Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam

Đó là chủ đề của cuộc Hội thảo ngày 31/3/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội. 

Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận từ kém phát triển đã đạt mức của nước có thu nhập trung bình thấp, năm 2014 GDP đạt khoảng 2.030 USD/người. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm giai đoạn 2001-2010 và khoảng 5,7% giai đoạn 2011-2014.

Tuy nhiên, những năm gần đây tăng trưởng chậm lại, các nguồn lực cho tăng trưởng trước đây giảm đi. Nền kinh tế hầu như không dịch chuyển sang dựa vào công nghệ, vẫn ì ạch hoạt động với năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp (trong công nghiệp chỉ khoảng 20%).

Theo WB xếp hạng chỉ số kinh tế tri thức (KEI), Việt Nam năm 2012 xếp thứ 104/146 nước và vùng lãnh thổ (thuộc nhóm trung bình kém). So sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng trên bốn nước: Lào, Indonesia, Campuchia, Myanmar.

Tại hội thảo nhiều đại biểu và các nhà khoa học cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và hội nhập vào nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa là cơ hội để nước ta bứt phá tiến kịp các nước. Vì vậy việc phát triển kinh tế tri thức có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát triển kinh tế tri thức đòi hỏi Việt Nam phải giải quyết 2 nội dung cốt lõi là đổi mới sáng tạo và cải cách thể chế. Việt Nam phải có nguồn nhân lực năng động sáng tạo, có khả năng nắm bắt, vận dụng những tri thức mới của thời đại. Đẩy mạnh quá trình đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sáng tạo tri thức, phát triển vốn tri thức thành khâu trung tâm của việc quản trị doanh nghiệp.

Đồng thời, các tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp phải có sự gắn kết chặt chẽ, nhanh chóng biến tri thức thành của cải, thúc đẩy đổi mới doanh nghiệp. Bên cạnh đó, gắn kết khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo với sản xuất kinh doanh, nhanh chóng biến các ý tưởng, thành tựu thành sản phẩm chất lượng, giá thành cạnh tranh khi đưa ra thị trường.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho hay, Việt Nam cần phải nhận thức được vai trò của khoa học công nghệ, vai trò của nền kinh tế tri thức để tăng trưởng và phát triển. Doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình đổi mới công nghệ của quốc gia. Do đó, mối liên hệ giữa doanh nghiệp với những người làm công tác khoa học công nghệ cần được đặt lên vị trí quan trọng.

Theo Thời báo Ngân hàng


Phần mềm giao nhận logistic