Giữ gìn bản sắc để tơ lụa Việt Nam vươn ra thế giới
Sáng 12-6, tại Làng lụa Hội An, phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam đã khai mạc Festival Văn hóa Tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam – châu Á 2017. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hành trình di sản Quảng Nam 2017.
Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017 có sự tham gia của Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Hiệp hội Tơ lụa châu Á, Học viện Mekong, 7 nước châu Á và 12 làng nghề, tơ lụa thổ cẩm lâu đời cùng hàng trăm nghệ nhân của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Festival còn nhằm giới thiệu di sản văn hóa Hội An đến với bạn bè quốc tế và kết nối mô hình dịch vụ “Thành phố may đo thời trang cho cả thế giới thông qua khách du lịch” với các tập đoàn sản xuất tơ tằm lớn trên thế giới.
Nhiều tơ lụa được các làng tơ lụa trưng bày
Nghề dệt lụa lên ngôi
Ngoài các công ty sản xuất tơ lụa lớn tại Bảo Lộc, TPHCM, Hà Nội, Quảng Nam còn có các Làng nghề truyền thống có danh tiếng như: thổ cẩm Hà Giang; Khmer ở biên giới Tây Nam An Giang; Chăm Ninh Thuận; Cơ Tu của vùng núi Miền trung; Làng lụa Nha Xá, vạn Phúc, Nam Cao ở đồng bằng Bắc bộ…
Festival lần này có nhiều chủ đề đổi mới và nổi bật. Đặc biệt, trong đó có việc các làng nghề mang máy móc thiết bị truyền thống đến trình diễn cho khách xem và giới thiệu quy trình sản xuất tơ lụa của mình.
Các làng lụa trưng bày tơ tằm
Làng đũi Nam Cao ở đồng bằng Bắc bộ đã từng vứt khung dệt ra chuồng trâu đã được những doanh nhân trẻ đầu tư, hướng dẫn giữ gìn và mở rộng thị trường. Đến nay, làng đũi Nam cao đã đưa sản phẩm ra thị trường Châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản….
Các nghệ nhân dệt lụa Khmer An Giang sử dụng kỹ thuật dệt 3 lớp sợi tơ với 3 màu khác nhau để tạo ra sản phẩm khăn choàng, xà rông hay các bức họa khăn trải bàn … với sự phối màu chỉ một cách công phu.
Chị Nuang Chanh Ty - một nghệ nhân người Khmer - trình diễn dệt lụa
Ban Tổ chức cho biết, đây là lần thứ 3 (2 lần trước vào các năm 2014 và 2016) làng lụa Hội An tổ chức Festival nhằm tôn vinh văn hoá nghề ươm tơ, dệt lụa truyền thống, kết nối giao lưu để mở đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt, từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với các thị tường quốc tế.
Chị Nuang Chanh Ty – một nghệ nhân dệt lụa người Khmer cho biết: Làng nghề của chúng tôi được truyền từ đời ông bà tổ tiên. Hiện chúng tôi hoạt động với hơn 70 nghệ nhân chủ yếu là nữ. Để trở thành một thợ dệt, chúng tôi phải mất hơn 6 tháng để học nghề nhưng dệt đẹp hay không là do năng khiếu mỗi người thợ. Ngày xưa chúng tôi nuôi tằm ươm tơ nhưng vì rất nhọc công và thu lợi ít, vậy nên chúng tôi đã mua tơ từ Tân Châu đem về luộc, sau đó nhuộm màu rồi dệt. Các màu nhuộm cũng vậy, lúc trước chúng tôi nhuộm màu được chiết từ các loại cây cỏ và cây thuốc nhưng nó đã dần cạn kiệt, nên hiện tại chúng tôi mua màu nhuộm của Thái để nhuộm.
Chị cũng cho biết thêm, làng nghề dệt lụa của chị đã từng tham gia gian hàng tơ lụa tại Asian, có rất nhiều khách hàng nước ngoài đặt hàng. Tuy nhiên họ đòi hỏi các màu nhạt, màu sang trọng nhưng chúng tôi không có. Vì vậy sản phẩm của chúng tôi chỉ bán được trong nước, khách nước ngoài rất ít. Chúng tôi cũng đã từng may quần áo để bán nhưng bán rất chậm, vậy nên sản phẩm của chúng tôi giờ chỉ có khăn choàng và xà rông.
Diện mạo mới của lụa miền sơn cước
Nghệ nhân Vàng Thị Mai của Làng Lũng Tám (Hà Giang) cho biết: Chúng tôi không có tơ lụa nhưng chúng tôi có quy trình sản xuất vải Lanh truyền thống độc đáo được làm từ cây Lanh mà chúng tôi trồng và được nhuộm bằng màu cây cỏ, cây thuốc chữa bệnh. Chúng tôi muốn giới thiệu bộ sưu tập văn hóa cổ xưa hơn 4.000 năm trước, tuy nhiên các thiết kế của chúng tôi có vài nét thay đổi để phù hợp với thời đại hiện nay.
Thổ cẩm Làng Lũng Tám, Hà Giang
Chị Hoih Cúc – một nghệ nhân làng lụa Cơ Tu (Quảng Nam) chia sẻ: Nghề dệt chỉ là nghề phụ của chúng tôi, cuộc sống của chúng tôi chủ yếu gắn với nương rẫy. Vì vậy chúng tôi làm ra những sản phẩm thổ cẩm này từ sợi chỉ đã được nhuộm màu sẵn được mua chứ không tự sản xuất, rồi chúng tôi may ra sản phẩm để bán. Khách hàng chủ yếu của chúng tôi là khách nước ngoài. Họ rất thích các món đồ lưu niệm bằng thổ cẩm, còn khách trong nước thì rất ít. Chúng tôi tham dự Festival là để giữ lại nét văn hóa của người Cơ Tu và để mọi người biết đến.
Hội tụ các nhà thiết kế
Festival lần này cũng thu hút sự tham gia của Nhà thiết kế Minh Hạnh và 15 nhà thiết kế trẻ. Họ sẽ thực hiện Đêm Lụa Phương Đông với sự kết hợp giữa sáng tạo thời trang và chất liệu lụa, đũi Việt Nam.
Nghệ nhân tạo mẫu hoa văn truyền thống
Các nhà thiết kế và du khách tham quan
Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết: Chúng tôi sử dụng lụa Việt, sản xuất Việt để đi ra thế giới. Giai đoạn đầu rất khó cạnh tranh với lụa chất lượng cao của nhiều nước châu Á khác. Nhưng vấn đề là sự kết hợp tốt giữa nhà sản xuất và thiết kế phải phù hợp với thị hiếu và khả năng của người tiêu dùng. Nhưng tôi thấy rằng lụa Việt Nam hôm nay rất tuyệt, rất gợi cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhà thiết kế trong và ngoài nước.
Ông Dumio Kato, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Trạm dừng nghỉ Biwa Club
Theo ông Fumio Kato, Phó giám đốc Công ty Quản lý Trạm dừng nghỉ Biwa Club, Chuyên gia về trạm dừng nghỉ và phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp: “Làng lụa Hội An có chất rất riêng. Nếu nói về thiết kế thì phải kể đến Trung Quốc, chất lượng là Nhật, nhưng Làng lụa Hội An lại có độc đáo riêng cả về chất và thiết kế. Nhưng điều mà tôi thấy là làng lụa truyền thống của các bạn không có người kế cận. Do đó, theo tôi các bạn cần phải làm thế nào đó để các nghệ nhân phải truyền lại nghề lại cho con cháu một cách chi tiết nhất. Ngoài ra, các bạn cũng cần thay đổi để phù hợp với xu thế thị trường nhưng vẫn phải giữ được cái riêng của mình, không nên thay đổi chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Bên cạnh đó, phục vụ thị trường một cách thông minh và dài hạn để làm sao giữ được các nghệ nhân, kích thích họ sáng tạo phát triển làng nghề của mình. Không nên chạy theo lợi nhuận ngắn hạn làm ra những sản phẩm rẻ tiền, kém chất lượng. Do đó, Nhà nước cần đầu tư phát triển các làng nghề và giữ gìn bản sắc của mình để vươn ra thế giới một cách bền vững”.
Ngọc Phúc; SGGPO; Thứ Hai, 12/6/2017 14:57
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/8 đến 14/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 18/7 đến 31/7/2024