Chính quyền điện tử TP.HCM được thiết kế linh động, thực tiễn

Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM sẽ lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm và được thiết kế theo định hướng linh động, thực tiễn và có khả năng mở rộng. 

Chiều 9.10, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị công bố Kiến trúc Chính quyền điện tử (CQĐT) TP.HCM.

Hướng tới Dịch vụ công tự động

Phát biểu tại Hội nghị, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết ứng dụng CNTT đã được triển khai rộng trong các hoạt động quản lý nhà nước và hỗ trợ hiệu quả công tác cải cách hành chính tại TP.HCM. Cụ thể, 753 đơn vị đã thực hiện liên thông văn bản, điều hành qua mạng. 767 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 đã được triển khai.

Tuy nhiên, bà Trinh nhận xét, các ứng dụng này còn rời rạc, thiếu đồng bộ, mức độ liên thông còn thấp. Tổ chức dữ liệu vẫn phân tán, trùng lặp và thiếu nhất quán, tỷ lệ số hóa còn thấp. Dịch vụ công được triển khai còn phức tạp, thiếu thống nhất, mức độ hỗ trợ chưa cao. Nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại này là do thiếu kiến trúc CQĐT định hướng cho công tác ứng dụng CNTT của thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định: "Việc xử lý thông tin của chính quyền hiện nay đòi hỏi phải nhanh, phải ứng dụng công nghệ để giải quyết". Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cũng nhấn mạnh cần phải đẩy nhanh, đẩy mạnh việc đưa giải pháp công nghệ vào quản lý các sở, ngành, các đơn vị sự nghiệp và triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt ở các huyện, nơi khoảng cách giữa người dân với cơ quan công quyền rất xa.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị

Kiến trúc CQĐT TP.HCM mới công bố được xây dựng dựa trên định hướng phát triển Kinh tế - Xã hội của TP.HCM, đề án Đô thị thông minh của TP.HCM và định hướng Chính quyền số. Đây sẽ là kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của Thành phố, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của đề án phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh.

Theo đó, kiến trúc CQĐT TP.HCM lấy người dân, doanh nghiệp là trọng tâm và được thiết kế theo định hướng linh động, thực tiễn và có khả năng mở rộng.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, TP.HCM sẽ tập trung hình thành kho dữ liệu dùng chung về thông tin người dân, doanh nghiệp, bản đồ số cùng với hoàn tất triển khai hệ thống Một cửa điện tử liên thông và hệ thống Quản lý Văn bản điều hành điện tử. Kết thúc giai đoạn này, người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi qua tương tác Web 2.0 và dịch vụ công di động.

Trong giai đoạn tiếp theo, TP.HCM sẽ ứng dụng các công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn và mở, mạng xã hội để cung cấp dịch vụ công thông mình và hướng tới dịch vụ công tự động và CQĐT cá nhân hóa.

Mô hình tổ chức dữ liệu 3 lớp 

Hiện nay, thành phố đã xây dựng một số cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung như CSDL Quản lý văn bản của Thành phố, CSDL Một cửa điện tử Thành phố, CSDL Cán bộ, công chức, viên chức Thành phố và đang thí điểm các Kho dữ liệu về doanh nghiệp, đất đai.

Tuy nhiên, các CSDL dùng chung kể trên không đủ để hỗ trợ liên thông nghiệp vụ và nhất là để đáp ứng định hướng lấy dữ liệu làm nền tảng để xây dựng đô thị thông minh của TP.HCM. Bởi vậy, kiến trúc dữ liệu tổng thể kết nối, không trùng lặp, không rời rạc là cấu phần quan trọng nhất của kiến trúc CQĐT TP.HCM

Tổ chức dữ liệu 3 lớp được đánh giá là phù hợp với định hướng đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh và là cơ sở để xây dựng mô hình kiến trúc dữ liệu mục tiêu của TP.HCM. Theo đó, các dữ liệu thống kê, báo cáo, dữ liệu hành chính và các dữ liệu khác sẽ được tổng hợp thành kho dữ liệu chung và chia được chia theo 3 cấp độ.

Mô hình dữ liệu 3 lớp sẽ được TP.HCM triển khai

Lớp dữ liệu mở bao gồm các dữ liệu được chia sẻ công khai qua cổng thông tin để người dân và các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng và tạo ra giá trị gia tăng. Lớp dữ liệu thứ 2 là các dữ liệu của các cơ quan nhà nước chia sẻ và dùng chung hỗ trợ tác nghiệp và ra quyết định của các cơ quan nhà nước. Những dữ liệu được bảo toàn, sử dụng trong nội bộ của từng đơn vị được xếp vào lớp dữ liệu chuyên ngành.

“Khi Thành phố ban hành Kho dữ liệu dùng chung, các dữ liệu quy tụ về sẽ được chuyển theo định dạng chung theo định dạng của quốc gia”, bà Võ Thị Trung Trinh cho biết, “Với các hệ thống thông tin hiện hữu tại các đơn vị, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ sử dụng công cụ để tích hợp. Còn các đơn vị triển khai xây dựng mới sẽ phải tuân thủ theo các quy định về chuẩn dữ liệu theo khung kiến trúc này.”

Tạp chí Khám phá - Phạm Sơn; Thứ Ba, ngày 09/10/2018 18:03 PM (GMT+7)


Phần mềm giao nhận logistic