“Người khổng lồ vĩ đại” của làng văn Nam Phi

Dân trí - Nadine Gordimer, chủ nhân Giải Nobel Văn học năm 1991 từng được mệnh danh là một trong những “người khổng lồ vĩ đại” của làng văn Nam Phi. Bà đã dành cả cuộc đời và sự nghiệp văn chương của mình để viết về những vấn đề lớn của quê hương như đạo đức, nạn phân biệt chủng tộc, đặc biệt là “chủ nghĩa apartheid”. 

 Nadine Gordimer (1923 – 2014)

Nadine Gordimer là một trong những cây bút dũng cảm nhất, luôn đi tiên phong chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chống nạn “apartheid”, luôn cổ vũ cho một nền dân chủ thực sự. Bà đã trút hơi thở cuối cùng một cách yên bình trong giấc ngủ tại nhà riêng ở thành phố Johannesburg. Các con của bà đã ở bên mẹ trong giờ khắc cuối cùng này.

Là con gái của một thợ sản xuất đồng hồ người Do Thái đến từ Latvia và một phụ nữ xuất thân trung lưu ở Anh, nữ nhà văn Nadine Gordimer bắt đầu sáng tác từ năm lên 9. Bà đã cho ra đời 15 cuốn tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn và các bài bình luận văn học.

Các tác phẩm của bà đã được dịch sang 40 thứ tiếng. Những tác phẩm văn chương của Gordimer không khoan nhượng với những người da trắng theo đuổi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Mối quan tâm lớn nhất trong suốt cuộc đời Gordimer là đất nước Nam Phi, là nền văn hóa, con người nơi đây và cuộc đấu tranh để Nam Phi đạt được sự dân chủ, xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc. Vì những gì mà bà theo đuổi, cuộc đời Nadine Gordimer đã trải qua không ít vinh quang và sóng gió, không chỉ là một nhà văn, bà còn là một nhà hoạt động chính trị - xã hội tích cực.


                 Bà Nadine Gordimer và ông Nelson Mandela

Nam Phi là một đất nước tồn tại song song hai cộng đồng người da trắng chiếm thiểu số và người da đen chiếm đa số. Ngay từ đầu, bà đã đứng về phía ông Nelson Mandela để chống lại cộng đồng những người da trắng có tư tưởng đàn áp người da đen ở Nam Phi.

Nadine Gordimer từng nói: “Tôi đã sống ở đây 65 năm, tôi hiểu rất rõ việc người da đen đã phải gánh chịu những bi kịch như thế nào. Chúng ta - những người da trắng ở Nam Phi - phải chịu trách nhiệm về điều đó”.

Gordimer từng cùng cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela thực hiện những cuốn tiểu sử viết về cuộc đời ông để đem công bố ở nước ngoài nhằm giúp người dân thế giới hiểu hơn về một con người vĩ đại.

Mandela từng chia sẻ về quãng thời gian bị giam cầm của mình rằng: “Thời kỳ đó, tôi đã đọc tất cả những cuốn tiểu thuyết được xuất bản của nữ nhà văn Nadine Gordimer và nhận thức được nhiều điều quan trọng về những người da trắng yêu tự do, dân chủ ở Nam Phi”.

Sau khi được trả tự do hồi năm 1990, Nadine Gordimer là một trong những người đầu tiên mà Nelson Mandela tìm gặp.

Nhiều cuốn sách của bà đã từng bị cấm xuất bản trong thời kỳ còn tồn tại chế độ apartheid ở Nam Phi.

Trong bữa tiệc sinh nhật mừng tuổi 90 được tổ chức hồi tháng 11/2013, Gordimer đã được các bạn bè dành tặng những lời chúc tụng tốt đẹp nhất, rằng bà không chỉ là một nhà văn, mà còn là một người phụ nữ kiên cường, sẵn sàng đứng lên vì lẽ công bằng và nhân đạo.

Trong bữa tiệc, những người bạn của bà cũng đùa vui rằng Nadine Gordimer đã ở tuổi 90 thì không có lý do gì mà bà không đón mừng tuổi 100. Người phụ nữ nhỏ nhắn đó đã lắc đầu kiên quyết và khẳng định một cách hài hước rằng: “Đến tuổi này là quá đủ rồi nhé!”.

Gordimer là người phụ nữ dũng cảm, bằng ngòi bút của mình, bà đã đánh thẳng trực diện vào những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Nam Phi một thời. Bà chưa bao giờ sợ hãi cho bản thân mình. Bà đã nhìn thẳng vào thực tế xã hội và viết lại những thực tế đó một cách đẹp đẽ và dữ dội trên trang văn.

Điều đặc biệt đáng quý ở Gordimer là bà không bao giờ có thái độ nước đôi trong việc phân định đúng sai, trắng đen trong tác phẩm của mình.

Ngoài ra, dù bà đứng về phía ông Nelson Mandela, đồng thời đã giành được những giải thưởng văn chương cao quý, nhưng bà không hề có ý định tận dụng những điều đó để bước theo con đường chính trị dù chắc chắn sẽ đem lại cho bà nhiều thuận lợi.

Gordimer cho rằng trách nhiệm của nhà văn không tách rời với hiện thực xã hội và việc chiến đấu vì lẽ công bằng là một nhiệm vụ của bà, Gordimer chưa bao giờ đòi hỏi sự đền đáp.

Trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình - “No Time Like the Present” (Không có lúc nào như lúc này - 2012), Gordimer đã mở ra một hướng đi mới cho những nhà văn trẻ ở Nam Phi có khát khao viết vì lẽ công bằng và nhân đạo giống như bà, đó là “quá khứ có trong hiện tại”.

Những vấn đề đương đại của Nam Phi có một phần ảnh hưởng từ quá khứ. Những tội phạm bạo lực, những sự khác biệt về chất lượng giáo dục trong các trường học… là một phần dư âm của quá khứ.

Ở trong nước, Gordimer được biết tới là một nhà văn kỳ cựu luôn ủng hộ, giúp đỡ những nhà văn trẻ. Bà chắc chắn sẽ tiếp tục là một “người khổng lồ vĩ đại” có vai trò ảnh hưởng đối với nhiều thế hệ nhà văn tiếp theo ở Nam Phi.

Trong cuộc phỏng vấn hồi năm 1990, Gordimer từng nói: “Tôi sẽ là nhà văn dù sống ở bất cứ đâu, nhưng vì tôi sống ở Nam Phi, nên viết văn đối với tôi nghĩa là chống lại sự phân biệt chủng tộc”.

Theo Guardian


Phần mềm giao nhận logistic