Xây dựng chiến lược quốc gia 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) ở Việt Nam đang được ví von là “kim chỉ Nam” cho mọi hoạt động, từ xây dựng chính sách vĩ mô của Trung ương, rồi hoạt động KH-CN cho đến thực tiễn vận động của kinh tế - xã hội đất nước. Câu hỏi đặt ra là: Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận hay chưa?

Mục tiêu đã rõ
Tại hội thảo triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” diễn ra ở Hà Nội cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt 3 câu hỏi cần giải đáp để Việt Nam bắt nhịp CMCN 4.0: Việt Nam đang ở đâu? Các nước đang làm gì và Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số, công nghiệp thông minh?
Thủ tướng đặt vấn đề và mong muốn có sự đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trên phương diện ứng dụng công nghệ mới, phát triển công nghiệp thông minh, nhất là những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức; làm rõ những lợi thế của Việt Nam trong phát triển kinh tế số, nhất là về nguồn nhân lực và sự năng động, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân, của mọi doanh nghiệp.
 
Xây dựng chiến lược quốc gia 4.0 ảnh 1 Cán bộ UBND phường Bến Thành (quận 1, TPHCM) hướng dẫn người dân dùng dấu vân tay kiểm tra thông tin và đăng ký giao dịch sao y, nhà đất, hộ tịch... Ảnh: KIM NGÂN
 
Thủ tướng cũng mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh, đặc biệt là những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Nhiều nước thành công nhưng cũng có thất bại, kể cả các nước đã phát triển và đang phát triển.
Do vậy, tập trung đề xuất, kiến nghị cụ thể về chiến lược, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh ở Việt Nam thời gian tới, trong đó chú trọng tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, là rất quan trọng. 
Đến thời điểm này, hầu hết những doanh nghiệp lớn, có tiềm năng về công nghệ của Việt Nam, như: Viettel, VNPT, FPT, CMC, VNG… đều tuyên bố đã sẵn sàng với CMCN 4.0. Đại diện VNPT cho biết, là một trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam là thành viên sáng lập của “Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF”, VNPT đã được tiếp cận với những nội dung của CMCN 4.0 rất sớm (ngay từ phiên bản đầu tiên vào tháng 1-2016) và tiếp tục được theo dõi quá trình hình thành và phát triển của CMCN 4.0 qua các hội nghị, diễn đàn của WEF sau đó.
Điều này đã giúp VNPT sớm bắt tay vào xây dựng chiến lược phát triển chung, cũng như chiến lược phát triển nguồn nhân lực, hai yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi số. VNPT cũng đã xây dựng chiến lược phát triển của tập đoàn giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030; trong đó đưa ra những mục tiêu và hành động cụ thể cần phải làm trong cuộc CMCN 4.0 này. 
Phó Tổng Giám đốc Viettel Hoàng Sơn thì cho hay, 13 năm qua Viettel luôn trăn trở để làm sao người Việt Nam có thể tự nghiên cứu và phát triển công nghệ sánh vai với các quốc gia phát triển trên thế giới.
Vì vậy, Viettel đã tập trung đầu tư chiều sâu cho lĩnh vực nghiên cứu phát triển bao gồm nhân sự có chuyên môn cao và những cơ sở vật chất hiện đại. Kết quả mang lại hết sức khả quan, nhiều sản phẩm do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất đã đạt tầm quốc tế.
“Sự phát triển và tiến hóa không ngừng của công nghệ có thể khiến những quốc gia chậm chân trong cuộc cách mạng này sẽ nhanh chóng tụt hậu về công nghệ. Đến nay, Viettel đã sẵn sàng để cùng với đất nước đón đầu cuộc CMCN 4.0”, ông Hoàng Sơn khẳng định.
Phối hợp, kết nối liên ngành
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cho biết, FPT đang chuyển đổi số trong kinh doanh, quản trị để nâng cao hiệu quả. Đến nay, FPT đã thiết lập quan hệ đối tác với những đơn vị dẫn đầu CMCN 4.0 của thế giới như IBM, Microsoft, AWS, Siemens và cùng tham gia với các tập đoàn này để phát triển các nền tảng công nghệ mới.
FPT không chỉ làm các ứng dụng hoặc một phần các ứng dụng mà đã có những đơn đặt hàng nền tảng công nghệ 4.0 từ một số tập đoàn trong lĩnh vực ngân hàng, ô tô, hàng không, viễn thông trên thế giới.
Cũng theo ông Trương Gia Bình, CMCN 4.0 rất mới nên nhiều người lúng túng trong việc xác định sẽ làm gì, làm với ai và làm như thế nào. Quan trọng nhất là phải sớm xây dựng chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, vì điều này không chỉ liên quan đến doanh nghiệp mà còn là cuộc cạnh tranh của quốc gia này với quốc gia khác, nếu bị động sẽ thụt lùi.
Cuối năm 2017, lãnh đạo Bộ KH-CN và Bộ TT-TT đã có cuộc làm việc về tình hình triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.
Tại cuộc làm việc này, lãnh đạo hai bộ cho rằng, trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước, Việt Nam tham gia với vai trò người tiêu dùng, hưởng thụ. Nay, với CMCN 4.0, liệu Việt Nam có trở thành nhà cung ứng hay không thì cần phải có tâm thế và chiến lược phát triển rõ ràng. Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Đại Dương cho rằng, nói đến CMCN 4.0 là nói đến IoT, big data, robot, in 3D, trí tuệ nhân tạo...
Tất cả những vấn đề đó, không thể triển khai theo kiểu mạnh ai nấy làm, mà cần phải sự phối hợp, kết nối liên ngành. Vì vậy, ba bộ “nền móng” là Bộ KH-CN, Bộ TT-TT và Bộ GD-ĐT cần phải làm việc với các bộ, ngành khác để xây dựng kịch bản, chiến lược quốc gia nhằm tận dụng cơ hội của cuộc CMCN 4.0. 
Đúng như Chỉ thị 16 đã đề cập: “Nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như: sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao…”.
Nói cách khác, nếu không có một kịch bản cụ thể, chiến lược phù hợp, thì ngay khi CMCN 4.0 đã bùng nổ, Việt Nam, nhất là cộng đồng doanh nghiệp khó mà theo kịp, thích nghi hay phát triển được. Hy vọng, một kịch bản hoàn thiện mang tính quốc gia về CMCN 4.0 sẽ sớm ra đời.

Trần Lưu; SGGP Thứ Hai, 19/2/2018 11:08


Phần mềm giao nhận logistic