Công nghiệp 4.0: Cơ hội không đợi... sức ỳ
Bức tranh toàn cảnh của công nghiệp Việt Nam không có nhiều điểm sáng khi 79% trong số 85% doanh nghiệp (DN) quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 vẫn “án binh bất động” trước làn sóng mới. Tính tức thì luôn mang lại giá trị cao nhất trong mọi cuộc cách mạng và với sức ỳ lớn như vậy, Việt Nam có để tuột mất cơ hội tạo nên sự khác biệt này.
Tại diễn đàn “Cuộc CMCN 4.0 – Được và mất” ngày 7/4, các chuyên gia, DN đã cùng ngồi lại để bàn về những cơ hội và thách thức đến từ cuộc cách mạng này. Để tận dụng cơ hội, không ai khác ngoài chính các DN phải là chủ thể nỗ lực thay đổi mình, đồng thời Chính phủ cần phải tạo điều kiện, khơi thông chính sách nhằm mang đến sự hỗ trợ song hành cho DN.
Vẫn còn thái độ thờ ơ
Nói về cuộc CMCN 4.0, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT – cho rằng trong cuộc cách mạng này, các rô bốt có thể có trí tuệ toàn cầu, lấy kiến thức của tất cả các rô bốt để ứng xử với con người, vượt xa năng lực con người. Do đó, rất khó ước định được quy mô, tầm cỡ của cuộc cách mạng này sẽ biến đổi đến mức độ nào.
Vì vậy, đánh giá về đối tượng có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc cách mạng này, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ảnh hưởng từ cuộc cách mạng này không ai khác chính là tầng lớp trí thức như bác sỹ, luật sư, kiểm toán viên hay những người làm trong ngành tài chính. Ông Doanh dẫn chứng, nhiều luật sư mới ra trường có thể thất nghiệp khi những công việc tìm kiếm dựa trên trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có khả năng trả lời nhanh các câu hỏi liên quan đến pháp luật.
Còn trong ngành dệt may, bà Nguyễn Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, đưa ra nhận định trùng với dự báo của nhiều chuyên gia, đó là đa số lao động ngành này trong tương lai có nguy cơ thất nghiệp do không thể cạnh tranh được với các rô bốt làm việc thay thế con người.
Với ngành ngân hàng, ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) – đánh giá rằng hầu hết các ngân hàng hiện nay đang kinh doanh theo cách truyền thống, nhưng trong cuộc CMCN 4.0, sự hiện diện vật lý không còn quá cần thiết, khách hàng có thể đến những nơi máy móc có thể giao dịch tự động, tự xét duyệt phương thức cho vay, cấp hạn mức tín dụng, trả lời khách hàng… Điều đó có nghĩa là máy móc sẽ dần thay thế con người.
Điều này cho thấy, tác động của cuộc CMCN 4.0 tới Việt Nam là rất lớn không chỉ với người lao động mà còn với cả DN. Song thực tế cho thấy, CMCN 4.0 đang là khái niệm chưa rõ ràng với nhiều DN Việt. Kết quả khảo sát 2.000 DN vừa và nhỏ thuộc Hiệp hội DNVVN Hà Nội cho thấy 85% DN quan tâm tới cuộc cách mạng này; 55% đánh giá cuộc CMCN 4.0 có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không mấy tác động; 10% đánh giá không tác động trong khi có 6% không biết.
Về chiến lược tận dụng các cơ hội từ CMCN 4.0, tới 79% DN trong số này trả lời chưa làm gì để đón sóng cuộc cách mạng; 55% DN cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu; 19% DN đã xây dựng kế hoạch và chỉ 12% DN đang triển khai.
Ngoài ra, với các DN không quan tâm đến cuộc CMCN 4.0, tới 67% DN cho biết không thấy liên quan và ảnh hưởng nhiều đến DN; 56% DN cho rằng lĩnh vực hoạt động của DN không bị tác động nhiều; 76% DN chưa hiểu rõ bản chất cuộc CMCN 4.0; trong khi đến 54% DN chưa có nhu cầu quan tâm.
Các chuyên gia cho rằng ngay từ bây giờ các DN hãy tìm hiểu và bắt tay để bước vào cuộc CMCN 4.0
Muốn bắt kịp cần “đột biến”
Ngay tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình đặt câu hỏi: “Việt Nam có bắt kịp cuộc CMCN 4.0”. Kết quả: 33% khách mời tham dự cho rằng có và 67% không nhấn nút.
Trả lời câu hỏi của ông Trương Gia Bình, Ts. Lê Đăng Doanh khẳng định, CMCN 4.0 tác động rất lớn tới Việt Nam, nếu không cải cách sẽ gặp khủng hoảng lớn vì mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đạt tới giới hạn.
Ông Doanh đánh giá, đây là cuộc CMCN chắp cánh cho ba cuộc cách mạng trước đó, kết nối hệ thống máy móc với hệ thống điều khiển tự động, phát triển người máy, trí tuệ nhân tạo, tạo ra sản phẩn mới, chu kỳ sản phẩm ngắn hơn nhiều.
“Cuộc cách mạng này tạo ra bước nhảy vọt, trở thành cơn bão đã và đang diễn ra mạnh mẽ, mang đến cơ hội chưa từng có đối với kinh tế Việt Nam từ nông nghiệp cho tới công nghiệp – dịch phủ phải thay đổi nhiều chính sách”, ông Doanh kiến nghị.
Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam, cho rằng trong ngắn hạn, Việt Nam không thể bắt kịp, còn trung hạn vẫn là dấu hỏi. Theo ông Dũng, về bản chất, CMCN là cái mới nên biết cách đón nhận nhanh sẽ khiến đất nước có thể phát triển, song còn phụ thuộc vào chính sách, mà nhiều khi chính sách lại chưa theo kịp để cởi trói cho đất nước.
Vì vậy, ông Dũng nhấn mạnh, với các DN, điều quan trọng nhất là phải nắm bắt được công nghệ, bởi đó không phải là chiến lược mà là thành phần cốt lõi của tư duy và quản trị DN.
Trả lời câu hỏi “Liệu Việt Nam có bắt kịp CMCN 4.0”, ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam – cho rằng cuộc CMCN lần thứ III chúng ta chưa bắt kịp thì cách mạng thứ IV sẽ là thách thức lớn. Nếu để phát triển tự nhiên, trước sau gì cũng tốt lên theo xu hướng thế nào cũng phải theo, nhưng khoảng cách là thách thức bởi không biết có rút ngắn nổi hay không. Ông Liên nhận định, muốn bắt kịp cần có sự “đột biến”, mà “đột biến” đòi hỏi phải có điều kiện. Do đó, chính Nhà nước, chứ không phải dân, mới tạo được đột biến. Cho nên, muốn bắt kịp, phải có Chính phủ mạnh.
Khẳng định nhiều khi cơ hội đến là vì chúng ta quá nghèo, vì chúng ta không biết gì, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), chỉ ra nhiều cơ hội Việt Nam sẽ có khi bước sang cuộc cách mạng này.
Ông Hùng nói: Đây là cuộc cách mạng được hiểu nôm na rằng cái B sẽ thay thế cái A, cho nên tất cả những ông nào đang có A sẽ gặp nguy cơ lớn hơn rất nhiều những ông không có A. Việt Nam mình đi sau, ba cuộc cách mạng trước, chúng ta xây dựng nền tảng chưa đáng bao nhiêu trong khi các nước phát triển đã bỏ ra hàng triệu tỷ USD để có cái A nên họ sẽ khó dám bỏ nó đi. Vì vậy, Việt Nam chưa có cái A, mình có thể làm ngay cái B, sẽ rất thuận lợi. Đó chính là cơ hội cho Việt Nam.
Ông Hùng cho rằng không nên xem cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng của các DN lớn, của những người có nhiều tiền, những người có nhiều công nghệ mà chúng ta không có cơ hội. Cái cốt lõi cần phải nhìn cuộc cách mạng này là của các DN nhỏ, của toàn dân, nó sẽ tạo ra lợi thế cho Việt Nam.
Do đó, theo ông Hùng, cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những cái người khác chưa làm. Chúng ta luôn nghĩ Việt Nam rất khó đi trước, nhưng tôi cho rằng, nếu lần này chúng ta không đi đầu, không đi trước, chúng ta không đón nhận được cơ hội. “Cả thế giới làm 4.0, chúng ta có làm 4.0 thì bản chất cũng không có giá trị là vì lợi thế cạnh tranh mới tạo ra sự khác biệt”, ông Hùng nêu quan điểm.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT Chính phủ cần phải có sự thay đổi lớn để tạo bước ngoặt cho phát triển cách mạng 4.0. Đồng thời, cuộc cách mạng này không phải là cuộc cách mạng của các DN lớn, không phải của đại gia, mà là cuộc cách mạng công nghệ của mọi người, trong đó có những DN nhỏ, siêu nhỏ, để thay đổi tương lai diện mạo của nền kinh tế. Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) Để có thể chuyển mình và bắt kịp cuộc CMCN 4.0, lãnh đạo các DN phải hiểu về kỹ thuật số, DN phải được số hóa, ứng dụng các công nghệ mới (như BigData…) vào hoạt động kinh doanh. Ts. Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế Cuộc cách mạng này là một động lực mạnh mẽ để Việt Nam phải đổi mới, tái cơ cấu. Nếu không, với nền sản xuất nhỏ, với mô hình tăng trưởng đến giới hạn tự nhiên như hiện nay, Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn. Cuộc CMCN 4.0 tạo sức ép khủng khiếp, nếu không cải cách, chúng ta sẽ thất bại. Việt Nam có bắt kịp cuộc cách mạng này hay không, tôi hi vọng là có. |
Lê Thúy; 10/4/2017 08:17 AM +07:00
- Ra mắt nền tảng số giúp phát hiện sớm rủi ro an toàn thông tin
- Hội thảo Việt Nam: 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy Khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA): Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024