Nhà may mắn – câu chuyện 20 năm bên người khuyết tật Việt Nam của cô gái Thụy Sĩ

Cuốn sách Nhà may mắn do chính Tim thực hiện theo di nguyện của người cha người đã chứng kiến toàn bộ thời thanh xuân của con gái tại một vùng đất xa xôi, nơi mà trước đó với bố con họ chỉ là một danh từ của chiến tranh, nơi mà lần đầu nghe đến nó, với Tim là một vùng đất của đau thương, mất mát.

Tác giả Aline Rebeaud - Hoàng Nữ Ngọc Tim

Tác giả Aline Rebeaud - Hoàng Nữ Ngọc Tim

Rất chân thực, Tim viết về lý do mình đến với Việt Nam ban đầu không phải là những lý tưởng gì cao siêu. 14 tuổi cô gặp và yêu một chàng trai người Ý, thế nhưng ngay sau đó anh gặp tai nạn giao thông, liệt nửa người. Suốt 1 năm trời cô gái chạy đi chạy lại để thăm cho đến khi mọi việc kết thúc. 16 tuổi, cô gặp một người khác, anh đến từ Việt Nam, kể cho cô nghe những câu chuyện, nấu cho cô ăn những món ăn nơi quê hương xa xôi của anh. 20 tuổi, giã từ gia đình, cô thực hiện một hành trình đến Việt Nam, vùng đất chỉ ở trong những câu chuyện, những giấc mơ.

Cả cô, cả gia đình và có lẽ chẳng một ai lại ngờ rằng hành trình đó đã giữ cô lại Việt Nam suốt hơn 20 năm qua. Cô đã sống ở đất nước này với hàng trăm con người kém may mắn, những người mồ côi, những người khuyết tật và đã trở thành một phần gia đình của họ. Gia đình có tên gọi là Nhà may mắn mà như cô tự nhận: Là nơi không ai có cùng quan hệ máu mủ với ai nhưng lại có một điểm chung trước khi về đây, tất cả đều có một số phận khắc nghiệt, số phận lẽ ra đã nhấn chìm họ, để họ mãi biến mất trong cuộc đời này… nhưng số phận rốt cục lại đã cho họ một lối đi khác.

Số phận đã mỉm cười với họ khi họ gặp Tim, cô chăm sóc họ những khi khó khăn, đưa họ đi khám chữa bệnh, tìm cho họ một chỗ ở. Khi số người ngày càng tăng, cô phải tìm kiếm sự hỗ trợ để xây dựng một mái ấm cho mọi người, một mái ấm sau này có tên gọi là Nhà may mắn.
 
Nhà may mắn – câu chuyện 20 năm bên người khuyết tật Việt Nam của cô gái Thụy Sĩ ảnh 1 Bạn đọc xem và mua những sản phẩm do thành viên Nhà may mắn thực hiện

Cuốn sách viết khá đơn giản về những gì tác giả đã trải qua trong những ngày đầu đó, thế nhưng với người Việt, hình dung cảnh một cô gái ngoại quốc chỉ mới khoảng hơn 20 tuổi, một thân một mình chăm sóc các em nhỏ, tất cả đều bệnh tật, trong bối cảnh đất nước Việt Nam mới bước vào giai đoạn mở cửa, không khó để thấy được sự gian nan, vất vả trong đó. Trong buổi giao lưu, Tim thể hiện khả năng nói tiếng Việt cực tốt, thậm chỉ sử dụng các thành ngữ, tục ngữ và cả tiếng lóng rất thành thạo. Nhiều người nghĩ rằng cô nói tốt vậy là do tiếp xúc với các em nhỏ, những người ở Nhà may mắn nhưng thực tế như Tim thừa nhận, khả năng này cô có được nhờ những năm tháng trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng, nơi mà chỉ một sự hiểu sai có thể gây ra nhiều tai hại.

Cuốn sách chia làm hai phần, phần đầu là những câu chuyện của Tim, đó có thể là cậu bé Dũng cô gặp giữa TPHCM năm 1993, khi đó cô còn chưa hình dung mình sẽ gắn cuộc đời với các hoàn cảnh bất hạnh. Rồi Thành, cậu bé 10 tuổi bị bỏ rơi trong bệnh viện tâm thần, nằm chờ chết với căn bệnh tim bẩm sinh, rồi Nhân, Phong, Điền, Lâm Thủy, Trâm, Kiệt… một người một hoàn cảnh, một số phận. Rồi đến những người lớn, những thanh niên bị tai nạn mất sức lao động, sống vật vờ trong các trung tâm từ thiện.

Nhà may mắn – câu chuyện 20 năm bên người khuyết tật Việt Nam của cô gái Thụy Sĩ ảnh 2 La Văn Thành, một thành viên của Nhà may mắn kể về những ngày đầu đến với nhà

Khác với nhiều trung tâm từ thiện khác, Nhà may mắn tên đầy đủ là “Nhà may mắn Việt Nam – Trung tâm Chắp cánh” không chỉ chăm sóc các cảnh đời bất hạnh mà mục tiêu chính yếu là đưa họ về với cuộc sống đời thường. Với mỗi hoàn cảnh, Nhà tìm một hướng đi riêng, người mất tay thì học làm việc liên quan đến chân, người mất chân thì học nghề chỉ dùng tay… Cứ thế, mỗi người dần dần trở lại cuộc sống, dù không thể bình thường hoàn toàn nhưng ít nhất cũng không còn cảm giác vô vọng như trước.

Nhà may mắn – câu chuyện 20 năm bên người khuyết tật Việt Nam của cô gái Thụy Sĩ ảnh 3 Ngoài tủ sách, NXB Trẻ cam kết dành toàn bộ lợi nhuận của sách cho quỹ từ thiện của Nhà may mắn

Phần hai của sách là câu chuyện của một số con người đã và đang trở lại cuộc đời từ Nhà may mắn. 16 câu chuyện, câu chuyện nào cũng bắt đầu bằng bi kịch như Đinh Công Duy, bị liệt vì cơn sốt ngày bé, gia cảnh khó khăn đến nỗi gia đình phải gửi vào Nhà may mắn với cái mác “trẻ mồ côi”, thậm chí còn bị lừa tiền… nay Duy đã có công việc làm ổn định. Hay câu chuyện của cô giáo trẻ Lệ Quyên, 21 tuổi gặp tai nạn mất cả hai chân, cuộc đời tưởng khép lại nhưng rồi ở Nhà may mắn cô dần quay lại với nghề, học thêm, trở thành trợ lý giáo dục mầm non chăm lo cho những cảnh đời khó khăn khác…

Cuốn sách Nhà may mắn cũng đem lại nhiều may mắn, trong buổi ra mắt sách ngày 16-8 vừa qua, NXB Trẻ đã trao tặng tủ sách trị giá 10 triệu đồng cho Nhà may mắn. Ngay sau đó, khi chứng kiến những câu chuyện được chính những người trong cuộc kể lại, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ đã đứng lên tuyên bố dành toàn bộ lợi nhuận từ việc bán cuốn sách để tặng quỹ từ thiện của “Nhà may mắn Việt Nam – Trung tâm Chắp cánh”.

Vào một ngày giữa năm 1993, cô gái Thụy Sĩ 21 tuổi Aline Rebeaud đưa cậu bé nhỏ người Việt tên là Thành mà cô nhận nuôi từ trại tâm thần Thủ Đức rời khỏi Viện Tim, nơi mà cô đã chăm sóc cậu bé suốt thời gian chữa căn bệnh tim nan y của cậu. Lúc bước qua cánh cổng bệnh viện, những người bệnh nhân, thân nhân cùng chung phòng bệnh đã chặn cô lại và bảo rằng “Cô Aline ơi, trước khi cô đi qua khỏi cánh cổng này, chúng tôi sẽ đặt tên mới cho cô”. Họ chỉ vào tấm bảng tên bệnh viện và từ ngày đó, Aline Rebeaud chính thức có tên Việt Nam là Tim. Sau này, nhiều người gọi cô bằng một cái tên đầy đủ theo kiểu người Việt là Hoàng Nữ Ngọc Tim.

Xuân Thân; SGGPO - Thứ Tư, 16/8/2017 20:52


Phần mềm giao nhận logistic