Ra mắt Viện công nghệ hàng không vũ trụ

Đây là chương trình hợp tác giữa 2 bên để đào tạo kỹ sư ngành công nghệ hàng không vũ trụ và xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động học tập, giảng dạy, thực hành, nghiên cứu.

Chiều ngày 18-12, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức ra mắt Viện công nghệ hàng không vũ trụ (School of Aerospace Engineering - SAE).

Viện là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trực thuộc Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) – ĐHQGHN, đồng thời là đơn vị phối thuộc của Tập đoàn Viettel.

Đây là chương trình hợp tác giữa 2 bên để đào tạo kỹ sư ngành công nghệ hàng không vũ trụ và xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động học tập, giảng dạy, thực hành, nghiên cứu.

SAE thực hiện đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao về công nghệ hàng không vũ trụ ở các bậc đại học, sau đại học; nghiên cứu, phát triển các công nghệ và sản phẩm khoa học trong lĩnh vực  hàng không vũ trụ đáp ứng yêu cầu dân sự và an ninh, quốc phòng của đất nước. Đồng thời, cung cấp dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ - tri thức trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ trong và ngoài nước.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, SAE sẽ triển khai một số định hướng nghiên cứu về công nghệ xử lý ảnh phục vụ trinh sát UAV, trinh sát vệ tinh; công nghệ truyền tin UAV; công nghệ MEMS ứng dụng trong chế tạo con quay vi cơ; công nghệ quang áp dụng cho con quay quang; công nghệ dẫn đường và điều khiển; tên lửa và vệ tinh...

Theo Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, sẽ chỉ có khoảng 20 người được tuyển dụng và đào tạo mỗi năm.

“Chúng tôi không cam kết tiếp nhận các bạn về Viettel tham gia hành trình này. Bởi bất kỳ ai vượt qua 4 năm học tập căng thẳng, hoàn thành những dự án mà chưa một người Việt Nam nào làm được, với ý chí và tinh thần của những chiến binh thì Viettel sẽ phải bằng mọi cách mời các bạn về đội ngũ của mình” - ông Hùng nói.

Việc tuyển sinh khóa đầu tiên sẽ bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2017-2018. Đối tượng là sinh viên năm thứ nhất của Trường ĐH công nghệ thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật điện điện tử, viễn thông và nhóm ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử và cơ kỹ thuật.

Từ năm học 2018-2019, chương trình sẽ tuyển sinh theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT.

Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được nhận học bổng toàn phần của Tập đoàn Viettel và các đơn vị đối tác. Riêng sinh viên khóa 1 trúng tuyển được Trường ĐH công nghệ miễn học phí trong toàn khóa học, được Tập đoàn Viettel cấp học bổng toàn phần năm đầu tiên và tiếp tục cấp các năm sau theo năng lực học tập.

Thành lập tháng 1-2016, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel hiện có đội ngũ nhân lực được đánh giá cao với 64% chuyên viên nghiên cứu trình độ đại học, 24% thạc sĩ, 12% tiến sĩ, trong đó có các kỹ sư được đào tạo tại nước ngoài từ các trường đại học lớn liên quan đến hàng không vũ trụ.

Mục tiêu của Viện Công nghệ hàng không Vũ trụ Viettel là đến năm 2020 sẽ có 1.000 kỹ sư chất lượng cao và trở thành đơn vị nòng cốt của Tổ hợp công nghệ quốc phòng công nghệ cao.

Về phía ĐHQGHN, cùng với việc thành lập Viện công nghệ hàng không vũ trụ, ĐHQGHN đã phê duyệt chương trình đào tạo kỹ sư ngành công nghệ hàng không vũ trụ. Sau 4,5 năm học, sinh viên sẽ nhận bằng kỹ sư công nghệ hàng không vũ trụ và có cơ hội được làm việc, tham gia các dự án về hàng không vũ trụ tại Tập đoàn Viettel, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và các đơn vị khác.

Phan Thảo; SGGPO Thứ Hai, 18/12/2017 19:40


Phần mềm giao nhận logistic