Thu hút đầu tư để chuyển đổi kinh tế số thành công

Ngày 18-10, tại Hà Nội, Bộ TT-TT phối hợp với Bộ KH-ĐT, Hiệp hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT-TT Việt Nam năm 2017 (Vietnam ICT Investment Forum 2017 – VIF 2017).

 Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu bao gồm đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, địa phương; lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam. Về phía các đại biểu quốc tế, có ngài Nadav Eshcar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán các nước tại Hà Nội gồm: Đại sứ quán Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Israel, Anh, Ý, Pháp, Thụy Điển, Úc, Hà Lan, Iran…, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.

VIF 2017 với chủ đề “Thu hút đầu tư trong tiến trình chuyển đổi kinh tế số” được tổ chức nhằm tham vấn chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực TT-TT, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế số; thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, đặc biệt là thương mại điện tử, smart city, IoT và các doanh nghiệp start-ups.

Thu hút đầu tư để chuyển đổi kinh tế số thành công ảnh 1 Phiên mạc VIF 2017 sáng 18-10. Ảnh: TRẦN BÌNH
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
 Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia và là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và phương thức tiếp cận thị trường mới.
Tại Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương đang hết sức nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Chính phủ đã đề nghị các bộ, ngành có những bước đi mạnh mẽ hơn liên quan đến việc chuẩn bị nhân lực. Gần đây, các hiệp hội đã phối hợp với các bộ để đề ra một chương trình đào tạo nhân lực CNTT, cho phép áp dụng những quy định có tính đặc thù đối với đào tạo CNTT chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra và hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư CNTT nước ngoài. Để Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), việc rà soát và cập nhật chính sách thu hút đầu tư cần trở thành một nội dung quan trọng trong tiến trình số hóa của quốc gia.
 
Thu hút đầu tư để chuyển đổi kinh tế số thành công ảnh 2 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và  Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn  chứng kiến thoản thuận hợp tác giữa VNPT và IBM tại VIF 2017. Ảnh: Trần Bình
 
 Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, từ lợi ích từ nền kinh tế thị trường mở cửa, Việt Nam đang là mảnh đất hỗ trợ cái mới, thị trường đáp ứng với cái mới rất nhanh và mạnh. Khi có một thị trường mở và nhạy thì CNTT sẽ phát huy được các điểm mạnh của sự linh hoạt và luôn đổi mới của ngành TT-TT. Ví dụ ứng dụng CNTT vào các mặt đời sống xã hội như mua bán, giáo dục trực tuyến… Lợi ích và cũng là cơ hội cho ngành CNTT Việt Nam, đó là sự phát triển nhanh, mạnh của cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra. Bênh cạnh đó, những vấn đề lớn như IoT, xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo,.. đều dựa trên mũi nhọn là CNTT-VT. Đây là thời cơ lớn và rất thuận lợi nếu các doanh nghiệp, các nhà đầu tư…nếu đủ tâm, đủ tầm và đủ quyết tâm, thì các nhà đầu tư sẽ thành công lớn, đồng thời sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh được tốc độ phát triển và rút ngắn khoảng cách với các nước trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT-VT.
 
Thu hút đầu tư để chuyển đổi kinh tế số thành công ảnh 3 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cùng các quan khách tham  quan triển lãm và  nghe giới nhiệu những công nghệ mới. Ảnh: TRẦN BÌNH
 
 Báo của VIF 2017 cho biết, kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu. Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia, là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và phương thức tiếp cận thị trường mới. Trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư CNTT-TT nước ngoài, năm 2016 tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt 67,693 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,789 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn.
VIF 2017 đã bàn thảo và thông qua các khuyến nghị của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về các nội dung chính sau: Rà soát lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đa quốc gia (MNEs) trong nền kinh tế số; Cập nhật các quy định quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đầu tư đối với các doanh nghiệp số trong nước; Đề xuất các biện pháp nền tảng để thúc đẩy đầu tư phát triển nền kinh tế số liên quan tới khung pháp lý, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm và dịch vụ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nền kinh tế số. Đặc biệt là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp số Việt Nam phát triển; Đánh giá tiềm năng thị trường kinh tế số của Việt Nam, nhìn nhận các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số, như mô hình kinh tế chia sẻ và đưa ra các biện pháp thúc đẩy thị trường trong các lĩnh vực của nền kinh tế số, bao gồm thương mại điện tử, khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ và các dịch vụ đô thị thông minh trên nền ICT. Từ đó phân tích cơ hội và thách thức trong việc thu hút đầu tư trong kinh tế số tại Việt Nam.
Thu hút đầu tư để chuyển đổi kinh tế số thành công ảnh 4 Giải pháp thanh toán điện tử cho các máy bán hàng dựa trên QR code được VNG giới thiệu tại VIF 2017.  Ảnh: TRẦN BÌNH
 
  Song song với các phiên thảo luận của VIF 2017, đã diễn ra triển lãm gồm các gian hàng của các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp ICT hàng đầu của Việt Nam giới thiệu sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT trong các lĩnh vực kinh tế chia sẻ, đô thị thông minh (smartcity) và IoT, giải pháp hạ tầng viễn thông và internet, thương mại điện tử (e-commerce) và khởi nghiệp (start-ups).
Tại đây, Công ty VNG trình diễn loạt sản phẩm đón bắt xu hướng thanh toán điện tử, chính quyền điện tử. Các sản phẩm được VNG trình diễn tại sự kiện đều do chính đội ngũ kỹ sư của công ty nghiên cứu, phát triển, đón bắt những xu hướng công nghệ quốc tế mới. Trong đó, ZaloPay là sản phẩm bắt kịp xu hướng thanh toán điện tử qua QR code đang rất nóng trên thế giới. Bên cạnh máy bán nước tự động thanh toán qua QR code từng thu hút nhiều sự chú ý của khách tham quan tại hai sự kiện gần đây là Vietnam ICTComm và ICT Summit; ZaloPay còn xuất hiện tại VIF 2017 với giải pháp thanh toán điện tử cho các máy bán hàng dựa trên QR code. Đặc biệt, với nền tảng thu hộ OA, ZaloPay còn trở thành giải pháp hỗ trợ tích cực cho Trung tâm dịch vụ hành chính công trên Zalo thông qua thu hộ chi phí dịch vụ điện, nước, internet…

 

Trần Bình; SGGPO Thứ Tư, 18/10/2017 16:41


Phần mềm giao nhận logistic