Thương tiếc Anh – Thấm nỗi đau của Chị
Để quyển sách này ra đời, sau khi anh đã đi xa, với vai trò biên tập, chúng tôi thật xót xa, ân hận, vừa thấm cái tình của anh dành cho cuộc đời.
Quả là chúng tôi được chia sẻ những câu chyện thú vị với anh, từ năm 2013. Thời gian đó, sức khỏe của anh ngày càng xuống dốc. Chúng tôi tranh thủ làm việc, ghi chép, động viên anh viết mọi lúc, mọi nơi. Anh không được khỏe nhưng rất thích gặp bạn bè, bởi những cuộc gặp ấy dường như anh được động viên, truyền năng lượng, cảm hứng. Rồi anh hì hục viết. Bản thảo của anh ngày càng dày hơn. Quả là tiếng Việt của anh không trơn tru, bởi anh được sinh ra và lớn lên ở Nam Vang, học trường Tây, rồi đi vào chiến khu miền Đông ở Việt Nam. Chúng tôi đọc, thú vị từng câu, từng chữ của anh. Việc của chúng tôi chỉ là chỉnh sửa lại những lỗi chính tả, cấu trúc câu. Điều đó không là vấn đề gì so với những thông điệp anh gởi lại cho cuộc đời. Quả đó là những câu chuyện quý báu, kỳ dị, thần kỳ, cả kinh dị. Ẩn đằng sau những ngôn từ như đùa, như giễu cợt là những giá trị nhân văn sâu sắc, lượng thông tin quý báu, đôi khi cả những giọt lệ nóng hổi rơi vào khoảng lặng, cả tiếng cười nhói lòng hơn những giọt nước mắt. Lẽ ra chúng tôi đã hoàn thành tập sách này vào năm 2015 nhưng chính anh dừng lại, nghiêm trang yêu cầu chúng tôi dồn sức thực hiện quyển sách “Áo trắng rừng xanh”. Anh nói “Rất nhiều cô chú ngành y tham gia kháng chiến trong rừng sâu núi thẳm năm nào nay đã già yếu. Các em hãy tập trung lo quyển sách này, của anh từ từ cũng được”. Anh động viên chúng tôi là anh còn trẻ, khỏe hơn nhiều người.
Với những kỷ niệm sâu sắc, máu thịt, anh góp nhiều bài viết sinh động, giàu màu sắc cho tập Áo trắng rừng xanh như “Tượng đài” giữa rừng xanh về Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, Người thấy thuốc của nhân dân về Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Linh nhà truyền giáo hữu hình, Chú tiểu đồng về bác sĩ Đoàn Thúy Ba… Có quá nhiều trải nghiệm của người thầy thuốc trong kháng chiến, đối mặt với sự sống và cái chết trong gang tấc, cùng đồng đội vượt qua bom đạn, thấm tình người, lòng dân nơi vùng ven đô ác liệt khi đội phẫu thuật tiền phương Nam của anh nhận nhiệm vụ phục vụ và chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân 1968 nên anh có những bài viết xuất thần, thật cảm động, hấp dẫn, nhiều tình huống bất ngờ hơn cả chuyện thần thoại về một Nhà thương dã chiến vắt vai, Chiếc xuồng mổ, Ăn mừng sự sống… Anh dành nhiều thời gian kết nối, đưa chúng tôi gặp các nhân chứng lịch sử như chú Tư Lê Quang Thành - nguyên Bí thư Đoàn Nhân Cách mạng Việt Nam để có Cảm nhận về ngành y trong hai cuộc kháng chiến; gặp nhà lão thành cách mạng Tô Bửu Giám để ông nói Dân y quan trọng lắm; gặp bác sĩ Lê Hồng Hoa để có Những ký ức không quên; gặp anh Hai Liên Xô để anh kể về người vợ yêu là Ngô Thị Trừng, một trí thức dấn thân, một bác sĩ kiên cường, một người mẹ quên thân… Và anh đã khóc không thành tiếng khi trao cho chúng tôi bài điếu văn đưa tiễn bác sĩ Trần Y về chốn vĩnh hằng để in trong tập sách…
Ký ức chiến tranh trĩu nặng trong lòng anh về những mất mát, hy sinh. Tôi còn nhớ chuyến đi về Hòa An, Đồng Tháp cùng anh và chị Nguyễn Thị Hạnh - người bạn đời của anh. Anh đã khóc lặng lẽ khi cùng chị đứng trên phần mộ gia đình với nỗi đau quá lớn trong Mậu Thân 1968. Năm ấy, trong lúc chị Hạnh miệt mài phục vụ thương bệnh binh trong một bệnh viện dưới cánh rừng miền Đông thì gia đình chị gồm mẹ, em gái và ba đứa cháu bé bỏng của chị bám lại xóm làng, tiếp sức cho lực lượng địa phương tấn công vào thị xã Cao Lãnh bị giặc giết chết trong một trận ném bom hủy diệt bằng bom napan. Tôi biết phải có một tình yêu rất sâu đậm nên anh mới thuyết phục chị ngồi viết lại một thời dưới cánh rừng đã lấy thân mình làm Những con thỏ rừng thử nghiệm thuốc. Vì tình yêu dành cho anh nên chị đã viết xuất thần. Đến bây giờ đọc lại những trang viết của chị, nước mắt tôi lại trào ra vì thương cảm, lại trào dâng trong lòng niềm kính phục người phụ nữ hiền lành, giản dị mà vô cùng lớn lao! Chị cũng là người phụ nữ hạnh phúc bởi đã làm được hai điều lớn trong cuộc đời: vượt qua đau thương, mất mát; quên mình làm “những con thỏ rừng” pha chế dịch truyền phục vụ thương bệnh binh trong chiến tranh và được làm vợ anh để chia sẻ bao trầm luân, cay đắng ngọt bùi; bao ý tưởng, khát vọng của anh, dù đôi lúc những ý tưởng qua thăng hoa, khiến anh bay lơ lửng trên trời và chị tỉnh táo hơn, với “logic đàn bà”, nhẹ nhàng kéo anh chạm đất!
Sau chiến tranh, anh bước vào một trận chiến không kém phần khốc liệt. Cho đến lúc này, anh mới thấm thía công lao to lớn của mẹ anh - bà bà Trần Thị Quảng - một người phụ nữ nhân hậu nhưng vô cùng mưu trí, anh hùng, quả cảm. Sau khi chồng hy sinh, bà không chỉ gánh trên đôi vai trách nhiệm nuôi dạy đàn con thành người, lần lượt đưa những đứa con bà rất mực yêu thương vào chiến khu mà còn gánh trên đôi vai trách nhiệm người chiến sĩ trong đường dây giao bưu đặc biệt, đi qua lằn ranh sống chết trong gang tấc, chuyển tiền cho Trung ương cục miền Nam. Người mẹ anh hùng ấy đã tiếp sức cho anh đứng vững trên trận chiến mới trong ngày hòa bình, vượt qua những bở ngỡ, ấu trĩ ban đầu, sớm tỉnh táo sau men say những ngày chiến thắng, dũng cảm thay đổi mình, bao dung vượt qua định kiến, dung nạp đa tính cách, dũng cảm bảo vệ cái mới, kiên định trong những bước đột phá để từng bước phát triển bệnh viện 115 từ một bệnh viện quân y cũ nát trở thành một bệnh viện hiện đại, đẳng cấp trong khám và chữa bệnh như chúng ta được biết. Nếu trong chiến tranh, tính cách anh hùng, liều lĩnh, hóm hĩnh, lạc quan của anh khiến người đọc vừa thắt tim vừa nghiêng mình ngưỡng mộ, thì sau chiến tranh, những trận chiến vượt qua cơ chế quản lý lỗi thời, vượt qua những phút yếu mềm, thấp hèn; vượt qua cái tôi, định kiến, cả sự đố kỵ ngáng đường…; người đọc thêm nhiều lần thắt tim, thương cảm, phẫn nộ, xót xa. Hơn ai hết, những người thân, đồng nghiệp từng kề vai sát cánh với anh trong những năm tháng xây dựng và phát triển bệnh viện thấu hiểu đằng sau tiếng cười, sự trào lộng anh chia sẻ đến mọi người là nỗi đau và những giọt nước mắt lặng lẽ. Trong trận chiến ấy, đôi lúc anh quá đơn độc và không tránh khỏi bầm dập!
Tôi đã từng gởi cho anh một loạt câu hỏi về thời bình mà anh đã trải nghiệm:
“ - Cơ duyên nào đưa anh đến với cuộc chiến tranh cách mạng?
- Mồ côi cha từ rất sớm, người cha để lại dấu ấn, ảnh hưởng đến cuộc đời anh như thế nào?
- Và mẹ anh, một người phụ nữ có những việc làm thầm lặng, lớn lao cho kháng chiến, được xem là “Bà hoàng Việt Cộng” đã từng làm nên những chuyện phi thường, như giải cứu hàng chục triệu đồng cho Trung ương cục miền Nam, giải cứu lãnh đạo Trung ương Cục - một trong số những lãnh đạo cao cấp được bà giải cứu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; anh thừa hưởng được những đức tính nào từ mẹ?
- Nghe nói anh đã từng là “Hạt giống đỏ”, được cách mạng tin cậy chọn làm thư ký riêng cho một lãnh đạo cao cấp của Trung ương Cục miền Nam, nhưng vì sao anh lại chọn ngành y để phục vụ cách mạng?
- Với tố chất nghệ sĩ, trái tim một bác sĩ như anh đã từng rung lên trước những hình ảnh bi tráng, cao đẹp, những người tuổi trẻ dám chết cho nhiều người được sống, tình người trong chiến tranh… Vì sao những ký ức chiến tranh cứ ám ảnh không nguôi trong lòng anh? Anh từng nói đó cũng là một món nợ lớn cho những người còn sống. Anh định làm gì để bớt đi nỗi ám ảnh ấy?!
- Anh đã từng trải qua những ngày cực kỳ nguy hiểm, đứng giữa lằn ranh giữa sự sống và cái chết của cuộc chiến tranh tàn khốc. Có khi nào trong giây phút tĩnh lặng của hòa bình, anh tự hỏi vì sao mình còn được sống? Anh lý giải sự tồn tại của mình như thế nào? Nhờ khôn ngoan, hiểu biết (nói theo bây giờ là kỹ năng sống), may mắn… mà anh đã được sống, trong khi nhiều đồng đội cùng anh đã hy sinh, có người hy sinh trước mặt anh, bên cạnh anh, trong gang tấc?
- Và được yêu nữa?! Cho đến giờ, vợ anh, một người phụ nữ đẹp, hiền thục, cởi mở vẫn yêu anh bằng một tình yêu nồng thắm, bền vững theo năm tháng. Cơ duyên nào anh có được một hạnh phúc lứa đôi nhiều người ao ước?
- Anh đã được sống và số phận giao cho anh sứ mạng làm cầu nối đi qua chiến tranh và hòa bình, góp phần xây dựng ngành Y ở thành phố, trong vai trò giám đốc bệnh viện 115. Sứ mạng đó hẳn là không dễ dàng, đầy sóng gió?
- Và anh đã có những đột phá để xây dựng bệnh viện 115, với chuyên khoa đột quỵ, hiện nay đi đầu khu vực phía Nam. Và sau này, bệnh viện 115 còn là một Trung tâm ghép thận thứ hai. Có được những thành tựu và nền tảng ngày hôm nay, anh đã đi qua những khó khăn, định kiến, thậm chí chịu đựng và hy sinh nhiều thứ khi bị đơm đặt, vu khống, cả sự bội bạc con người. Sức mạnh tinh thần nào giúp anh hóa giải những điều điều đó, thuyết phục được mọi người đồng thuận với mình?!
- Không chỉ trong chiến tranh, anh đã từng đi qua bờ vực giữa sự sống và cái chết, ngay trong hòa bình, ngay trong những ngày này. Qua những khoảnh khắc đó, anh nghĩ gì khi mình còn được sống?
- Có một lần anh nói vui, vợ là người dễ bị gạt nhất. Có phải anh muốn nói đến đức tính bao dung của người phụ nữ hay sự cả tin, ngây thơ cố hữu của họ. Có những người phụ nữ cố tình “bị gạt”, cố ngu đi để giữ lửa ấm trong ngôi nhà?
- Lời khuyên của anh cho những người tuổi trẻ?”
Bạn đọc sẽ tìm được những câu trả lời của bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh trong tập sách này. Riêng tôi, đọc lại từng câu, từng chữ trong hồi ký của anh, tôi nhìn thấy ở anh một tính cách nhất quán của một con người thông minh, kiên định, hào hiệp, lạc quan, biết sống trong chiến tranh lẫn thời bình. Trong bom đạn đưổi rát sau lưng, anh không thể rời bỏ đồng đội, bình tĩnh đưa ba cô gái qua sông bằng phao cứu sinh sáng chế từ một tấm ni-lông. Trong thời bình, trong cuộc chiến vượt qua lạc hậu, đói nghèo, quá tải bệnh viện; anh đã chiến đấu với tinh thần chiến binh, dám đột phá, sáng tạo và dám trả giá. Những câu tự vấn “Tại sao ta phải bó tay đứng coi dân mình đang “chết dần, chết mòn”, mà không chịu xúm vô cứu họ như hồi toàn dân cứu nước, khi hoàn toàn có thể”; “Tại sao người Pháp dám dạy ta, mà ta không chịu dạy ta để cứu dân ta” luôn ray rứt, day trở trong lòng anh, thôi thúc anh hành động khác người, trong thời điểm cơ chế quan liêu bao cấp còn nhiều trói buộc, cả lối mòn trong cách sống, cách nghĩ. Những ngày trên giường bệnh, anh vẫn còn ưu tư với bài toán “quá tải” của bệnh viện. Anh không ngừng trăn trở khi đặt mình là người trong cuộc, đối mặt với những nghịch lý, rào cản cần phải được đột phá không chỉ bằng ý chí của cả ngành y tế mà cả một thể chế. Anh không khỏi mủi lòng khi mình là người lính già, không một tấc sắt trong tay, cho đến ngày ra đi...
Nhưng tôi biết anh không đơn độc, khi hậu duệ anh hiểu anh bằng tấm lòng tri kỷ. Tôi không ngăn được nước mắt khi đọc những dòng cháu Nguyễn Thị Mỹ Dung - con gái anh viết về cha:
“Ngày 8.1.2016, Bệnh viện Nhân dân 115 kỷ niệm ca ghép thận thứ 100, thì cũng ngay thời khắc đó, ba trút hơi thở cuối cùng.
Ngoài kia trời lất phất mưa..
Hôm đưa ba ngang qua 115 lần cuối (ba thích gọi Bệnh viện Nhân dân 115 mà ba đã trọn tình gắn bó, đơn giản như thế), rất đông nhân viên đã ra tiễn ba. Tôi chưa từng nghe ba lúc sinh thời nói là ghét ai, cũng chưa thấy ba làm mích lòng một đứa con nít nào. Nhưng một cảnh tượng như thế thì trước đây tôi cứ ngỡ là chỉ có trong phim, giờ, khi chính mình chứng kiến, tôi càng hiểu thêm rằng ba đã sống như thế nào.
Một người bạn của ba đã viết trong sổ tang: “Khánh ơi! Sống rất tuyệt vời, quy tiên sẽ siêu thăng cực lạc”
… Ba không là Bác sĩ nhân dân, cũng chẳng phải bác sĩ Ưu tú. Ngoài vài tấm bằng khen lúc về hưu, ba chẳng có danh hiệu gì (Người ta muốn cấp cho ba danh hiệu gì, ba cũng từ chối). Ba nói ba chỉ là một người bác sĩ bình thường “đâu có u nhú” gì đâu?”. (Ý ba nói “ưu tú”, mà cũng là khối u…)
Vẫn hài hước, rất đỗi bình dân, gần gũi, không kiểu cách, ba cho mình chỉ là người bình thường, nhưng với chúng tôi, ba thật vĩ đại… Ba là vậy!”
Đối với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Khánh là vậy. Một người hùng trong chiến tranh - một hiệp sĩ thời bình. Những ngày tháng 4 này tôi rất nhớ anh, càng thấm thía khi anh từng uống rượu tràn cung mây ăn mừng sự sống. Và rồi, cũng vì sự sống, anh tỉnh ngộ, lại xông vào cuộc sống với tinh thần chiến binh trong thời bình, góp một bàn tay làm nên những vết son đỏ của ngành y thành phố. Mới hôm nào anh còn đưa chúng tôi về lại chiến trường xưa, nhắc về những người đã hy sinh, những trăn trở khi không tìm thấy những người đã chết cho anh được sống. Trước khi mất ít lâu, anh còn nung nấu khát vọng đặt một tấm bia kỷ niệm đội y tế tiền phương Nam trong chiến dịch Mậu Thân. Anh chủ đất Tám Bé đã sẵn sàng, nhiều tấm lòng cũng sẵn sàng ủng hộ, quyên góp…
Tâm huyết của anh, những việc làm dang dở của anh vẫn còn đây. Anh hiện hữu cùng chúng ta trong những trang hồi ký gởi lại cho cuộc đời. Anh không chết.
Tháng 4.2017 – Trầm Hương
Chuyến đi cuối cùng với Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh ngày 25.10.2015, về thăm nhà anh Tám Bé, cơ sở Mậu Thân 1968 ở Quy Đức, Bình Chánh; nơi Đội phẫu thuật Tiền Phương Nam đã trụ lại phục vụ chiến thương và chiến đấu
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024