Bất bình đẳng giới từ sách giáo khoa

Trong số hơn 8.000 nhân vật xuất hiện trong các cuốn sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 chỉ có 24% là nữ giới.

Việt Nam đang có nhiều nỗ lực trong việc giảm bất bình đẳng giới, từng bước nâng cao vị thế cũng như sự đóng góp của nữ giới trong xã hội. Nhưng ít ai để ý, bất bình đẳng giới nảy sinh và định hình ngay trong chính môi trường học đường, nơi các thế hệ tương lai của chúng ta đang được bồi dưỡng về nhận thức, về hành vi.

Một nghiên cứu mới đây của UNESCO đã chỉ ra rằng, ngay trong sách giáo khoa hiện hành cũng chứa đựng nhiều yếu tố dẫn đến định kiến giới, từ đó, khiến bất bình đẳng giới càng thêm sâu đậm.

Cụ thể, theo nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) cho thấy, trong số hơn 8000 nhân vật xuất hiện trong các cuốn sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, chỉ có 24% là nữ giới. Càng lên các cấp học cao, sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ càng lớn hơn. Ví dụ, ở tiểu học, số nhân vật nam chiếm 51%, lên đến THCS là 67% và THPT là tới 81%.

Các nhân vật nữ cũng thường làm những công việc về nông nghiệp, chăm sóc động vật, trồng cây cối, làm việc nhà, nấu ăn. Nam giới có các nghề nghiệp đa dạng hơn và cũng quan trọng hơn, nhiều ảnh hưởng hơn trong xã hội.

Quan niệm phổ biến về vị trí của đàn ông và phụ nữ trong gia đình và xã hội cũng khác biệt. Nam giới được mô tả như trụ cột của gia đình, hướng ngoại, có tiếng nói quyết định. Nữ giới được mô tả như là người hướng nội, phái yếu, phụ thuộc. Các chuyên gia cho rằng: Bình đẳng giới sẽ không thể trở thành hiện thực khi mà thế hệ sau vẫn được phân công lao động và phân hóa theo những khuôn mẫu mang định kiến về giới vốn đã trở nên lỗi thời.

Kim Hải; (Ban Thời sự VTV.vn)-Chủ nhật, ngày 12/02/2017 06:00 GMT+7

 

 

 

 


Phần mềm giao nhận logistic