Khám phá mới về trinh nữ hoàng cung

Đầu năm 2012, cụm công trình nghiên cứu về trinh nữ hoàng cung của TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã được tặng Giải thưởng Nhà nước, trong đó kèm theo đánh giá: “Xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ đã được công bố, sử dụng kể từ ngày thành lập nước VN dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân...”. Kết luận “xuất sắc” của Hội đồng nghiệm thu cho đề tài “Nghiên cứu tác dụng sinh học và độ an toàn của các phân đoạn alcaloid và flavonoid từ cây trinh nữ hoàng cung có lẽ là một tin rất vui đối với những bệnh nhân ung thư phổi và tuyến tiền liệt hiện nay.

 

 

TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm (thứ 2 từ phải sang) và các nhà khoa học quốc tế tham gia đề tài nghiên cứu - Ảnh: V.K

Đề tài khoa học này do Bộ Y tế chủ quản, cấp một phần kinh phí cho nhóm các nhà khoa học VN và Bulgaria thực hiện, để tiếp nối theo nghị định thư giữa VN và Bulgaria đã được Bộ KH-CN cho phép từ 2009. Hội đồng nghiệm thu xác định kết quả đạt được bước đầu là rất đáng khích lệ và chính thức đề nghị cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng viên thuốc mới bào chế từ công trình nghiên cứu này trên cơ thể người bệnh ung thư, để có căn cứ khoa học vững chắc cho phép sản xuất đại trà.

Những chú chuột đầu tiên

Tiến hành từ cuối năm 2010, TS-DS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã đổi mới công nghệ nuôi trồng, đổi mới công nghệ chiết xuất và đổi mới công nghệ bào chế để tạo ra thuốc mới có tên “Crilin T” từ hỗn hợp một số phân đoạn alcaloid và flavonoid (những chất ức chế sự phát triển khối u) được chiết xuất từ lá và hoa cây “trinh nữ crila” (là tên giống bảo hộ cho loại cây mới thuộc loài trinh nữ hoàng cung ở VN, tên khoa học là Crinum latifolium L.). Nghiên cứu độ an toàn, độc tính và đặc biệt là tác dụng sinh học, đánh giá khả năng kích thích hệ miễn dịch chống ung thư của thuốc, hoạt tính gây độc tế bào,…

Các chú chuột nude BALB/c nhập từ Mỹ về, được cho mang ung thư phổi người cũng đã “tham gia” tích cực vào quá trình nghiên cứu, giúp các nhà khoa học khám phá ra nhiều điều thú vị. Báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở hôm cuối tháng 10 vừa qua về “độc tính cấp” của viên thuốc mới, nhóm nghiên cứu cho biết: Cho chuột uống đến liều cao nhất có thể, ở tất cả các lô, chuột vẫn ăn uống, bài tiết, hoạt động bình thường. Không có chuột nào chết trong vòng 72 giờ sau khi uống thuốc thử, không quan sát thấy dấu hiệu ngộ độc nào ở chuột trong 7 ngày theo dõi. Kết quả nghiên cứu “độc tính bán trường diễn” trên thỏ cũng đưa đến kết luận thuốc an toàn đối với người bệnh. Các hoạt tính chống ô xy hóa, khả năng kháng viêm của thuốc… cũng được nghiên cứu bài bản từ trong nước và ở Viện Hàn lâm khoa học Bulgaria.

Các nhà khoa học kết luận, các kết quả nghiên cứu đã chứng minh sản phẩm có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Sản phẩm có giá thành thấp và không thua kém viên thuốc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư đã được lưu hành trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Mô hình liên kết 3 nhà

Có thể nói đây là mô hình liên kết rất thành công giữa nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Từ một phần kinh phí do Bộ KH-CN và Bộ Y tế cấp, doanh nghiệp của TS. Trâm đã đứng ra chủ trì, bổ sung kinh phí và hợp tác với các nhà khoa học quốc tế theo sự cho phép của Bộ KH-CN để có sản phẩm thuốc. Tính đến thời điểm này, ngoài viên thuốc đang chờ sự cho phép của Bộ Y tế để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân ung thư tự nguyện, các nghiên cứu của TS Trâm đã cho ra đời 3 sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, một sản phẩm sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước do Bộ KH-CN chủ quản và nhiều sản phẩm do ngân hàng và các tổ chức tín dụng tài trợ vốn.

Hành trình 2 thập niên

Đứng đầu nhóm nghiên cứu không ai khác là TS. Trâm, người vừa nhận hai bằng sáng chế năm 2014 cho sản phẩm thuốc ung thư “Crilin T” và cũng là Người khám phá bí mật trinh nữ hoàng cung như Báo Thanh Niên giới thiệu trước đó 9 năm.

Cộng sự với TS. Trâm là TS. Hà Hồi (Công ty TNHH Thiên Dược); PGS-TS Lê Mai Hương (Viện Hàn lâm khoa học VN); GS-TSKH. Phan Thị Phi Phi; PGS-TS. Phan Thị Thu Anh và một số cộng sự của bộ môn miễn dịch học (Trường đại học Y Hà Nội), TS Nguyễn Lĩnh Toàn (Học viện Quân y), PGS-TS Vũ Thị Ngọc Thanh (Trường đại học Y Hà Nội); PGS-TS. E.Zvetcova, TS Kostov (Viện Hàn lâm khoa học Bulgaria) và TS. Johanna Gostner (Khoa Hóa y và Hóa sinh học – Đại học Y Innsbruck, Áo). Đây đều là những nhà khoa học tâm huyết đã dấn thân nghiên cứu loài trinh nữ hoàng cung từ rất lâu trước khi chính thức tham gia đề tài khoa học này.

Trên thực tế, loài trinh nữ hoàng cung từ xưa đã được dân gian lấy lá chữa nhiều bệnh. Và không chỉ ở VN mà trên thế giới cũng từng có nhiều nhà khoa học nhảy vào nghiên cứu. Tuy nhiên cũng chưa ai có thể biến cây thuốc quý này thành viên thuốc hiện đại phục vụ cộng đồng. Sau khi hoàn thành luận án TS ở Bulgaria và trở về nước, nhờ sự giúp đỡ của các nhà thực vật học hàng đầu như GS-TS. Đỗ Tất Lợi, PGS-TS. Võ Văn Chi, PGS-TS. Trần Công Khánh,… gần 20 năm trước, TS. Trâm đã phát hiện ra “trinh nữ crila”. Và ngay từ những năm đó bà đã quyết tâm xây dựng vùng trồng nguyên liệu quy mô lớn. Đến tháng 7.2005, viên thuốc đầu tiên ra lò đã gây xôn xao dư luận. Healing Quest, chương trình truyền hình uy tín về y học bổ sung trên thế giới, đã tìm sang VN làm phóng sự và thu hút sự quan tâm của giới khoa học cũng như cộng đồng thế giới. Một năm sau, sản phẩm của TS. Trâm chính thức vào Mỹ, nơi được coi là thị trường dược phẩm khó tính nhất thế giới.

Với những phát hiện mới lần này, TS. Trâm và các cộng sự đang hứa hẹn mang đến cho người bệnh ung thư một loại thuốc đặc trị an toàn, giá rẻ.

Nguồn: TNO


Phần mềm giao nhận logistic