Kỳ tích học bổng tiến sĩ 9,3 tỷ đồng tại Mỹ của nữ sinh 9X Việt
(Dân trí) - Vượt qua hơn 5.500 ứng viên, nữ sinh xinh đẹp Nguyễn Thị Sao Ly (SN 1993) vừa phỏng vấn thành công học bổng tiến sĩ trị giá 9,3 tỷ đồng của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) - một trong những đại học đào tạo Y khoa tốt nhất thế giới.
Nguyễn Thị Sao Ly - nữ sinh viên gốc Việt vừa phỏng vấn thành công 8 đại học ở Mỹ, trong đó có học bổng tiến sĩ trị giá 9,3 tỷ đồng của ĐH Johns Hopkins
PV Dân trí vừa có cuộc trò chuyện với Nguyễn Thị Sao Ly - nữ sinh gốc Đà Nẵng, từng là học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) trước khi sang Mỹ.
PV: Chúc mừng Sao Ly đã giành được học bổng danh giá của Đại học Johns Hopkins và phỏng vấn thành công học bổng của nhiều trường đại học uy tín khác. Bạn có thể chia sẻ cảm xúc khi đạt được kỳ tích này?
Nguyễn Thị Sao Ly: Phần lớn các đại học lớn bên Mỹ chỉ cần phỏng vấn thành công là người ta sẽ tài trợ kinh phí hết cho mình những năm học tại đó. Nguồn kinh phí đổ về nghiên cứu ở Mỹ là khá lớn, nên học bổng của mình cũng rất bình thường thôi.
Nhưng tất nhiên, nhìn lại thì mình cũng đã cố gắng gần như hết sức rồi. Mình cố gắng trau dồi kinh nghiệm ở phòng nghiên cứu, hoàn thành những dự án được giao một cách tốt nhất. Đồng thời trên lớp mình cũng nỗ lực sao cho điểm số và điểm thi GRE không cản trở cho quá trình nộp đơn của mình.
Công sức bao năm của mình đã được đền đáp, nên khi nhận được điện thoại báo tin kết quả phỏng vấn của các đại học, mình rất vui. Mình đã chọn ĐH Johns Hopkins - một trong những trường đào tạo tốt nhất lĩnh vực y học mà mình đang theo đuổi.
Cơ duyên nào mà bạn chọn lĩnh vực y học? Sao Ly có thể kể về những thành tích mà bạn đạt được ở lĩnh vực Y học trong quá trình học tập?
Cũng thật khó giải thích tại sao mình thích y học nữa. Ba mình rất đam mê tìm tòi, đọc thêm và nghiên cứu về sức khoẻ và y tế. Mình lớn lên trong ngôi nhà có rất nhiều sách về y sinh học nên dần dần yêu thích lĩnh vực này khi nào không hay. Y học không những cứu giúp được rất nhiều người mà còn giúp mình hiểu thêm nhiều về chính cơ thể đang hoạt động rất phức tạp của mình nữa.
Mình thì không có thành tích gì nhiều đâu nên thật sự mình cũng ngại kể. Mình có tham dự và tham gia thuyết trình một vài hội thảo về y sinh tại California. Mình chỉ cố gắng trong điểm số và công việc thôi.
Để đạt được học bổng, bạn đã có sự chuẩn bị như thế nào? Bạn có thể chia sẻ bí quyết để đạt được kết quả tốt khi phỏng vấn xin học bổng, bên cạnh thành tích học tập đã được ghi nhận?
Trong suốt thời gian mình học tập, nghiên cứu ngành Sinh học và Y tiến hóa tại Đại học California, Los Angeles, mình đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, chỉ dạy của 2 giáo sư trong ngành, 1 người từ ĐH Johns Hopkins và 1 người từ ĐH Harvard. Hai giáo sư này đã rất sẵn lòng viết thư giới thiệu mình cho chương trình tiến sĩ.
Còn một giáo sư nữa, Ly rất thích cách làm việc, giảng dạy và kiến thức trên lớp của này, nên mình đã tìm cách tiếp cận và nhân cơ hội thảo luận với thầy về khoa học và nghiên cứu. Một thời gian sau, thầy cũng vui vẻ viết thư giới thiệu cho mình.
Còn phần điểm số thì Ly dành thời gian học và luyện thi cho điểm mình thật tốt. GRE mình dành ra khoảng 1-2 tháng để học. Và khoảng 2 tháng trước khi hạn nộp hồ sơ, mình bắt đầu tự viết bài luận. Viết bản nháp, rồi cho mọi người đọc để thêm lời khuyên, rồi chỉnh sửa, rồi lại gửi cho các anh chị đi trước và các thầy, cứ thế nó dần dần hoàn chỉnh.
Giờ nhìn lại, Ly nghĩ vòng phỏng vấn lại là vòng đỡ khó nhất. Phần lớn các giáo sư rất dễ thương, gần gũi và nhiệt tình. Người ta không có ý định bắt bẻ, hay đặt những câu hỏi hóc búa gì mình cả. Ly nghĩ mình chỉ cần cho người ta thấy là mình có kinh nghiệm rõ ràng và mình học hỏi được gì từ những kinh nghiệm đó. Hơn nữa, người ta cũng sẽ muốn thấy được mình quyết tâm và có đam mê đi theo ngành nhiều thử thách khó khăn này.
Sao Ly bắt đầu du học từ khi nào? Bạn có thể chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm mà du học sinh gặp phải khi vừa sang nước ngoài học tập?
Ly ra nước ngoài từ năm 15 tuổi. Lúc ấy, mặc dù là chuyên Anh, nhưng khả năng nghe nói của mình còn khá yếu, nên cách biệt ngôn ngữ rất rõ. Mình lại đi học trường không có người Việt, nên mặc cảm khác biệt ngôn ngữ và văn hoá rất lớn.
Rồi dần dần mình có thêm áp lực học tập nữa, vì mình nhận ra mình chỉ có 2 năm để chuẩn bị hồ sơ và xây dựng kinh nghiệm để nộp đơn đại học, trong khi người bản xứ người ta đã bắt đầu từ nhiều năm trước. Song mình nghĩ có lẽ cách tốt nhất để vượt qua mọi rào cản là tự tin, mạnh dạn kết bạn và làm quen với những người bản địa, học hỏi và dần dần thích nghi.
Mình nhận ra chỉ có mình là người nhận thức rõ những điểm yếu của bản thân mà đâm ra tự ti thôi, chứ bạn bè mọi người ở đây, mọi người ít quan tâm tới hình thức và rất thân thiện, nhiệt tình. Dần dần, Ly cũng cố gắng tự tin hơn và quen dần với nếp sống và phong thái làm việc, học tập ở đây.
Bạn có chia sẻ gì đến các bạn trẻ trong nước đang chuẩn bị du học?
Ly nghĩ các bạn nếu có cơ hội được du học, hãy nắm bắt. Việc đi học ở xa sẽ hình thành cho các bạn tính độc lập, tự chủ cuộc sống của mình và học hỏi thêm được rất nhiều, không chỉ kiến thức và xã hội mà còn về chính bản thân mình nữa. Các bạn hãy tìm hiểu và hỏi han để tìm cho mình những cơ hội. Mình luôn nghĩ các bạn trẻ và học sinh ở Việt Nam thật sự rất giỏi. Người Việt mình siêng năng và thông minh. Chỉ cần có cơ hội và điều kiện, mình tin nhân lực tương lai của Việt Nam sẽ rất hứa hẹn.
Ly nghĩ sự chuẩn bị kĩ càng nhất trước khi lên đường nên là chuẩn bị về tư tưởng. Mĩ có nền giáo dục bậc nhất, nhưng cũng là thiên đường của những cuộc vui, nên thực sự rất dễ bị xao lãng. Nếu bạn đã xác định đến Mỹ là để học tập, để theo đuổi sự nghiệp, thì bạn phải thật sự tập trung.
Tất nhiên, cũng nên sắm cho mình những trải nghiệm, nhưng không nên để nó thành xao nhãng. Vì thật sự ở đây, ai cũng thật sự rất chăm chỉ và chuyên tâm. Cuộc đua mà, mình ngừng để đi dạo, thì những người khác sẽ cán đích trước. Có cố gắng, sẽ có kết quả.
Xuất phát điểm của mỗi người có thể khác nhau, nhưng chỉ cần thái độ, tư tưởng tốt và đúng đắn thì sẽ có thể vươn lên và thành công. Ly rút được cho mình bài học này và luôn tin vào điều đó.
Sau khi học xong bạn có ý định trở về Việt Nam không?
Mình vẫn chưa có quyết định cụ thể cho tương lai xa, nhưng về Việt Nam chắc chắn sẽ là một trong những lựa chọn. Mình sẽ cố tìm hiểu xem ở Việt Nam có những cơ hội nào cho mình. Còn đã là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở đó, thì đó là nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Dù ở đâu, mình vẫn nuôi quyết tâm đóng góp một phần dù là nhỏ bé của việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong tương lai của Việt Nam. Mình rất tự hào và tin tưởng khả năng của người Việt mình, nhất là lớp trẻ hiện nay.
Trân trọng cảm ơn Sao Ly và chúc bạn thành công!
Khánh Hiền thực hiện; Ảnh: NVCC; Thứ Ba, 04/4/2017 - 15:08
- TPHCM chúc mừng GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhận "Giải Nobel Châu Á"
- Toàn cầu chỉ 5 phụ nữ đoạt giải toán học cao nhất trong 90 năm qua
- 3 nghiên cứu ứng dụng đoạt Giải thưởng Nhà Khoa học nữ xuất sắc 2023
- Nữ sinh 13 tuổi đỗ đại học, 19 tuổi học tiến sĩ
- 5 điều làm nên giải Nobel Y Sinh của bà Katalin Karikó sau 40 năm nhiều cay đắng
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024