Ứng dụng ITAM và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Từ ngày 3 đến ngày 7-2, tại Trường Đại học Đông Á diễn ra Hội thảo quốc tế lần thứ 19 về “Ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý” (gọi tắt là ITAM) và chuỗi các phiên làm việc của các chuyên gia quốc tế về các chủ đề Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng đến Việt Nam, Tương lai châu Á – góc nhìn quản trị. 

Ứng dụng ITAM và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày 3-2, Trường Đại học Đông Á cùng với Hiệp hội cơ sở dữ liệu Hàn Quốc (KDBS) và Hiệp hội Công nghệ thông tin và quản lý quốc tế (IITAMS) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 19 về “Ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý” (gọi tắt là ITAM).

Ứng dụng ITAM và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0  ảnh 1 GS. Gyeung Min Kim - Chủ tịch Hiệp hội cơ sở dữ liệu Hàn Quốc trình bày tại Hội thảo ITAM 
Hội thảo lần này tập trung vào “Công nghệ thông minh, đổi mới kinh doanh, học tập điện tử và du lịch hiện đại”. Đây cũng là phiên hội thảo khoa học quốc tế chuẩn bị cho kỳ họp chung về chủ đề “Tương lai Châu Á”.

Hội thảo được chia thành 12 phiên làm việc với 43 báo cáo chuyên đề được trình bày bởi 98 chuyên gia quốc tế đến từ 18 quốc gia trên thế giới cùng sự tham gia của nhiều học giả từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các khoa chuyên ngành về CNTT và quản lý ở Việt Nam. Trong số đó, rất nhiều nghiên cứu đến từ các nước có nền CNTT phát triển ưu việt như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Autraslia,....

Ứng dụng ITAM và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0  ảnh 2 Các chuyên gia tham dự Hội thảo ITAM tại Đại học Đông Á 

Xuyên suốt hội thảo là những góc nhìn đa chiều, những phân tích về các chủ đề: cộng đồng mạng; công nghệ thông tin và công nghiệp; quản lý nhân lực; công cụ học trực tuyến; thiết kế công nghệ; du lịch hiện đại; viễn cảnh chiến lược; phương pháp nghiên cứu; quản lý dịch vụ; quản trị vùng và thực hành xã hội...

Ứng dụng ITAM và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0  ảnh 3 GS. Gyeung Min Kim - Chủ tịch Hiệp hội cơ sở dữ liệu Hàn Quốc trao gói tài trợ phần mềm trị giá 1 triệu USD cho trường Đại học Đông Á
Dịp này, Cơ quan cơ sở dữ liệu Hàn Quốc (K-DATA - thuộc Chính phủ Hàn Quốc) ký kết và công bố gói tài trợ phần mềm trị giá 1 triệu USD được chuyển giao cho trường Đại học Đông Á. Hoạt động này nhằm phát triển quan hệ song phương trong ngành công nghiệp dữ liệu hai nước cũng như thúc đẩy hệ thống dữ liệu trong giáo dục nói riêng.

2 phần mềm Tibero (phần mền quản lý cơ sở dữ liệu của công ty TmaxSoftware) và Orange (phần mềm quản lý chất lượng dữ liệu của công ty Warevalley) gồm chương trình đào tạo, chương trình bảo trì và hỗ trợ trong thời gian từ 2–3 năm với giấy phép được cấp cho 40 người dùng/phần mềm được tiếp nhận và cài đặt trực tiếp tại phòng thực hành CNTT Đại học Đông Á phục vụ việc thực hành và phát triển kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực dữ liệu cho sinh viên Đại học Đông Á.

Theo TS. Namjae Cho – Đại diện Hội đồng cố vấn IITAMS, Trưởng BTC Hội thảo, đây là 2 phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu hàng đầu của Hàn Quốc và Nhật Bản, được cài đặt và sử dụng phổ biến ở hệ thống máy tính cá nhân và phòng thực hành của các trường học tại Hàn Quốc. Trong đó, phần mềm Tibero gồm một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu có độ tin cậy và bảo mật cao, có khả năng mở rộng (RDBMS) cho các doanh nghiệp muốn quản lý và bảo mật tối đa các cơ sở dữ liệu có quy mô lớn. Với khả năng tương thích cao, Tibero là phần mềm hữu hiệu nhất cho phép người sử dụng tận dụng các dữ liệu của trung tâm dữ liệu phần mềm tại chỗ (SDDC) bằng cách áp dụng mô hình đơn giản tương tự như phần mềm thuê bao dịch vụ (SAAS).

TS. Namjae Cho cũng chia sẻ, trước tính bức thiết về vấn đề bảo mật và quản lý thông tin trước xu hướng làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, doanh nghiệp và người sử dụng rất quan tâm đến các phần mềm có tính bảo mật và độ tin cậy cao để đảm bảo dữ liệu quan trọng của mình. Hiện nay, các công ty lớn trên thế giới đang sử dụng các chương trình MIS, ERP, SAP và phổ biến là Oracle, trung bình mỗi quốc gia phải chi tầm 3 triệu USD để mua chương trình, điều này tiêu tốn một khoản vô cùng tốn kém.

Tiếp sau phiên làm việc chung và 12 phiên làm việc chuyên đề là chuỗi liên tiếp các phiên làm việc của các chuyên gia quốc tế về các chủ đề Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng đến Việt Nam, Tương lai châu Á – góc nhìn quản trị được tổ chức tại Đại học Đông Á.

Hội thảo là diễn đàn thường niên của những người công tác nghiên cứu, ứng dụng, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin và quản trị trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng và tìm kiếm sự hợp tác, phát triển đa phương. Qua đó sẵn sàng xúc tiến hợp tác nhiều mặt dựa trên thế mạnh của từng thành viên trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là chia sẻ sáng kiến và chuyển giao công nghệ mang tính ứng dụng cao thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin và quản lý.

Nguyên Khôi; SGGPO Thứ Hai, 5/2/2018 22:12


Phần mềm giao nhận logistic