Trại viết báo cáo khoa học lần thứ nhất năm 2018: CHUYỂN GIAO - SẺ CHIA – KẾT NỐI – LAN TỎA

Chuyển giao NGỌN LỬA NGHỀ. 

Sẻ chia NHỮNG TRI THỨC.

Kết nối TÌNH ĐỒNG NGHIỆP. 

Lan tỏa NHỮNG YÊU THƯƠNG.

Đó là tiêu chí mà Trại viết với chủ đề Tập huấn cách viết và công bố báo cáo khoa học trong nước hướng đến. Trại viết do Chi hội Nữ trí thức phối hợp với Đoàn khối Cán bộ trẻ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG TPHCM tổ chức trong các ngày 27, 28 & 29/7/2018 tại Cần Giờ.

Tham dự Trại viết có PGS-TS. Ngô Thị Phương Lan, Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng - Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Nhà trường cùng quý thầy cô là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, những người có nhiều kinh nghiệm trong việc công bố các báo cáo nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Trại viết lần này đặc biệt đã nhận được sự đồng ý hướng dẫn của GS-TS. Lương Văn Hy, nguyên Trưởng khoa Nhân học, Đại học Toronto, Canada nhân chuyến về nước công tác của GS tại TPHCM.

Các thành viên Trại viết tham gia trải nghiệm tuyến Quận 1 – Cần Giờ bằng cano trên sông Sài Gòn – Ảnh: Thảo Chi

Môi trường học thuật chuyên nghiệp

Xuất phát từ Tân Cảng bằng phương tiện cano, nhiều trại sinh chia sẻ cảm giác lần đầu tiên được ngắm nhìn Thành phố ở một góc nhìn khác, vừa lạ lẫm, vừa thân quen, vừa tận hưởng cảm giác mát mẻ, vừa hồi hộp bởi cảm giác bốn bề sông nước mênh mông.

Cần Giờ chào đón quý thầy cô và các bạn trại sinh bằng cái nắng khá gay gắt, nhưng điều này không thể thiêu rụi nhiệt huyết của mọi người, sự hăng hái và tinh thần học tập cao độ đều hiện rõ trên gương mặt của mỗi trại sinh.

Sau thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi, các trại sinh bắt đầu tham dự chuyên đề tập huấn đầu tiên trong Trại viết lần này. Đó là chuyên đề Nhận diện các yêu cầu viết bài báo khoa học trong nước và quốc tế do GS-TS. Lương Văn Hy trực tiếp hướng dẫn. GS.TS Lương Văn Hy đã giúp các trại sinh nhận diện và khu biệt điểm giống và khác nhau giữa các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, các yêu cầu cụ thể, quy trình gửi bài và phản biện của các tạp chí, v.v… cũng như chia sẻ những kinh nghiệm của ông về việc gửi bài đến các tạp chí quốc tế.

GS-TS. Lương Văn Hy đang hướng dẫn cho các trại sinh - Ảnh: Thảo Chi

Buổi chiều được tiếp tục với chuyên đề Kỹ thuật viết một bài báo khoa học do TS. Trương Thị Thu Hằng, Giảng viên chính khoa Nhân học trực tiếp hướng dẫn. Với chuyên đề này, TS. Trương Thị Thu Hằng đã giúp các trại sinh hiểu rõ hơn về bố cục của một bài báo hoàn chỉnh gồm các đề mục bắt buộc nào? Cách triển khai các luận điểm chính trong bài viết, việc phân chia dung lượng của mỗi luận điểm, cách viết mở đầu và kết luận như thế nào? v.v…

TS. Trương Thị Thu Hằng đang hướng dẫn cho các trại sinh - Ảnh: Thảo Chi

Các giảng viên hướng dẫn trao đổi, giải đáp thắc mắc của các trại sinh - Ảnh: Thảo Chi

Sự sẻ chia tận tâm

Ngày làm việc thứ hai là khoảng thời gian dành cho sự trao đổi và làm việc chuyên sâu giữa các giảng viên hướng dẫn và các trại sinh theo lĩnh vực chuyên sâu. Trại viết lần này được chia làm 7 nhóm chính với sự hướng dẫn của GS-TS. Lương Văn Hy, PGS-TS. Ngô Thị Phương Lan, PGS-TS. Huỳnh Ngọc Thu, PGS-TS. Nguyễn Thị Vân Hạnh, PGS-TS. Trần Nam Tiến, TS. Trương Thị Thu Hằng và TS. Lưu Văn Quyết. Không khí trao đổi thảo luận diễn ra với tinh thần học tập nghiêm túc và hăng say. Các trại sinh được giảng viên hướng dẫn rõ hơn về đề tài nghiên cứu của mình, đặc biệt là nền tảng lý thuyết nghiên cứu (vấn đề mà nhiều giảng viên, người nghiên cứu trẻ hiện nay đang mắc phải), phản biện và chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại trong đề tài của mình, góp ý và đưa ra những định hướng để triển khai và phát triển đề tài cho các trại sinh.

Một số hình ảnh về phiên làm việc trực tiếp giữa Giảng viên hướng dẫn và trại sinh - Ảnh: Thảo Chi, Đức Minh

PGS-TS. Ngô Thị Phương Lan đang hướng dẫn cho các trại sinh

GS-TS Lương Văn Hy đang hướng dẫn cho các trại sinh

TS. Lưu Văn Quyết đang hướng dẫn cho trại sinh

PGS-TS. Nguyễn Thị Vân Hạnh đang hướng dẫn cho các trại sinh

PGS-TS. Huỳnh Ngọc Thu đang hướng dẫn cho các trại sinh

PGS-TS. Trần Nam Tiến đang hướng dẫn cho các trại sinh

Sau buổi làm việc trực tiếp với các giảng viên hướng dẫn, các trại sinh đã thực hiện một “cam kết” nhỏ với Ban tổ chức, trong đó ghi rõ kế hoạch, mục tiêu, thời điểm hoàn thành bài viết của mình trong thời gian sắp tới.

Các trại sinh viết cam kết về kế hoạch triển khai nghiên cứu của mình - Ảnh: Văn Quyết

Gắn kết và lan tỏa

Không chỉ tạo một môi trường để các trại sinh rèn luyện và trau dồi khả năng học thuật, Ban tổ chức trại viết còn mong muốn mang lại một cơ hội kết nối để gắn kết các cán bộ, giảng viên trẻ của Trường. Đêm gala được tổ chức với tinh thần kết nối và lan tỏa những giá trị học thuật, những ngọn lửa nghề được đốt cháy bằng nhiệt huyết và sự tận tâm của các giảng viên hướng dẫn và truyền lại những giá trị ấy cho các thế hệ tiếp nối.

TS. Lê Thị Ngọc Điệp. Trưởng Ban tổ chức, phát biểu khai mạc đêm gala

Thay mặt các trại sinh, BTC đã gửi trao thư cảm ơn và món quà nhỏ đến quý thầy cô hướng dẫn như lời tri ân chân thành và sâu sắc của các trại sinh gửi đến những người trao truyền tri thức.

Những giọng hát giao lưu, kết nối, những trò chơi đố vui với sự tham gia của các thầy cô và trại sinh như xóa nhòa khoảng cách thế hệ, đưa mọi người xích lại gần nhau hơn.

Một số hình ảnh đêm gala - Ảnh: Tố Nga

Các trại sinh hào hứng tham gia trò chơi

Các trại sinh vui vẻ nhận quà từ BTC sau khi tham gia trò chơi

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”

Trại Sinh Trần Lê Hiếu Hạnh (Khoa Báo chí) đã chia sẻ, đúc kết cảm xúc của mình sau khi tham dự Trại viết bằng một câu thơ của Tố Hữu, và đó cũng là chia sẻ chung của tất cả các trại sinh sau hai ngày tham gia.

Có những vấn đề tưởng chừng đơn giản như “cách viết và triển khai một bài báo khoa học”, “đề tài này nên gửi đăng ở tạp chí nào?”, “cách viết mở đầu/ kết luận?”, “cách triển khai luận điểm khoa học”, “cách dẫn tài liệu tham khảo”, v.v… nhưng lại chính là “vấn đề rắc rối” mà các giảng viên, nghiên cứu viên trẻ hiện nay đang gặp phải khi bắt đầu bước chân vào con đường nghiên cứu. Từ “ngạc nhiên”, “vỡ òa”, đến “thông suốt” là “quy trình” được các bạn trại sinh lặp đi lặp lại nhiều nhất khi được nghe các giảng viên hướng dẫn và chia sẻ những kiến thức.

Và thành công lớn nhất của Trại viết lần này, đó chính là chữ Tình: Tình thầy trò, Tình đồng nghiệp, Tình bạn bè, được kết nối bởi Tình yêu cho khoa học, Tình yêu cho ngôi trường Khoa học Xã hội - Nhân văn.

Trại viết lần này hứa hẹn tiếp nối cho sự thành công của chuỗi các Trại viết báo cáo khoa học sắp tới.

“Trại viết báo cáo khoa học” là một mô hình đã xuất hiện từ lâu ở các trường đại học lớn trên thế giới. Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV, với sự phối hợp tổ chức giữa Chi hội Nữ trí thức và Đoàn khối Cán bộ trẻ (trực thuộc Đoàn Thanh niên Trường ĐH KHXH&NV).

Chương trình “Trại viết báo cáo khoa học” năm 2018 được tổ chức tại huyện Cần Giờ (TPHCM) và được chia làm hai đợt trại: Đợt 1 từ ngày 27 đến 29-7 với chủ đề tập huấn công bố các bài báo khoa học trong nước; Đợt 2 từ ngày 26 đến 28-10 với chủ đề tập huấn công bố bài báo khoa học quốc tế.

Chương trình nhận được sự đồng hành và tài trợ của Công ty Yến sào Việt Nam tại huyện Cần Giờ và Công ty Du lịch Học thuật Việt Nam.

Tin bài: Thảo Chi


Phần mềm giao nhận logistic