” cứu giúp con người và bảo vệ tài sản trước các tác động tồi tệ nhất của những hiện tượng thời tiết cực đoan. Với các chính sách toàn diện về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã xác định những ưu tiên tổng quan về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan đang biến đổi, cần đưa tầm nhìn dài hạn về thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chiến lược và kế hoạch ngành và địa phương. Đối phó với bão lũ chưa đủ, chúng ta còn phải giảm rủi ro từ các hiện tượng thời tiết cực đoan bằng việc giảm tính dễ bị tổn thương của các cộng đồng, kết cấu hạ tầng và hoạt động kinh tế. Phải cân nhắc rủi ro do hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra trong nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, phát triển đô thị, phát triển du lịch, các khu công nghiệp và những vấn đề khác.

Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ cụ thể, như công tác phối hợp trong việc lập kế hoạch dài hạn cho thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Rất cần có những quá trình tương tự ở các vùng miền khác.

Thứ hai, cần phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác và điều phối trong việc lập kế hoạch và triển khai kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long hiện đối mặt với nhiều thách thức từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và từ các hoạt động phát triển khác. Bất cứ biện pháp nào, như xây đập để bảo vệ thị trấn, đồng ruộng, đều sẽ ảnh hưởng đến các vùng, ngành khác. Điều này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, sự tham gia của nhiều ngành, cũng như việc các nhà khoa học và công dân phải được tham vấn và sự phối hợp của cộng đồng quốc tế. Đó là những thách thức lớn về quản trị cần được đánh giá, tăng cường và triển khai.

Thứ ba, ưu tiên hóa đầu tư, nhất là đầu tư mang lại lợi ích. Đầu tư vào tương lai gần nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho phụ nữ, người già và trẻ em là cách thức khả thi. Việt Nam có những chương trình tái định cư người dân ở những vùng chịu rủi ro nhất về lũ hay lở đất; đã có kế hoạch quốc gia về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Việc thực hiện thành công kế hoạch này đòi hỏi phải có các nguồn lực phù hợp.

Bà P. Mê-ta, Điều phối viên thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhận xét: “Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hiện tượng cực đoan. Phụ nữ, trẻ em, người già và người dân tộc thiểu số là nhóm dễ bị tổn thương nhất, vì vậy cần nhiều nỗ lực giúp tăng cường khả năng chống chịu của những cộng đồng này”.


Phần mềm giao nhận logistic