Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển bền vững

Ngày 22/3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức hội thảo "Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển bền vững".

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BL

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ông Francis Gurry theo lời mời của Bộ trưởng Bộ KH&CN diễn ra từ ngày 21-23/3.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, theo công bố của WIPO năm 2016, Việt Nam được xếp thứ 59 trong tổng số 128 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo. Việt Nam được đánh giá là mạnh ở các chỉ số thuộc nhóm Đầu ra của đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã đạt được những bước phát triển đáng kể, đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật tương thích với các chuẩn mực của thế giới, một hệ thống các cơ quan xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như các cơ chế thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ. Sở hữu trí tuệ đã và đang được quan tâm như một công cụ để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Đặc biệt, xác định rõ vai trò quan trọng của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và hoạt động đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đã khẳng định Việt Nam cần phải “nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực".

Theo đó, Bộ KH&CN cùng với các Bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện các giải pháp cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc WIPO cho biết, sáng tạo là động lực quan trọng đóng góp lớn vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Sáng tạo có trong tất cả các góc độ của nền kinh tế, điều này khẳng định đóng góp của đổi mới sáng tạo rất quan trọng. Chỉ số sáng tạo toàn cầu nhằm mục đích đưa ra phương tiện đánh giá năng lực cũng như hiệu quả của đổi mới sáng tạo, thể hiện tầm quan trọng trong thời điểm hiện nay, khi sáng tạo là một trong những mục tiêu tăng trưởng phát triển thiên niên kỷ đến năm 2030.

Những năm gần đây, vai trò của Việt Nam trong tổ chức và hoạt động của WIPO ngày càng được nâng cao. Hiện nay, WIPO vẫn tiếp tục các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật dành cho Việt Nam theo hướng nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ, nâng cấp công cụ tra cứu, cơ sở dữ liệu khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức. Thời gian tới đây, WIPO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai một số dự án như: Xây dựng Chương trình quốc gia về sở hữu trí tuệ, kiểm toán về nguồn lực và quản lý của cơ quan sở hữu trí tuệ…

Trong khuôn khổ hội thảo, Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đã ký kết Biên bản ghi nhớ giữa WIPO và Bộ KH&CN về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Sau khi Bản ghi nhớ được ký kết, các chuyên gia quốc tế của WIPO sẽ sang Việt Nam để cùng phối hợp với nhóm chuyên gia trong nước khảo sát về thực trạng của sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, thảo luận và xây dựng các định hướng chiến lược về sở hữu trí tuệ, hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ.

Bích Liên -  16:14 22/03/2017; Nguồn: Báo Điện tử Đảng CSVN


Phần mềm giao nhận logistic