Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là niềm tự hào của Nam Định cũng như các địa phương đã cùng gìn giữ bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ và của cả VN.

 

​Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO
Tái hiện thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu - di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại - Ảnh: Nam Trần

Tối 2-4, tại quần thể di tích Phủ Dầy, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, UBND tỉnh Nam Định và Bộ VH-TT&DL tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO ghi danh thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bà Susan Vize, quyền trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại VN đã trao bằng công nhận của UNESCO cho đại diện VN. 

​Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: Nam Trần

Phát biểu tại buổi lễ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là niềm tự hào của Nam Định cũng như các địa phương đã cùng gìn giữ bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ và của cả VN.

Trước đó, ngày 1-12-2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước CHDC Liên bang Ethiopia, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại thứ 11 của VN.

Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi...

Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, và thành phố Hồ Chí Minh, trong đó Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.

​Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO
Đại diện UNESCO trao bằng chứng nhận cho Bộ trưởng bộ VHTT-DL Nguyễn Ngọc Thiện - Ảnh: Nam Trần
​Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO
Do không gian sân khấu khá chật nên nhiều người dân phải đứng bên ngoài dõi theo chương trình - Ảnh: Nam Trần
​Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO
Rất đông người dân có mặt dõi theo chương trình - Ảnh: Nam Trần
​Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO
Tái hiện thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu - di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại - Ảnh: Nam Trần
 

11 di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam gồm:

1. Nhã nhạc cung đình Huế

Tháng 11/2003, lần đầu tiên, một loại hình văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, đó là Nhã nhạc cung đình Huế. Đây là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam.

2. Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê đê, Ba Na, Mạ, Lặc… UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 11/2005.

3. Dân ca quan họ Bắc Ninh

Tháng 9/2009, Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO ghi danh dân ca quan họ Bắc Ninh hay dân ca quan họ Bắc Ninh. Đây là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam, được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa.

4. Ca trù

Hát ca trù là một bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Nam kết hợp hát cùng một số nhạc cụ dân tộc. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.

Ngày 1/10/2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

5. Hội Gióng

Hội Gióng là lễ hội truyền thống được tổ chức nhằm tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Năm 2010, hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

6. Hát xoan

Hát Xoan là một di sản văn của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa...Ngày 24/11/2011, Hát Xoan được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

 “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý, truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn ân đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Tháng 12.2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

8. Đàn ca tài tử Nam Bộ

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19. Đây là một loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động. 

Tháng 12/2013, tại phiên họp lần thứ 8 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Baku (Azecbaijan), Di sản Đàn ca tài tử Nam Bộ đã được ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

9. Dân ca ví-giặm Nghệ Tĩnh

Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ tháng 11/2014. Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian phổ biến trong đời sống của các cộng đồng xứ Nghệ, được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa...

10. Nghi lễ kéo co

Ngày 2/12/2015, nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là hồ sơ di sản đa quốc gia đầu tiên Việt Nam tham gia đệ trình và được chấp thuận.

11. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin. UNESCO chính thức công nhận đây là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 1/12/2016.

Bảo Khánh tổng hợp


Phần mềm giao nhận logistic