Đi cùng chính sách ngành dược
Ngành Dược nước ta đứng trước những thách thức to lớn, đối diện với những hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trình độ sản xuất, phân phối dược phẩm mặc dù đã tuân thủ những quy chuẩn quốc tế cơ bản nhưng do nguồn vốn và quy mô đầu tư chưa đủ lớn đã làm cho nền công nghiệp dược phẩm Việt Nam dường như giậm chân tại chỗ, nếu không kịp thời khắc phục sẽ dần dần trở nên lạc hậu so với sự phát triển không ngừng của các nước khác trên thế giới. Trong Chính sách quốc gia về dược giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 nhằm định hướng cho ngành phát triển một cách bền vững, đã nêu rõ: Đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển ngành dược, khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực dược. Thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường gắn với chuyển giao công nghệ và tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Khẩn trương hoàn thiện và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật để nhà đầu tư trong nước có định hướng phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu dược và bao bì dược, giảm dần tỷ trọng nhập khẩu dược chất, tá dược và bao bì làm thuốc nhằm chủ động hơn về nguồn nguyên liệu và giá thành đầu vào của dược phẩm. Chủ động lựa chọn những phân khúc sản phẩm mà Việt Nam có ưu thế so với hàng nhập khẩu để đầu tư, phát triển…
Tại TPHCM, Sở KH-CN TPHCM đã xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp sinh học y dược giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến 2030, đã mời rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến. Các nhiệm vụ được đặt ra gồm xây dựng mới và nâng cấp các khu trung tâm, phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ sinh học y dược cũng như nâng cấp các trung tâm có năng lực kiểm định vaccine và sinh phẩm. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi về thuế, sử dụng đất và được hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng hệ thống phân phối.
Mục tiêu thương mại
Các số liệu cho thấy, thuốc sinh học hiện được dùng để điều trị nhiều loại bệnh như ung thư hay thần kinh trung ương… mà các thuốc khác không thay thế được, các loại thuốc này hiện chiếm khoảng 30% tổng số thuốc trên thị trường quốc tế. Tại Việt Nam, con số này là 5% nhưng có tốc độ tăng trưởng lên tới 15% do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao, hầu hết sản phẩm này ở Việt Nam vẫn là sản phẩm nhập ngoại.
Theo ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở KH-CN TPHCM), phát triển công nghiệp sinh học y dược với mục tiêu tạo ra các sản phẩm thương mại, có khả năng thay thế sản phẩm ngoại nhập là một trong những chương trình mục tiêu mà Sở KH-CN TPHCM đề ra trong chương trình hoạt động năm 2018. Chương trình cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 các sản phẩm thuốc sinh học Việt Nam đạt doanh thu 8.000 tỷ đồng/năm, chiếm 50% thị trường trong nước và có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Song song đó, thông qua việc làm chủ một số công nghệ quan trọng, chương trình được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự ra đời của các doanh nghiệp và sản phẩm sinh học sản xuất trong nước.
Để thực hiện được các mục tiêu nói trên, ngoài chính sách tổng quát và chương trình thực hiện thì việc vượt qua những rào cản từ thực tế cần được tính đến. Trong các vấn đề được nêu lên, hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm nghiệm được các chuyên gia đặc biệt lưu ý. Có ý kiến cho rằng thuốc sinh học là sản phẩm đặc biệt, khó tiên lượng trước các tác dụng có thể xảy ra nên quá trình kiểm nghiệm, thử nghiệm lâm sàng rất cần thiết. Ngoài ra, thuốc sinh học là sản phẩm đặc biệt nên đòi hỏi việc nghiên cứu nhu cầu thị trường rất khác so với các sản phẩm thông thường. Bởi vậy, các nhà khoa học mong muốn Sở KH-CN TPHCM thực hiện các nghiên cứu, phân tích thị trường để làm định hướng phát triển sản phẩm.
Bá Tân; SGGP Thứ Năm, 19/7/2018 08:06