Nữ thủ khoa ĐH Bách khoa: từng khủng hoảng vì kiến thức đại học

Từ một học sinh khối D và không giỏi Lý, Dương Ngọc Khánh Vy trở thành thủ khoa đầu ra ngành Vậy lý kỹ thuật y sinh của trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG, TP.HCM) với 10 điểm luận văn và tổng điểm tốt nghiệp 8,54.

 

Nữ thủ khoa ĐH Bách khoa: từng khủng hoảng vì kiến thức đại học - Ảnh 1.

Khánh Vy đạt được 10 điểm luận văn tốt nghiệp nhờ việc tạo thiết bị hỗ trợ phát hiện sâu răng bằng huỳnh quang - Ảnh do nhân vật cung cấp

Khánh Vy (sinh năm 1995) vừa tốt nghiệp vào tháng 4-2018 với danh hiệu Huy chương vàng (thủ khoa) ngành vật lý kỹ thuật y sinh. Khánh Vy là 1 trong số 11 sinh viên đạt được danh hiệu này.

Cái duyên với Bách khoa

Những năm THPT, Khánh Vy là học sinh khối D. Cô đăng ký thi khối D ngành marketing tại Trường ĐH Cần Thơ và khối A1 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Tuy nhiên, thi vào Trường Bách khoa lại là cái duyên.

Khánh Vy kể lại: "Lúc đó, cậu Hai mình là bác sĩ nói có một ngành kỹ thuật liên quan đến y tế. Mình cũng thích y tế nhưng không giỏi sinh học và cũng không thích làm bác sĩ. Lúc đó, mình về tìm hiểu thêm thì biết đến ngành này ở Bách khoa. Ngày đi thi ở Bách khoa, mình còn nói với bản thân là đi thăm xung quanh trường vì sẽ không có cơ hội lần hai".

Sở dĩ Vy gọi đây là duyên vì vật lý đối với cô là môn học "khó nuốt". Ngày đi thi, Khánh Vy thậm chí phải mượn quyển ghi công thức vật lý của một người bạn để xem và chỉ có thể giải những câu dễ trong đề. May mắn, điểm thi năm đó của Khánh Vy vừa đủ điểm đậu.

Với kết quả đậu cả hai trường, Khánh Vy lại quyết định lên TP.HCM thay vì học marketing tại Cần Thơ. 

Khủng hoảng vì kiến thức tự nhiên

Học kỳ đầu tiên tại trường, Khánh Vy gặp khủng hoảng. Môn vật lý đại cương trở thành nỗi sợ vì lượng kiến thức quá nhiều mà Vy lại không nắm được.

Nữ thủ khoa ĐH Bách khoa: từng khủng hoảng vì kiến thức đại học - Ảnh 2.

Khánh Vy từng muốn chuyển ngành học vì khủng hoảng kiến thức khối tự nhiên - Ảnh do nhân vật cung cấp

Vy nhớ lại: "Trong tiết giải bài tập, khi mọi người đều làm bài thì mình không biết gì cả. May mắn là bạn bè giúp. Giai đoạn đó với mình như học thuộc lòng. Mấy bạn chỉ, mình về giải lại 1 lần, 2 lần, 3 lần đến khi thấm vô. Khi đi thi, mình thấy bài nào có dạng giống với những cái mình biết thì làm thôi".

Suốt học kỳ đầu tiên, Vy chỉ hiểu duy nhất được 1 môn. Có lúc, Khánh Vy đã muốn từ bỏ và thi lại ngành sư phạm mầm non vì cô có năng khiếu giữ trẻ con và quản trò. Tuy nhiên, sau khi nghĩ lại, Khánh Vy cảm thấy nếu chuyển sang hướng mới, cô cũng không chắc chắn rằng mình sẽ không chán, nên phải động viên bản thân cố gắng.

Cô cho biết: "Tư duy mình không phải tư duy về logic nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình học. Ví dụ như những môn về vẽ kỹ thuật, hình không gian, mình không có khả năng. Bạn bè cố gắng dạy nhưng công cốc. Khi cô cho bài về nhà, bạn mình chỉ mình nên điểm trong lớp và giữa kì kéo lên. Có những môn để mình thấy mình không dành cho tự nhiên".

Đến học kỳ hai, Khánh Vy dần bắt được nhịp học tại trường. Từ năm 2, cô bắt đầu đặt mục tiêu học tập cho các năm. Sau những cố gắng miệt mài, Vy nhận ra rằng chương trình học ở trường "nặng chứ không khó". 

"Kiến thức không quá khó nhưng lại ập vào cùng một lúc nên mình phải quen với guồng đó. Thi cử, bài tập, báo cáo của các môn cứ dồn đến một lúc", Vy nói.

10 điểm luận án tốt nghiệp

Nữ thủ khoa ĐH Bách khoa: từng khủng hoảng vì kiến thức đại học - Ảnh 3.

Khánh Vy cho biết thành công của cô là nhờ sự giúp đỡ của nhiều người - Ảnh do nhân vật cung cấp

Học kỳ hai năm ba, Khánh Vy vừa học, vừa bắt đầu làm nghiên cứu. Đa phần các sinh viên đều làm nghiên cứu lý thuyết nhưng Khánh Vy lại chọn chế tạo thiết bị hỗ trợ phát hiện sâu răng bằng huỳnh quang. Sở dĩ chọn đề tài này vì Khánh Vy thích nghiên cứu về ánh sáng và có niềm đam mê với y tế.

Cô cho biết: "Mình thích về ánh sáng chứ không có định hướng cụ thể. Ban đầu mình định theo laser, nhưng laser đa phần là nghiên cứu nên mình mới chuyển sang huỳnh quang. Cô gáo hướng dẫn nghiên cứu cũng làm về huỳnh quang, nên mình theo hướng của cô luôn".

Suốt quá trình làm, Vy gặp không ít khó khăn trong việc mua các thiết bị, linh kiện chế tạo vì một vài thiết bị như camera phải đặt mua tại trang web nước ngoài và hơn một tháng mới nhận được hàng.

Mặt khác, Vy phải nhờ đến sự hỗ trợ của nhiều người và theo cô, thành tích cô đạt được là do được mọi người giúp đỡ.

"Khi mình theo hướng ứng dụng như thế, mình phải chấp nhận rủi ro là khi đụng đến điện, vẽ thiết bị thì không ai giúp mình hết. Lúc đó, mình tự đẩy mình vào đường cùng và bản thân tự biết sẽ làm gì tiếp theo. Hoặc có thể tìm sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè, anh chị đi trước. 

Tất nhiên, một mình mình thì không thể có khả năng làm hết mọi việc mà đều có sự hỗ trợ. Tuy nhiên, mình phải biết những điều cơ bản trước. Ví dụ như mình biết mạch điện, biết khống chế dòng điện nhưng lại không biết làm thế nào để tối ưu hóa nên phải nhờ đến một bạn khác tư vấn", Vy nói.

Điểm luận văn tốt nghiệp của Khánh Vy được đánh giá cao và đạt điểm 9,5. Ngoài ra, nhờ có bài nghiên cứu khoa học được đăng trên tạp chí khoa học, Khánh Vy được cộng thêm 1 điểm.

Nói về tính thực tế của nghiên cứu, Khánh Vy cho biết mong muốn mang sản phẩm ra thị trường, vì thiết bị này đã có ở Đức nhưng giá thành rất cao, lại là thiết bị hữu ích và dễ chế tạo. Tuy nhiên, điều này cần một thời gian dài và qua thêm nhiều nghiên cứu, thử nghiệm khác.

Phương Thanh; TTO - 08/7/2018 16:13 GMT+7


Phần mềm giao nhận logistic