Chiều 26-7, tại Hội thảo Smart City 360 độ lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp tương tác thời gian thực cho đô thị thông minh”, do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (ICST) thuộc Sở KH-CN TPHCM tổ chức, đông đảo đại diện các cơ quan nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, startup đã cùng thảo luận về các nghiên cứu, ứng dụng về mô hình, ứng dụng kỹ thuật phân tích đáp ứng đồng bộ, tối ưu hóa tương tác thời gian thực để giải quyết các vấn đề cụ thể của giao thông, y tế, môi trường.
Bên cạnh đó là các vấn đề về kiến trúc phần cứng và phần mềm có liên quan đến tương tác thời gian thực như hạ tầng truyền thông, cấu trúc bộ nhớ chuyên dụng, thiết kế vi mạch tích hợp cho ứng dụng thời gian thực, phần mềm mô phỏng cho các kiến trúc và ứng dụng mới…
Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Kỳ Phùng (Viện trưởng ICST), đại diện ban tổ chức cho biết: “Điểm đặc biệt của Hội thảo Smart City 360 độ là tính kết nối giữa nghiên cứu với thực tiễn ứng dụng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Những tham luận tại hội thảo thể hiện tính ứng dụng cụ thể, thực tế trong các lĩnh vực liên quan đến đô thị thông minh và công nghiệp 4.0”.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng cũng đại diện ICST giới thiệu Hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí. Đây là nội dung chính trong đề tài nghiên cứu ứng dụng Xây dựng hệ thống dự báo không khí vùng TPHCM, với hướng tiếp cận mới là sử dụng các mô hình quang hóa (CMAQ) kết hợp với mô hình dự báo khí tượng (WRF) để dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực ở TPHCM và một số vùng lân cận. Giải pháp hiện được giới chuyên gia đánh sẽ là nền tảng giúp tiếp tục phát triển, hoàn thiện các hệ thống quan trắc, tính toán mô phỏng và dự báo chất lượng không khí khu vực thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Loạt 6 giải pháp Internet vạn vật (IoT) đặc thù cho thành phố thông minh ở Việt Nam do đại diện Global CyberSoft giới thiệu cũng thu hút sự quan tâm tại hội thảo. Các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết, đặc thù của việc ứng dụng công nghệ cho thành phố thông minh tại Việt Nam, đặc biệt những giải pháp đã được kiểm nghiệm thành công qua thực tế triển khai như giải pháp giao thông thông minh SmartTraffic, giải pháp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao SmartAgri, giải pháp an ninh công cộng Public Satefy, nền tảng dịch vụ công City Center, giải pháp cho lĩnh vực hàng không Airport, bộ giải pháp bán lẻ FlexBA.
Trước đó trong sáng 26-7, nằm trong chuỗi sự kiện Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 23 – VIO 2018, khách mời và diễn giả cũng đã bàn luận chuyên sâu về phương thức, giải pháp chuyển đổi số để ứng dụng trong vận hành doanh nghiệp, quản lý nhân sự, số hóa tài liệu kỹ thuật…
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, phát biểu khai mạc, nhấn mạnh: Trong kỷ nguyên số, dữ liệu chính là tài sản của doanh nghiệp. Hiện công nghệ và giải pháp phục vụ chuyển đổi số trên thị trường đã sẵn sàng với rất nhiều lựa chọn, được cung cấp từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Nhưng làm sao để kết nối được giữa sự hiểu biết về công nghệ và chuyển hóa thành ứng dụng trong điều hành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững chính là vấn đề lớn mà việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp cần phải giải quyết được.
Để tiếp cận với công nghệ số và chuyển đổi dữ liệu, theo ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TPHCM, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, tiếp cận theo hướng hệ sinh thái để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ, tăng hiệu quả quản lý thông tin, tạo hình mô quản lý nhân lực linh hoạt đáng tin cậy và tối ưu hoá quy trình nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, muốn bắt tay vào quá trình chuyển đổi số, các chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên bắt đầu chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhưng có tầm nhìn lớn. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể bắt đầu từ việc số hóa tài liệu để hạn chế in ấn giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho khách hàng; hoặc bước đầu số hóa quy trình giao việc, kiểm soát công việc trong doanh nghiệp với một giải pháp trên nền tảng đám mây.
GIa Quảng; SGGPO - Thứ Năm, 26/7/2018 19:02