Chính phủ chỉ đạo dạy văn hóa giao thông từ mầm non

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT có văn bản chỉ đạo các Sở GD-ĐT tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATGT; đưa nội dung giảng dạy ý thức chấp hành luật lệ giao thông, văn hóa giao thông vào các cấp học từ mầm non, tiểu học...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa chỉ đạo các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong thời gian tới.

Ngoài các giải pháp như vừa qua, Chính phủ còn yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xây dựng nội dung và ban hành bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh trung học cơ sở ngay trong quý III-2017, để triển khai từ năm học 2017-2018.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT có văn bản chỉ đạo các Sở GD-ĐT tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATGT năm học 2017-2018; nghiên cứu đưa nội dung giảng dạy ý thức chấp hành luật lệ giao thông, văn hóa giao thông vào các cấp học từ mầm non, tiểu học... tạo nên thế hệ mới có ý thức chấp hành luật lệ giao thông, có văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự.

Chính phủ chỉ đạo dạy văn hóa giao thông từ mầm non để tạo nên thế hệ mới văn minh ảnh 1 Ảnh minh họa
Cũng trong giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự, an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông.
Tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, TPHCM và các đô thị trực thuộc trung ương chỉ đạo tiếp tục triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; tổ chức quản lý hiệu quả phần vỉa hè, lòng đường sử dụng để trông giữ xe, kinh doanh, buôn bán.

Sở GT-VT xây dựng phần mềm giám sát giao thông trực tuyến, cung cấp thông tin vi phạm cho Cảnh sát giao thông để làm căn cứ xử phạt “nguội”.

Về giải pháp hạn chế xe cá nhân, Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng và thực hiện Đề án nâng cao năng lực và chất lượng vận tải công cộng gắn với quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, trong đó chú trọng các giải pháp áp dụng nguyên tắc kinh tế thị trường; xác định đối tượng, lộ trình và khu vực áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu phương tiện, đặc biệt là người nghèo và cận nghèo.

Bên cạnh đó, cần tăng cường xử lý các điểm đen, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Bộ GT-VT phối hợp với Bộ Công an khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt, vận hành các trạm Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tại các trạm thu phí BOT trên đường bộ; cung cấp dữ liệu cho lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông vận tải để xử lý vi phạm.

Phó Thủ tướng nêu rõ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố và Trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng đua xe máy trái phép trên địa bàn.

Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ GT-VT được giao nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để giải quyết tình trạng xe mô tô, xe máy bị tạm giữ do người điều khiển vi phạm giao thông bỏ lại không đến giải quyết, cần phải thanh lý nộp ngân sách theo quy định.

Bộ Quốc phòng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng. Xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng giấy tờ giả, biển số giả phương tiện quân sự hoạt động trái phép…

Phan Thảo; SGGPO - Thứ Tư, 26/7/2017 10:19


Phần mềm giao nhận logistic